Khoa học - Công nghệ

Hoa Kỳ tài trợ Quỹ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp thành phố thông minh ASEAN năm 2022

DNVN - Sở Ngoại vụ Đà Nẵng cho biết, Tổ chức đối tác thành phố thông minh Hoa Kỳ - ASEAN (USASCP, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) tài trợ Quỹ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp thành phố thông minh năm 2022 từ 30.000 USD đến 300.000 USD cho mỗi đề xuất của các doanh nghiệp nhỏ, tổ chức phi chính phủ, các trường đại học từ các nước thành viên ASCN.

Đà Nẵng: Hơn 274 tỷ đồng xây dựng cầu Quảng Đà / Găng tay phục hồi chức năng của sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng đạt giải nhất EPICS-2022 toàn quốc

Ngày 14/3, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng cho hay, sau khi nhận được thông tin từ Phái đoàn Hoa Kỳ tại ASEAN, Sở này vừa có Công văn số 305/SNG-HTQT-LTĐN (ngày 9/3) gửi Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng; Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, Vườn ươm Sông Hàn; Hội Nữ doanh nhân, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Đà Nẵng; các trường đại học trên địa bàn TP về việc Quỹ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp thành phố thông minh thông báo tiếp nhận tài trợ cho năm 2022.

Đà Nẵng là một trong 3 TP của Việt Nam tham gia thí điểm Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN (ASCN)

Đà Nẵng là một trong 3 TP của Việt Nam tham gia thí điểm Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN (ASCN).

Theo đó, Tổ chức đối tác thành phố thông minh Hoa Kỳ - ASEAN (USASCP, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) là đơn vị tài trợ cho năm 2022 của Quỹ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp thành phố thông minh. Đối tượng nộp hồ sơ đề xuất là các doanh nghiệp nhỏ, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học từ các nước thành viên trong Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN (ASCN).

Lĩnh vực đề xuất gồm các giải pháp công nghệ, tự nhiên, tài chính, thể chế nhằm giải quyết các thách thức và nhu cầu trong lĩnh vực nước, giao thông, năng lượng, rác thải, y tế, giáo dục và các lĩnh vực đô thị ưu tiên khác. Đề xuất cần tập trung vào giải pháp bền vững với phát thải khi carbon thấp hoặc bằng 0.

Sở Ngoại vụ Đà Nẵng cho biết, giá trị tài trợ tối thiểu 30.000 USD đến 300.000 USD/mỗi đề xuất. Hạn nộp đề xuất là ngày 3/4/2022 (5pm giờ Hoa Kỳ Central time); đầu mối liên hệ: Usascp@cherokee-federal.com. Đề xuất cần xác định ít nhất 2 đối tác tham gia thực hiện. Các sở, ngành và cơ quan nhà nước không được phép nộp đề xuất hoặc tham gia thực hiện đề xuất, tuy nhiên có thể thể hiện sự ủng hộ thông qua thư giới thiệu. Thông tin chi tiết tham khảo tại: https://asean.usmission.gov/smart-cities-business-innovation-fund/.

Được biết, sáng kiến Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASEAN Smart Cities Network - ASCN) được triển khai thành lập từ năm 2018 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 tại Singapore nhằm xây dựng một diễn đàn hợp tác của các đô thị cùng chia sẻ những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và hướng đến phát triển bền vững. Theo đó, ASCN là một nền tảng hợp tác, trong đó các thành phố trong mạng lưới sẽ hợp tác cùng nhau, hướng tới ba mục tiêu: Tạo ra nền kinh tế cạnh tranh, môi trường bền vững và chất lượng sống cao, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ.

Ngay từ khi mới ra đời, sáng kiến xây dựng ASCN đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của giới chuyên gia khu vực. Bởi, theo các chuyên gia, dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 90 triệu người dân chuyển từ các khu vực nông thôn đến các thành thị trên khắp khu vực ASEAN, dẫn đến áp lực lớn đối với môi trường, cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý rác thải và vệ sinh cơ bản tại các thành phố. Chính vì vậy, xây dựng và phát triển Mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực sẽ góp phần quan trọng giải quyết những thách thức khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.

Việt Nam tham gia ASCN vào năm 2018 với sự tham gia thí điểm của 3 thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ngay sau khi Việt Nam tham gia ASCN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” với 3 nhóm nội dung ưu tiên, gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; Quản lý đô thị thông minh; và Tiện ích đô thị thông minh.

Trên nền tảng cơ sở dữ liệu liên thông, hiện nay nhiều đô thị ở Việt Nam đã có những thành công bước đầu trong việc cung cấp các tiện ích thông minh trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng, môi trường...; từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị và tạo ra cơ hội phát triển con người, không bỏ lại ai phía sau.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm