Khoa học công nghệ khuyến nông Hà Tĩnh: Chặng đường dài với những bước tiến đột phá
Hà Tĩnh phấn đấu đạt 367 nghìn tấn lương thực trong vụ xuân 2022 / Hà Tĩnh: “Chiến dịch” ra quân xây dựng nông thôn mới tại huyện miền núi Hương Sơn
Khuyến nông - động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển
Theo chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Khuyên nông Hà Tĩnh Nguyễn Văn Trí, khuyến nông là khuyến khích nông dân làm nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Vì thế, khuyến nông luôn lặn lội, bám sát đồng ruộng dù mưa hay nắng để cùng đồng hành, hỗ trợ bà con nông dân trong việc ứng dụng các tiến bộ KHKT tiên tiến, các quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ tạo ra những sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường bền vững, định hướng cho bà con sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, phù hợp với nhu cầu thị trường, theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường tiêu thụ.
"Làm cán bộ khuyến nông phải luôn say mê với nghề, thấu hiểu và mang đến cho người dân những thứ họ cần; cùng ăn, cùng nghĩ, cùng làm với dân để nâng cao giá trị từng sản phẩm nông - lâm - thủy sản, vẽ nên những bức tranh nông nghiệp tổng thể cho tỉnh nhà, cho mọi miền quê hương ngày một tươi sáng hơn", ông Nguyễn Văn Trí chia sẻ.
Lứa cá diêu bông đầu tiên thu hoạch ở hồ Ngàn Trươi, Cầm Trang, huyện Vũ Quang
được áp dụng mô hình nuôi các nước ngọt của Khuyến nông
Khoa học kỹ thuật là then chốt
Cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt, đó là khẳng định dứt khoát của Đảng tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần III năm 1960, mãi mãi có giá trị đối với mọi lĩnh vực hoạt động, trong đó có nông nghiệp; khoa học kỹ thuật chính là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất. Quán triệt sâu sắc quan điểm đó, hàng năm Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh dưới sự chỉ đạo của tỉnh, của ngành nông nghiệp đã xây dựng các mô hình nghiên cứu, ứng dụng sâu rộng các tiến bộ KHKT vào tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản, lâm nghiệp và đã gặt hái được những thành tựu đáng khích lệ, được người nông dân ghi nhân, đánh giá thực chất.
Một trong những kết quả nổi bật đó là kết quả phát triển cây ăn quả có múi. Hà Tĩnh hiện có trên 12.000 ha cây ăn quả với doanh thu ước đạt trên 2.000 tỷ đồng/năm. Là cây trồng chủ lực của tỉnh, nhiều năm qua cán bộ khuyến nông đã lăn lộn cùng các chuyên gia, các cơ quan bộ môn và đặc biệt là người dân xây dựng nên những vùng sản xuất tập trung, năng suất cao, chất lượng đồng nhất.
Là một sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc hữu của tỉnh, nhưng suốt nhiều năm, bưởi Phúc Trạch không ra hoa, đậu quả, một số người dân đã chặthạ cây bưởi để trồng cây gió trầm và một số cây trồng kinh tế khác. Để kịp thời khôi phục và bảo tồn cứu lấy cây bưởi Phúc Trạch, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả đến từng nhà tìm hiểu nguyên nhân và hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp khắc phục.
Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay các vườn bưởi đã được khắc phục tình trạng suy thoái, trở lại ra hoa kết quả, đậu quả ổn định dần. Thế nhưng năm 2016, những trận lũ lịch sử liên tiếp dội xuống đã làm vùi lấp nhiều vùng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là các vườn bưởi Phúc Trạch. Mỗi lần như thế lực lượng khuyến nông lại có mặt kịp thời quần xắn gối, cùng cán bộ địa phương lội xuống từng mảnh vườn, bới từng gốc cây hướng dẫn người dân rũ bùn cho cây đứng dậy, chăm sóc, khôi phục lại vườn cây sau lũ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn trao đổi kinh nghiệm chuyển giao công nghệ với cán bộ khuyến nông.
Những chương trình khuyến nông để đời
Rời những vườn cây trĩu quả, nơi in đậm dấu chân của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật khuyến nông, đến với những cánh đồng lúa trĩu bông, đậu, lạc, hoa màu bốn mùa xanh tốt. Ông Nguyễn Văn Thành nông dân xã Yên Hồ, Đức Thọ chia sẻ người nông dân ghi nhận sự đóng góp to lớn của cán bộ khuyên nông tỉnh đã chuyển giao, hướng dẫn cho nông dân sử dụng các giống lúa hợp với khí hậu, đất đai từng vùng trong mỗi địa phương nên năng suất, chất lượng lúa gạo được nâng tầm giá trị hàng hóa lên gấp nhiều lần so với trước đây, gạo ruộng rươi chúng tôi sản xuất ra không có mà bán, đời sống nông dân bây giờ no đủ có của ăn của để, nhiều gia đình đã giàu có lên rồi.
Có được kết quả như lời ghi nhận của nông dân là nhờ làm tốt công tác khảo nghiệm, tuyển chọn được nhiều giống lúa có triển vọng, thích ứng với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng đất đai, như: Nhị ưu 838, Thục Hưng số 6, Syn6, TH3-3, Bắc thơm 7, HT1, P6, RVT, BT09, BQ... đã góp phần cơ cấu lại bộ giống lúa chủ lực, theo hướng sử dụng giống ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao, giảm số lượng giống trên trà gieo cấy; diện tích lúa giống chất lượng cao, sản xuất hàng hóa. Hay những cánh đồng mẫu lớn, những ruộng lúa hữu cơ trồng trên ruộng rươi, nhưng mô hình lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ theo chuỗi kép kín, những cánh đồng lạc, đậu trĩu quả… đều là kết tinh của khối óc và công sức của đội ngũ khoa học công nghệ khuyến nông.
Để chứng minh cho những việc làm thiết thực giúp nông dân ngày một giàu có, chúng tôi có chuyến thực tế với cán bộ khuyến nông tỉnh đến tham quan một số mô hình chuyển giao thành công, nổi bật như mô hình trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC gỗ lớn ở liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim, Hương Sơn.
Giám đốc Trung tâm Khuyên nông tỉnh Nguyễn Văn Trí cho biết: Nhằm phát triển trồng rừng gỗ lớn, năm 2019 - 2021, Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình sử dụng giống keo nuôi cấy mô BV10, tỉa thưa, nhằm giãn cách mật độ tạo không gian để cây phát triển chiều cao, to. Chỉ sau hơn 2 năm trồng, toàn bộ rừng cây phát triển nhanh gấp đến 2,5-3 lần so với keo lai trồng theo mô hình đại trà. Ở đây, có những khu rừng bạt ngàn gỗ lớn cho thu nhập cả tỷ đồng/héc ta, trong đó có những cây gỗ tràm chẳng thua kém gì gỗ rừng lâu năm, có cây bán với giá trên 100 triệu đồng. Đi dưới rừng tràm gỗ lớn như đi giữa rừng gỗ nguyên sinh hàng chục năm được bảo vệ, phát triển.
Nói về lĩnh vực chăn nuôi trong những năm qua là sự tăng trưởng vượt bậc của nông dân Hà Tĩnh. Bởi Hà Tĩnh luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ. Vì thế, việc ứng dụng, chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ vào chăn nuôi theo hướng nạc hóa đàn lợn, Zêbu hóa đàn bò, phát triển đàn hươu sao Hương Sơn cả về số lượng và chất lượng; sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường,… như đưa công nghệ đệm lót sinh học vào xử lý môi trường. Phát triển hình thức gia trại, trang trại công nghiệp, quy mô lớn, liên kết với doanh nghiệp; từng bước tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn dịch bệnh. Áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, sử dụng tinh các giống bò chất lượng cao, như bò lai Sind, bò Brathman, BBB… nhằm cải tạo, nâng cao thể vóc đàn bò “cóc” và tạo đàn nái nền đủ tiêu chuẩn cho công tác lai tạo.
Bò 3B - “những đàn voi Ma mút giữa đời thường”Đến tham quan mô hình bò 3B nuôi nhốt ở huyện Can Lộc, Thạch Hà. Tại thôn Thạnh Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, chứng kiến cả đàn bò 3B 20 con cao lớn quá đầu người của hộ anh Võ Quốc Tuấn, trông đàn bò 3B như một đàn voi, tôi chợt nhớ lại năm còn là học sinh phổ thông tôi và chúng bạn chuyền tay nhau đọc nghiến ngấu chuyện về những đàn voi Ma mút khổng lồ, mà nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu cho rằng, voi Ma mút với bộ lông đen, to béo khổng lồ từng ngự trị trên trái đất hơn nửa triệu năm trước, chúng sống khắp các vùng núi từ châu Âu, châu Á đến Bắc Mỹ.
Từ câu chuyện về voi Ma mút của núi rừng Bắc Mỹ, nay xuất hiện những chú bò B3 như tái hiện những chú voi Ma mút giữa đời thường trên mảnh đất Hà Tĩnh làm tôi càng cảm phục về công nghệ chuyển giao từ đội ngụ KHKT khuyến nông đối với nông dân.
Chủ trang trại Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, năm 2016 sau khi tìm hiểu chủ trương về phát triển chăn nuôi bò 3B do Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi 20 con luân phiên, mỗi năm xuất bán từ 18-20 con, bình mỗi con cân nặng từ 7 đến 8 tạ, có những con nặng lên gần cả tấn, với giá bán theo đường xuất khẩu từ 75-80 triệu/con.
Bò 3B
Trước lúc chia tay quê hương của “đàn voi Ma mút” giữa đời thường, một nông dân trong làng nói với chúng tôi, làng “bầy tui” nuôi bò 3B từ trước đến giờ thèm miếng thịt mà không được ăn, bởi cả con bò to lớn thế không ai dám mổ thịt, có mổ được thì khó bán hết thịt, giá cũng cao ngất ngưởng so với thịt bò thường, rốt cuộc "nuôi bò cho nước mô ăn chơ dân chúng tôi có lẽ mô mà được ăn".
Nói đến Hà Tĩnh, người ta nghĩ ngay đến nơi đây vùng sỏi đá khô cằn, gió Lào bỏng rát, rét thì cắt da thịt, nắng cháy cháy bỏng, lũ lụt cuồng phong có thể cuốn trôi hay nhấn chìm tất cả. Trên mảnh đất ấy con người và vạn vật phải chống chọi với thiên nhiên suốt năm tháng, đời này qua đời nọ. Vậy mà, hôm nay chúng ta được chứng kiến những vùng quê trù phú, an lành đầy quả ngọt, hoa thơm suốt 4 mùa.Có được thành công đó là nhờ sự quan tâm to lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, các địa phương và đặc biệt đội ngụ làm khoa học khuyên nông họ đã hi sinh, hiến dâng thầm lặng vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn quê hương Cách mạng Hà Tĩnh hôm nay.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, khuyến nông là chiếc cầu nối người nông dân với khoa học, kỹ thuật sản xuất, canh tác tối ưu, mở ra cơ hội mới, tạo dựng giá trị bền vững cho nông nghiệp. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ước đạt trên 13.478 tỷ đồng, tăng 3,12% so với năm 2020; năng suất, sản lượng từng bước nâng lên, chất lượng được cải thiện theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tích cực, đặc biệt thực hiện chương trình chuyển đổi số vào nông nghiệp, vào cây ăn quả có múi, bước đầu đã thành công đối với nông dân. Để đạt được kết quả như trên là có sự đóng góp thầm lặng của đội ngũ cán bộ khuyến nông tỉnh trong nhiều năm qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo