Khoa học - Công nghệ

Liên kết mới tạo sức mạnh trong sản xuất chip

Việt Nam thời gian gần đây nổi lên khi tham gia vào chuỗi phát triển vi mạch bán dẫn (hay còn gọi sản xuất chip). Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Việt Nam chưa có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn, thiếu nhân lực, nguồn lực và sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia công nghệ dẫn đến ngành này mới ở giai đoạn gia công.

Doanh nghiệp công nghệ Việt đầu tiên gia nhập liên minh AI toàn cầu / Phải dám chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ

Kỳ vọng lớn, thách thức cũng nhiều

Chia sẻ góc nhìn của tập đoàn công nghệ Việt đang tham gia vào lĩnh vực bán dẫn, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho rằng, chip bán dẫn có chức năng như ‘mạch máu’ trong nền kinh tế vì trong các thiết bị điện tử đều có chip. Phát triển vi mạch bán dẫn phải gắn liền với công nghiệp điện tử. Ngành công nghiệp điện tử đang phát triển lớn mạnh chính là đầu ra cho con chip.

Chú thích ảnh
Trình chiếu về phóng to thiết kế chip lên màn hình.

Tại Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD. Từ đầu năm 2023 đến nay, các hãng điện tử lớn như Samsung, LG, Foxconn... đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam. Các nước đang thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và đa phương với Việt Nam. Việt Nam cũng như phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP và EVFTA… tạo thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư điện tử.

“Bên cạnh đó, người Việt Nam thích học toán, khoa học, công nghệ. Đây là tố chất phù hợp cho việc phát triển bán dẫn. Đặc biệt, Chính phủ dành sự quan tâm lớn với mảng bán dẫn và chủ trương đào tạo 50.000 nhân sự. Doanh nghiệp công nghệ Việt có đầy đủ các yếu tố để phát triển lĩnh vực bán dẫn, bao gồm: Đầu ra - thị trường rộng lớn; nhân sự - nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tư duy toán tốt; Cơ hội hợp tác - Các nước đang coi Việt Nam là điểm đến mới về bán dẫn, doanh nghiệp có cơ hội liên kết với đơn vị nghiên cứu, đào tạo, kinh doanh uy tín trong lĩnh vực này”, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết.

Ông Nguyễn Văn Khoa đề xuất lộ trình phát triển theo 3 giai đoạn: Ngắn hạn - thiết kế, đóng gói, kiểm thử; Trung hạn - sản xuất; Dài hạn - làm chủ công nghệ lõi. Trong đó, Việt Nam nên tập trung vào các lĩnh vực viễn thông, xe điện, điện toán, năng lượng và hướng đến đưa AI vào mọi con chip.

Trong khi đó, từ góc độ nghiên cứu, ông Bùi Duy Hiếu, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Vi mạch bắt đầu bằng các hạt cát và thông qua quá trình tinh luyện sẽ thành vi mạch và được đưa vào ứng dụng. Các thiết kế vi mạch cần phần mềm tăng tốc thiết kế. Tại Việt Nam, con đường phát triển vi mạch gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là công nghệ chế tạo. Bởi các công nghệ đều được bảo mật rất nghiêm ngặt. Thứ hai, các quốc gia đều muốn bảo vệ công nghệ lõi nên việc họ đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam rất khó. Thứ hai là công cụ thiết kế đắt, không phải trường đại học nào cũng đủ điều kiện để mua. Thứ ba, thông tin dùng để thiết kế được bảo vệ ở trong những bản thỏa thuận 'không cung cấp thông tin'. Cuối cùng là việc chế tạo vi mạch rất tốn kém”.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Duy Hiếu, từ năm 2020, Google hỗ trợ sản xuất vi mạch dựa trên công nghệ mở mà không mất chi phí. Theo sau Google, một số tổ chức thế giới cũng tiếp tục chương trình này. Điều này tạo cơ hội cho Việt Nam trong việc sản xuất vi mạch trong tương lai.

 

Trong khi đó, ông Trịnh Khắc Huề, Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam, chuyên gia 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán dẫn cho rằng, có bốn thách thức trong việc phát triển vi mạch bán dẫn. Đầu tiên, Việt Nam chưa có hệ sinh thái toàn diện cho vi mạch bán dẫn gồm các nhà cung cấp nội địa, các công ty thiết kế sản phẩm, các cơ sở đóng gói, testing, phân tích lỗi sai... Lực lượng lao động tại Việt Nam dồi dào, song thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn. Do đó, ngành công nghiệp này đang ở công đoạn gia công (cả ở công đoạn thiết kế và sản xuất), chưa có nhiều đội ngũ kỹ thuật ở mức tổng công trình sư làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh.

"Sự thiếu hụt lực lượng nhân sự chuyên môn cao làm quá trình phát triển và mở rộng sẽ diễn ra chậm và khó khăn hơn. Một thách thức khác đến từ bên ngoài là sự cạnh tranh quyết liệt từ các quốc gia trong khu vực. Hiện, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore... đều tập trung thu hút đầu tư để gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu", ông Trịnh Khắc Huề cho biết.

Dù vậy, những năm gần đây, cơ sở đào tạo cũng dành sự quan tâm nhất định cho lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Đồng thời các công ty tập đoàn lớn như Qorvo, Synopsis, Marvel, Renesas, Intel, Amkor, Hana Micron...đang đặt trụ sở tại Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết phát triển cho các đối tác nội địa trong việc sáng tạo sản phẩm "Make in Vietnam".

Chú thích ảnh
Một bảng điện tử do một doanh nghiệp Việt thiết kế.

Cũng từ góc độ doanh nghiệp và làm giảng dạy, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Công nghệ mạng Lancs Việt Nam, Công ty đưa ra giải pháp "make in Viet Nam" về thiết kế chip cho rằng: “Bài toán về giá làm đau đầu các doanh nghiệp công nghệ. Đơn vị có năng lực về thiết kế nhưng nếu đặt hàng ở trong nước làm thường cao hơn so với nước ngoài tầm 20%. Doanh nghiệp khó cạnh về giá thành nên sẽ cạnh tranh về tính năng. Khi con chip có cùng giá thành, việc thêm được nhiều tính năng giúp sản phẩm được ưa chuộng.

“Do đó, để giảm giá thành rất cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt để khai thác thế mạnh từng đơn vị, chúng tôi có thể mạnh làm thiết kế nhưng có thể đặt hàng làm tại VNPT hoặc Viettel, điều này cần có bàn tay của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

 

Bên cạnh đó, để đưa một sản phẩm vào thị trường, các sản phẩm chip cần được kiểm định kỹ lưỡng. Tuy nhiên, ông Thành chia sẻ dù cơ quan chính phủ luôn hỗ trợ các công ty trong quá trình kiểm định sản phẩm nhưng trang thiết trong nước còn thiếu và các tiêu chuẩn chưa đủ. Còn nếu để mang sản phẩm ra nước ngoài kiểm duyệt, các doanh nghiệp sẽ phải tốn rất nhiều chi phí, thậm chí lên tới hàng triệu USD và không có đủ tiền để làm việc này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý khu Công nghệ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Cách đây bốn năm, khi nhận nhiệm vụ tại khi công nghệ TP Hồ Chí Minh, tôi được một số giáo sư gợi ý ngành điện tử là ngành chủ đạo ở tương lai. Đến năm 2021, đơn vị hợp tác với doanh nghiệp Hàn Quốc đào tạo vi mạch. Tuy nhiên đến 2022 việc này mới thúc đẩy mạnh sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh. Điện tử và vi mạch bán dẫn phải đi với nhau bởi vi mạch là linh kiện tích cực. Để phát triển vi mạch điện tử bán dẫn, doanh nghiệp trong nước phải phát triển được các sản phẩm này”.

Điểm mạnh về nhân lực

Theo ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc tại lĩnh vực bán dẫn. Trong khi đó, ngành này đòi hỏi nguồn nhân lực lớn và chất lượng rất cao. Do vậy, ông Hùng cho rằng, thách thức lớn nhất Việt Nam đang gặp phải khi phát triển công nghiệp bán dẫn là nguồn nhân lực.

Chú thích ảnh
Mô hình tích hợp công nghệ chip bán dẫn trong xe ô tô.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phòng thí nghiệm về công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời, các phòng lab, trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo cũng sẽ được khuyến khích thành lập tại các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu bán dẫn. Đây là những nơi góp phần bồi dưỡng các nhân tài cho ngành bán dẫn.

 

Theo ông Hùng, một trong những lời giải cho “cơn khát” nhân lực bán dẫn trình độ cao của Việt Nam là nguồn lực nước ngoài. “Việt Nam sẽ thu hút chất xám và công nghệ từ nước ngoài, nhất là các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn”, ông Nguyễn Phú Hùng cho biết.

Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai các chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, hợp tác song phương, đa phương với các nước có thế mạnh về Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu có thể làm chủ, nắm bắt nhanh các công nghệ lõi trong lĩnh vực này.

Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Vinasa cho rằng: “Chúng ta không nên tư duy làm tất cả từ A tới Z mà thế giới hội nhập sẽ phân chia từng công đoạn. Một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào phần cứng bán dẫn tại Việt Nam nhưng thực tế lợi nhuận, giá trị kinh tế thực sự đêm lại cho Việt Nam chia nhiều. Do đó, khâu thiết kế, kiểm thử và tiến tới công nghệ lõi là khâu Việt Nam có thể nắm thế chủ động. Để phát triển ngành công nghiệp bán, vấn đề quan trọng nhất là nguồn nhân lực bởi đây là lực lượng tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cụ thể về vấn đề đào tạo nhân lực, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết thời gian tới, FPT đóng góp phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, cụ thể là đào tạo 10.000 nhân lực về chip bán dẫn. “Chúng tôi cũng hy vọng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ đầu tư, hợp tác để đẩy mạnh chủ trương làm chip, cùng nhau dấn thân tạo nên những kỳ tích mới”, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.

Để phát triển lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam, ông Trịnh Khắc Huề cho rằng có 6 giải pháp trọng tâm gồm: xác định chiến lược phát triển phù hợp; có chính sách ưu đãi thuế; phát triển nguồn nhân lực vi mạch; tiếp tục thu hút thêm các tập đoàn lớn về vi mạch trên thế giới; tạo cộng đồng vi mạch chất bán dẫn rộng lớn; từng bước hoàn thiện hệ sinh thái cho vi mạch bán dẫn... Đáng chú ý, những năm gần đây, cơ sở đào tạo cũng dành sự quan tâm nhất định cho lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.

 

“Để dịch chuyển từ cứ địa sản xuất như hiện nay thành cứ địa sản xuất mang thương hiệu Việt, cần có chính sách đột phá, đặc biệt là nguồn nhân lực người Việt ở nước ngoài. Bối cảnh kinh tế Việt Nam thuận lợi để các chuyên gia ở nước ngoài quay về. Chúng ta có thể mạnh trong khâu thiết kế, đóng gói, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Không ai giúp chúng ta hơn chính mình", ông Nguyễn Anh Thi bày tỏ

Ông Nguyễn Anh Thi cũng cho rằng: “Ưu thế tạm thời hiện nay cạnh tranh với thế giới là nguồn nhân lực trẻ, ham học hỏi. Tuy nhiên không cạnh tranh dựa trên chi phí nhân công mà trên chi phí phát triển, gắn kết nguồn nhân lực trẻ với nguồn nhân lực có kinh nghiệm ở các nước đi trước về vi mạch bán dẫn, chúng ta mới có những bước phát triển đột phá”.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm