Khoa học - Công nghệ

Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phải là "lực đẩy" để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

DNVN – Theo Thứ trưởng Bùi Xuân Định, điều quan trọng nhất trong việc sửa đổi luật là phải chú ý đến việc tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhưng vẫn phải tạo động lực mới, vừa là lực kéo vừa là lực đẩy để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Một doanh nghiệp Công nghệ cao của Viettel có nhiều bằng sáng chế bảo hộ độc quyền tại Mỹ / Thừa Thiên Huế: Doanh nghiệp là trung tâm để phát triển ngành khoa học công nghệ

"Bệ đỡ" nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ), tính đến nay, với sự phát triển không ngừng, hệ thống TCVN đã đáp ứng kịp thời tiến độ, lộ trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và trở thành “bệ đỡ” vững chắc, góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã coi vấn đề tiêu chuẩn và chất lượng trở thành giá trị cốt lõi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tiến trình đưa hàng Việt ra thế giới.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, ngành tiêu chuẩn nước ta đang đứng trước nhiều thách thức và cơ hội để đáp ứng thay đổi và nhu cầu phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế vận hành theo hướng bền vững. Vì vậy, để thể thực hiện các nhiệm vụ đặt ra một cách có hiệu quả cần có những giải pháp cụ thể hơn.

Theo đó, cần tổ chức xây dựng và thực hiện chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia của Việt Nam để hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội trong những lĩnh vực ưu tiên quốc gia từng giai đoạn; Cần tập trung đào tạo và đào tạo lại theo chiều sâu về nghiệp vụ tiêu chuẩn hóa, tiêu chuẩn hóa chuyên ngành cho cán bộ, nhân viên ngành tiêu chuẩn đo lường, chất lượng và ở các Bộ, ngành theo các trình độ khác nhau (cơ bản, cập nhật, nâng cao…).

Cùng với đó, cũng cần có kế hoạch nghiên cứu bài bản và tổ chức thực hiện việc đánh giá hiệu quả hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cho một số chuyên ngành quan trọng của nền kinh tế trong phạm vi toàn quốc, bao gồm cả sự đóng góp của tiêu chuẩn cho phát triển chuyên ngành theo các giai đoạn thích hợp.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Phải lấy doanh nhiệp làm trung tâm

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức ngày 7/1, bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả mà Tổng cục đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định cũng đề nghị trong năm 2022, Tổng cục cần đánh giá, rà soát và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản có liên quan.

Theo Thứ trưởng, việc sửa đổi 2 luật này nhằm mục tiêu để phù hợp với các cam kết tại Hiệp định CPTPP, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

“Điều quan trọng nhất trong việc sửa đổi luật là phải chú ý đến việc tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhưng vẫn phải tạo động lực mới, vừa là lực kéo vừa là lực đẩy để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Định nói.

 

Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cần đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực bảo đảm phục vụ quản lý, trang bị kịp thời cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và đặc biệt là tập trung xây dựng đề án chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.

Thứ trưởng cũng yêu cầu xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi số trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng tinh gọn, nâng cao năng suất, kế thừa các hệ thống điện tử công nghệ thông tin đã được đầu tư; tập trung, ưu tiên nguồn lực Nhà nước, nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế để tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế...

Đối với các chương trình, đề án quốc gia như Chương trình 1322 về nâng cao năng suất chất lượng, Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc, Đề án 996 về bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; Quyết định số 36/QĐ-TTg về kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo… cần có cách tiếp cận mới, linh hoạt hơn, bảo đảm huy động được các nguồn lực xã hội cùng tham gia thực hiện.

“Các chương trình, đề án đều phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy mạnh mẽ năng suất, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Việt Nam, bảo đảm có tính cạnh tranh dựa trên nền tảng áp dụng KHCN và đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.


Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm