Nhiều tập đoàn lớn cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam
Việt Nam có thể đón nhận một đợt bùng nổ đầu tư nước ngoài mới / 3 cam kết của Việt Nam với doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài
Ngay sau khi tới Davos (Thụy Sĩ), trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc tọa đàm với nhiều doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ ô tô, chíp bán dẫn và hệ sinh thái liên quan các ngành này. Các doanh nghiệp toàn cầu tham dự tọa đàm bao gồm Google, Mitsubishi Heavy Industries, H&M Hennes & Mauritz, Siemens, Mahindra, PSA International, JANZZ.technology, Qualcomm…
Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ, đối thoại cởi mở, thẳng thắn, cùng tìm ra những cơ hội mới và thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư thời gian tới. Các doanh nghiệp trình bày về định hướng hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong 3 lĩnh vực AI, bán dẫn và công nghiệp ô tô. Cùng đó, lắng nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam phát biểu về tầm nhìn, định hướng và các giải pháp thúc đẩy phát triển, hợp tác, thu hút đầu tư trong các lĩnh vực này.
Đại diện các tập đoàn lớn của thế giới như Google, Siemens, Qualcomn, Ericsson… đã đánh giá cao những thành tựu phát triển, tầm nhìn của Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh, bền vững. Cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, AI, hạ tầng chiến lược…
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam đã xác định rõ: "Huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".
Theo Thủ tướng, AI, bán dẫn và công nghiệp ô tô là những ngành quan trọng, vừa có những động lực phát triển cũ cần được làm mới, vừa có những động lực mới cho sự phát triển. Việt Nam đã ban hành chiến lược phát triển trong lĩnh vực AI; xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia kết nối với các trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.
Về công nghệ ô tô, Việt Nam tập trung phát triển ô tô điện, sử dụng nguyên liệu sạch, phát thải carbon thấp và đầu tư cho giao thông xanh.
Về công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định đây là một động lực phát triển mới và sẽ đầu tư để tham gia vào cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn gồm thiết kế, chế tạo và đóng gói. Hiện Việt Nam đang tiếp tục tập trung phát triển nền tảng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và sẽ có chính sách ưu đãi phù hợp.
Thủ tướng cũng cho biết, để phát triển các lĩnh vực trên, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân.
Năm 2023, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, bảo đảm được cân đối lớn. Thu hút gần 37 tỷ USD vốn FDI đăng ký và giải ngân khoảng 23 tỷ USD vốn FDI.
Thủ tướng mong các doanh nghiệp tiếp tục hợp tác, đầu tư hiệu quả, bền vững tại Việt Nam. Đồng thời khẳng định Việt Nam luôn đồng hành, hợp tác với nhà đầu tư trên nguyên tắc lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng thời khi có rủi ro thì cùng chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tổng Bí thư: Chú trọng gỡ rào cản thể chế để khoa học công nghệ bứt phá
Khoa học công nghệ đóng góp công lớn vào giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp
5 tiểu hành tinh nguy hiểm nhất hệ mặt trời, có nguy cơ va chạm vào Trái Đất
Thành lập Liên minh ứng phó sự cố an ninh mạng Quốc gia
Việt Nam - Czech thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo