Khoa học - Công nghệ

Kết nối doanh nghiệp thủy sản tiếp cận nguồn công nghệ mới

DNVN - Sáng 15/11, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng, đổi mới công nghệ trong ngành chế biến, bảo quản thủy sản” nhằm kết nối các doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn TP tiếp cận với nguồn cung cấp công nghệ mới để hỗ trợ chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản.

Đà Nẵng Kiên quyết không cấp phép dự án, công trình không bảo đảm yêu cầu PCCC / Khu vực tư nhân ở Việt Nam đang tích cực áp dụng công nghệ cao thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu

Theo Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được UBND TP Đà Nẵng ban hành tại Quyết định 1500/QĐ-UBND ngày 3/6/2022, phấn đấu đến năm 2030, Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 - 4%/năm; tổng sản lượng thủy sản toàn TP đạt 38.000 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 250 triệu USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến; là trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực gắn với ngư trường Hoàng Sa.

Đại diện Sở KH&CN Đà Nẵng trình bày cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn đổi mới công nghệ tại hội thảo "“Ứng dụng, đổi mới công nghệ trong ngành chế biến, bảo quản thủy sản” sáng 15/11.

Đại diện Sở KH&CN Đà Nẵng trình bày cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn đổi mới công nghệ tại hội thảo khoa học “Ứng dụng, đổi mới công nghệ trong ngành chế biến, bảo quản thủy sản” sáng 15/11.

Tuy nhiên, báo cáo điều tra của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng về hiện trạng ứng dụng công nghệ trong hoạt động chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm thủy sản của các doanh nghiệp trên địa bàn TP cho thấy có hơn 60% doanh nghiệp đang sử dụng phương pháp thủ công truyền thống trong sản xuất và chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp có sử dụng công nghệ hỗ trợ (trong đó có 30% sử dụng phương tiện cơ khí hóa và 10% sử dụng phương tiện chuyên dụng).

Trước tình hình đó, qua khảo sát, có 13% doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn có nhu cầu hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ; 46% cần hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng; 25% muốn được hỗ trợ tư vấn công nghệ và 16% có nhu cầu hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực, các chương trình, dự án.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng Dương Hoàng Văn Bản cho biết, nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đem lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp và đóng góp vào sự phát triển của TP, UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định 36/2016/QĐ-UBND ngày 8/11/2016 và Quyết định 26/2019/QĐ-UBND ngày 16/5/2019 quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn; trong đó giao Sở KH&CN là đơn vị chủ trì triển khai thực hiện các quyết định nêu trên.

“Đà Nẵng là số ít địa phương trong cả nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Nội dung của chính sách này tập trung hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ. Từ 2016 đến nay, Sở KH&CN Đà Nẵng đã hỗ trợ 28 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ với kinh phí đã giải ngân hơn 4,4 tỷ đồng”, ông Dương Hoàng Văn Bản cho biết.

Tại hội thảo, đại diện Sở KH&CN Đà Nẵng đã trình bày chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Đà Nẵng. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng thảo luận và ghi nhân được nhiều thông tin về những công nghệ tiềm năng qua các tham luận “Ứng dụng công nghệ bức xạ trong ngành thủy sản của Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ - cơ sở Đà Nẵng, “Ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất” của Công ty CP Tập đoàn Iwanna Việt Nam.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm