Khoa học - Công nghệ

Kiểm soát chặt việc sử dụng kết quả nghiên cứu KHCN từ ngân sách nhà nước

Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, ngày 31/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Qualcomm tiếp tục dẫn đầu mảng thiết bị Android cao cấp / Pháp: Cấp giấy phép cho sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới

Toàn cảnh phiên họp ngày 30/5. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng; phù hợp với các cam kết quốc tế có liên quan như Hiệp địnhĐối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp địnhThương mại tư do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; bảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đây là dự án Luật khó, chuyên môn sâu. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao sẽ quy định trong Luật. Những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm hoặc cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, Luật xác định một số nguyên tắc chung để giao Chính phủ quy định chi tiết.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về một số vấn đề quan trọng, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì.

Đối với phần sở hữu công nghiệp và phần giống cây trồng, dự thảo Luật đã quy định việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì; đồng thời xác định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả, tổ chức chủ trì nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế.

 

Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo hướng: Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam...

Một điểm đáng chú ý là dự thảo Luật không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (để chuyển sang chỉ giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự như một số ý kiến đề nghị).

Ủy ban Pháp luật cho rằng, ưu điểm của việc xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính là hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp nhằm kịp thời ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ trật tự quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Biện pháp này có tính chất, phạm vi áp dụng riêng và không loại trừ quyền của các bên khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.

Việc chuyển một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp sang chỉ giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự sẽ kéo dài thời gian, gây tốn kém chi phí, làm giảm sức thu hút và khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời có nguy cơ dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Liên quan đến việc bổ sung quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong dự thảo Luật, Chính phủ đã bổ sung, làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan và đề xuất phương án cụ thể bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm