Khoa học - Công nghệ

Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Liên kết doanh nghiệp, thúc đẩy mũi nhọn nghiên cứu khoa học

DNVN - GS.TS, ĐBQH Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Khơi nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp, Học viện đã liên kết chặt chẽ với hàng trăm doanh nghiệp và các đối tác Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc… Đồng thời, Học viện thúc đẩy mũi nhọn nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu khoa học cần "bám" nhu cầu thị trường / Hoạt động nghiên cứu khoa học phải gắn với ứng dụng và phát triển công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Ngành nông nghiệp ngày càng phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong thời gian dịch COVID-19. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cũng như hòa nhịp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực như thế nào?

GS,TS, ĐBQH Nguyễn Thị Lan: Là một trong 4 Trường Đại học thành lập sớm nhất trên cả nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện là cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia, với sứ mệnh vừa đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, vừa nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

GS.TS, ĐNQH Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng tôi coi chất lượng đào tạo là sự sống còn. Song song với nâng cao cơ sở vật chất, trang bị phòng thí nghiệm hiện đại, nhà trường liên tục bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cập nhật chương trình bài giảng theo kịp xu hướng thế giới, với mục tiêu giúp sinh viên có kiến thức tốt nhất khi ngồi trên ghế nhà trường.

Ngoài kiến thức, nhà trường chú trọng nâng cao kỹ năng tay nghề cho sinh viên, giúp các em am hiểu chính sách, xã hội, thông thạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin và có nhiều kỹ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm, tác phong làm việc... Học viện đề ra nhiều phương án tăng tỷ lệ thời lượng học tập thực tiễn lên 20-30%, thay vì 10-15% như trước đây; tiến tới xây dựng các chuẩn đầu ra cho sinh viên.

Quan hệ hợp tác cũng được Học viện nâng thêm một bước. Về trong nước, nhà trường chủ động liên kết với trên 200 doanh nghiệp, giúp sinh viên có thêm lựa chọn thực tập và sau khi rời ghế nhà trường. Thông qua hình thức này, nhiều doanh nghiệp đã đồng hành với trường trong việc tổ chức những hội chợ việc làm, xây dựng khung chương trình đào tạo, thậm chí đặt hàng nguồn sinh viên ra trường với mức lương cạnh tranh, ưu đãi.

Về quan hệ quốc tế, Học viện có quan hệ chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc… Mỗi năm khoảng 500 sinh viên nhà trường được cử đi đào tạo và rèn nghề ngắn hạn tại nước ngoài. Học viện chủ trương linh hoạt chương trình học, đẩy mạnh công nhận tương đương giữa các bên, giúp sinh viên chủ động việc học và bảo lưu kết quả.

Một điểm mới nữa là chúng tôi đã xây dựng nhiều chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, cấp chứng chỉ nghề, đào tạo từ xa, đào tạo quốc tế. Nhờ những biện pháp đồng bộ như vậy, trên 90% sinh viên có việc làm trong vòng 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp. Nhiều người hiện giữ chức vụ cao tại các cơ quan quản lý, hoặc là chủ doanh nghiệp lớn, tiên phong trong các lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện nền nông nghiệp nước ta đã tiếp cận và hội nhập ngày càng sâu với quốc tế. Căn cứ vào chiến lược phát triển của quốc gia, của ngành nông nghiệp, Học viện sẽ xây dựng chiến lược đào tạo vừa thu hút được nguồn lực trong nước, quốc tế; vừa đón đầu xu thế, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp có trách nhiệm, minh bạch, và bền vững.

Bên cạnh công tác quản lý Học viện, bà còn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân trên cương vị ĐBQH. Với trọng trách này, bà sẽ có những ý tưởng gì trong công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao?

GS.TS, ĐBQH Nguyễn Thị Lan: Điểm tôi cảm nhận rõ ràng nhất, là đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với nghiên cứu khoa học. Sinh viên nào bước chân vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đều nằm lòng châm ngôn “Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học”. Chúng tôi chú trọng tạo ra những công nghệ nguồn và cả những tiến bộ kỹ thuật, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Công tác đào tạo, vì thế, cần lấy tín hiệu từ thực tiễn và để thực tiễn kiểm chứng kết quả.

Trên quan điểm này, Học viện đã xây dựng những “Học kỳ doanh nghiệp”, giúp sinh viên vừa được cọ xát trong thực tế sản xuất, vừa có thêm thu nhập. Bên cạnh thời gian học tập trực tiếp tại doanh nghiệp có thể lên tới 6 tháng, các em sẽ có điều kiện “tiếp thị” chính bản thân tới cơ quan, đơn vị công tác sau này.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Sự chuyển biến còn đến từ đội ngũ giảng viên. Mỗi người phải điều chỉnh lịch làm việc, để dành ít nhất 50% thời gian cho việc nghiên cứu và phục vụ thực tiễn. Nếu không, giảng viên sẽ rất khó truyền cảm hứng cho sinh viên. Cuối tháng 5/2022, nhà trường mời thêm học sinh THPT tham dự ngày hội việc làm, giúp các em sớm hình thành tinh thần khởi nghiệp.

Học cần đi đôi với hành. Điều ấy đặc biệt đúng với những sinh viên theo học nông nghiệp. Trước bất cứ vấn đề nào cần tháo gỡ, chúng tôi luôn khuyên các em là đánh giá trên góc độ khách quan, sát thực tiễn nhất. Đó là lý do nhà trường định kỳ mời các chuyên gia, cựu sinh viên đến nuôi dưỡng khát vọng, niềm tin cho sinh viên.

Với đông đảo đội ngũ giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, chúng tôi còn thúc đẩy nghiên cứu chính sách, đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ, sản phẩm. Đồng thời sớm có phương án hỗ trợ dành cho những nghiên cứu khoa học có tác động rộng, hoặc mang tính thương mại hóa cao.

Học viện đã làm việc với Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA), trước mắt là tổng hợp nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, sau đó xây dựng khung chương trình học, tạo cơ sở cho doanh nghiệp đặt hàng nhà trường về đào tạo nhân lực, cũng như phát triển những sản phẩm nghiên cứu của sinh viên.

Định hướng khởi nghiệp là vấn đề được sinh viên quan tâm ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường. Để giúp họ có cái nhìn sâu sắc, toàn diện, sát thực tế, bà có lời khuyên gì gửi gắm tới sinh viên?

GS.TS, ĐBQH Nguyễn Thị Lan: Nông nghiệp là một ngành luôn hấp dẫn, có nhiều tính ứng dụng trong thực tiễn, nhất là khi tỷ trọng GDP nông nghiệp ở nước ta còn khá cao. Đó đây vẫn còn một số ý kiến trái chiều, nhưng tôi khẳng định là nhiều khoa của trường đang trong tình trạng “cung không đủ cầu” như: thủy sản, môi trường, nông học. Đây là những ngành có dư địa lớn, khi Việt Nam triển khai những đề án về vùng nguyên liệu, xây dựng nông thôn mới hay phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững.

Khi nhà trường làm việc với các tập đoàn lớn, tất cả đều thừa nhận nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngành nghề nào cũng có vấn đề riêng nhưng tôi tin, cơ hội luôn rộng mở cho những ai thực sự có quyết tâm, hoài bão, biết phát huy hết tiềm năng.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam có đông đảo các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành thúc đẩy nghiên cứu khoa học.

Với mong muốn tạo ra những sản phẩm “con người” tốt nhất, hữu ích với xã hội, nhà trường đã rèn giũa sinh viên về cả đạo đức nghề nghiệp, sự trung thực trong nghiên cứu… Những em có tiềm năng sẽ được giữ lại, tạo điều kiện phát triển thêm. Những em ra trường cũng thoải mái chọn lựa cơ hội ở “Ngày hội việc làm”, vốn thu hút mỗi năm khoảng 100 công ty tham gia ký kết, tuyển dụng, cùng tổng cộng gần 6 nghìn vị trí việc làm.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam có nhiều giải thưởng khích lệ sinh viên nghiên cứu khoa học. Từ ý tưởng của các em, nhà trường sẽ tổ chức các cuộc thi để phát triển, nuôi dưỡng đề tài. Nếu ý trưởng tốt, chúng tôi sẽ liên kết doanh nghiệp để thương mại hóa, đưa vào sản xuất đại trà. Để không bị robot, trí tuệ nhân tạo thay thế, sinh viên phải trang bị kỹ năng sáng tạo, hợp tác và tư duy phản biện.

Lời cuối, tôi muốn nhắn nhủ các em, là con đường nghiên cứu khoa học rất chông gai, nếu không đam mê thực sự sẽ khó lòng vượt qua.

Xin cảm ơn bà!

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm