Khoa học - Công nghệ

Nhiều rủi ro khi ứng dụng Fintech trong cung cấp dịch vụ tài chính vi mô

DNVN - Theo TS. Đỗ Thị Diên, Trường Đại học Thương mại, các tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM) nếu tiến hành đầu tư các giải pháp Fintech hoặc hợp tác với các tổ chức Fintech trong việc cung ứng dịch vụ sẽ phải đối mặt và gánh chịu nhiều rủi ro.

Ngân hàng ảo, Fintech sẽ là đối thủ nặng ký khi số hóa ngân hàng / Fintech "bùng nổ" đang tạo thách thức lớn trong chính sách quản lý hệ sinh thái tài chính

Hàng loạt rủi ro tiềm ẩn
Theo TS Đỗ Thị Diên, hoạt động TCVM đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong vài thập niên vừa qua. Khởi đầu chỉ là tín dụng vi mô - dịch vụ đơn lẻ cung cấp các khoản vay món nhỏ (micro loans) cho những nhóm dân cư không có tài khoản ngân hàng, đến nay số lượng dịch vụ TCVM còn bổ sung thêm nhiều loại hình dịch vụ khác: tiết kiệm vi mô (microsavings), bảo hiểm vi mô (microinsurance),…
Bên cạnh các phương thức truyền thống, vài năm trở lại đây các tổ chức TCVM trên thế giới đã ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) vào trong hoạt động cung cấp các dịch vụ TCVM.
Các mô hình kinh doanh TCVM mới ngày càng dựa nhiều hơn vào công nghệ

Các mô hình kinh doanh TCVM mới ngày càng dựa nhiều hơn vào công nghệ và các TCTCVM hướng nhiều hơn tới việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tích hợp chứ không chỉ các sản phẩm, dịch vụ riêng lẻ. Tỷ lệ xâm nhập cao của điện thoại di động ở các nước đang phát triển đã cho phép các TCTCVM và các đối tác của họ (doanh nghiệp Fintech, nhà mạng di động, cửa hàng bán lẻ, tổ chức thẻ tín dụng ...) phát triển thành công các nền tảng ngân hàng di động tích hợp để cung cấp một loạt các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu người dân ở những thị trường này.
TS Đỗ Thị Diên khẳng định ứng dụng Fintech trong hoạt động của các TCTCVM mang nhiều lợi ích cơ bản, như giúp các TCTCVM đạt được các mục tiêu mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ, cắt giảm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cũng như nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ.
“Tuy nhiên, các TCTCVM nếu tiến hành đầu tư các giải pháp Fintech hoặc hợp tác với các tổ chức Fintech trong việc cung ứng dịch vụ, các TCTCVM còn phải đối mặt và gánh chịu nhiều rủi ro đế́n từ bên ngoài do Fintech hoặc các đối tác thứ ba mang lại nếu không có các giải pháp kiểm soát phù hợp”, TS. Đỗ Thị Diên nhấn mạnh.
Theo đó, các rủi ro được nhìn nhận dưới các khía cạnh sau: Thứ nhất, các giải pháp Fintech được nghiên cứu và phát triển trên cơ sở sáng tạo và đổi mới, do đó đa phần chúng đi trước và vượt ra ngoài các khuôn khổ quản lý và pháp lý của các quốc gia.
Thứ hai, hoạt động của các tổ chức tài chính nói chung và TCTCVM nói riêng dựa trên uy tín và niềm tin của khách hàng đối với dịch vụ do mình cung ứng. Do đa phần các giải pháp Fintech đều mới nên khó tránh khỏi những rủi ro trong quá trình triển khai có thể gây nên những thiệt hại cho bản thân tổ chức và khách hàng, từ đó ảnh hưởng tới danh tiếng của các TCTCVM.
Các công ty Fintech đa phần đều là các công ty mới được thành lập, ở quy mô nhỏ và hoạt động dựa vào việc đánh đổi giữa thành công với rủi ro. Nhưng các TCTCVM thì khác, họ có danh tiếng được gây dựng và phát triển suốt trong thời gian dài dựa trên sự tin tưởng của khách hàng, công chúng cũng như các quy định nghiêm ngặt của pháp luật.
Bởi vậy, rủi ro về danh tiếng của các TCTCVM có thể bị ảnh hưởng nếu không thể kiểm soát và xử lý được rủi ro trong quá trình triển khai áp dụng các giải pháp Fintech, thậm chí có thể dẫn tới sự sụp đổ của tổ chức.
Thứ ba, TCTCVM cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro liên quan tới an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và rủi ro tấn công mạng.
Fintech đa phần hoạt động hoàn toàn dựa trên môi trường công nghệ và mạng Internet, nên khó tránh khỏi những rủi ro liên quan tới việc hệ thống bị tội phạm tấn công ăn cắp dữ liệu khách hàng, giao dịch gian lận, giả mạo… Khi thực hiện đầu tư các giải pháp Fintech hoặc kết nối hệ thống với các đối tác thứ ba qua Internet rất dễ trở thành nơi bị “hacker” tấn công, gây rủi ro và thiệt hại cho cả bản thân TCTCVM lẫn khách hàng.
Các TCTCVM vốn hoạt động chủ yếu dựa trên phương pháp xử lý thủ công, thiếu kinh nghiệm trong việc thực thi các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và giao dịch khách hàng đồng thời không có đội ngũ nhân sự có đủ trình độ về công nghệ và kinh nghiệm quản lý rủi ro môi trường Internet để có thể ứng phó với các dạng rủi ro như vậy.
Thứ tư, các TCTCVM có thể cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro vận hành và rủi ro thông tin trong quá trình hoạt động. Fintech hoạt động dựa trên hệ thống công nghệ và máy tính do đó rủi ro vận hành vẫn có thể xẩy ra khi xuất hiện những sai sót về mặt kỹ thuật của hệ thống xử lý hay những sai sót trong quá trình vận hành của nhân viên…
Ngoài ra, việc kết nối hệ thống kỹ thuật và lệ thuộc vào bên thứ ba trong quá trình xử lý giao dịch có thể dẫn tới những rủi ro khi thông tin, dữ liệu của TCTCVM bị bên thứ ba hoặc nhân viên của họ tiến hành đánh cắp để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp. Những rủi ro là hiện hữu khi tiến hành đầu tư hoặc phối hợp với các công ty Fintech để triển khai các giải pháp Fintech trong quá trình hoạt động, cung ứng dịch vụ của các TCTCVM, đòi hỏi các tổ chức này phải xây dựng kế hoạch và khuôn khổ quản lý rủi ro phù hợp nhằm ngăn chặn kịp thời các rủi ro nếu có, giảm thiểu thiệt hại của mình cũng như của khách hàng.
Dịch vụ ngân hàng di động là hình thức phát triển mới

Cần chính sách quản lý phù hợp
Từ việc phân tích các rủi ro trên, TS Đỗ Thị Diên khuyến nghị: Để thúc đẩy cung ứng dịch vụ TCVM qua Fintech đối với thị trường Việt Nam, cụ thể là ứng dụng, triển khai thành công dịch vụ tài chính di động/tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tận dụng các mô hình hợp tác kinh doanh sáng tạo, đòi hỏi phải có chính sách quản lý tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường, tạo dựng hành lang pháp lý rõ ràng, thông thoáng, có tính dự đoán cho sự phát triển lành mạnh của thị trường, giúp các nhà cung ứng dịch vụ có cơ hội đưa ra thị trường các giải pháp sáng tạo, sản phẩm/dịch vụ khả thi, xây dựng mô hình kinh doanh bền vững và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo lòng tin từ phía người sử dụng dịch vụ.
TS Đỗ Thị Diên cho rằng, dịch vụ tài chính di động, dịch vụ ngân hàng di động (mobile banking) có thể được TCTVCM cung ứng trên cơ sở hợp tác với các công ty trung gian thanh toán đã được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ ví điện tử để cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ TCVM đến người dân vùng xa xôi, hẻo lánh không có tài khoản ngân hàng. Mô hình này đem lại một số lợi ích khá rõ nét cho TCTCVM ở khía cạnh giảm chi phí xử lý giao dịch, mở rộng phạm vi tiếp cận và tăng chất lượng phục vụ khách hàng.
Tuy nhiên, chuyên gia thuộc Đại học Thương mại lưu ý dịch vụ ngân hàng di động là hình thức phát triển mới của việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ, là bước phát triển mới so với việc TCTCVM tự phát triển mạng lưới đại lý của mình.
Ở nhiều vùng miền của Việt Nam nơi hạ tầng tài chính, mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thưa thớt và người dân chưa có nhiều hiểu biết về công nghệ, kiến thức tài chính thì việc khuyến khích khách hàng sử dụng ngay dịch vụ ngân hàng di động có thể là cách tiếp cận khó khăn, chưa tối ưu trong việc thu nạp khách hàng chấp nhận sử dụng dịch vụ ở những địa bàn này.
“Do đó, khi triển khai áp dụng, các TCTCVM cần xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp, từng bước giúp người dân ở những địa bàn này làm quen với dịch vụ ngân hàng - tài chính, hiểu biết hơn về những sản phẩm, dịch vụ của TCTCVM cung ứng, từ đó tự tin hơn và dễ dàng chấp nhận sử dụng dịch vụ ngân hàng di động hơn”, TS Đỗ Thị Diên khuyến nghị.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm