Khoa học - Công nghệ

Nhìn lại năm 2018 đầy “thảm họa” và đáng quên của mạng xã hội Facebook

2018 là một năm đầy sóng gió và rất đáng quên của Facebook. Mặc dù vẫn đang là mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất nhưng Facebook đã liên tục mắc phải hàng loạt vụ bê bối làm rò rỉ thông tin khiến uy tín của mạng xã hội này bị sụt giảm nghiêm trọng...

Mở hộp smartphone Việt đáng mua bậc nhất trên thị trường / 5 smartphone đáng mua ở Việt Nam đầu năm 2019

Cùng nhìn lại một năm đầy “thảm họa” và đáng quên của Facebook qua các cột mốc và sự kiện nổi bật nhất của mạng xã hội này trong năm 2018.

Ngày 4/1/2018: CEO Mark Zuckerberg đưa ra thử thách năm 2018 cho bản thân

Mỗi năm, CEO Mark Zuckerberg lại tự đưa ra một thử thách riêng cho bản thân và quyết tâm thực hiện thử thách đó, từ việc học tiếng Trung Quốc, đọc rất nhiều sách hoặc đến thăm tất cả các bang của Mỹ... Ngày 4/1/2018, Mark Zuckerberg đã chia sẻ lên trang Facebook của mình thử thách cá nhân của năm 2018, đó là tập trung để chỉnh sửa lại Facebook.

“Facebook đã có nhiều việc cần làm - Liệu nó có bảo vệ được công động của mình khỏi sự lạm dụng và thù hận, có bảo vệ chống lại sự can thiệp của các quốc gia hay đảm bảo rằng thời gian người dùng dành cho Facebook là hữu ích hay không?”, Mark Zuckerberg chia sẻ trên trang cá nhân.

Thử thách cá nhân của Mark Zuckerberg khiến nhiều người tin rằng năm 2018 sẽ là một năm với nhiều chuyển biến tích cực cho Facebook. Tuy nhiên những gì xảy ra có vẻ không đúng như mọi người đã mong đợi.

Facebook không tốn nhiều thời gian để hiện thực hóa thử thách cá nhân của Mark Zuckerberg, bắt đầu với việc “đại tu” lại chức năng của dòng tin tức, thay đổi thuật toán để ưu tiên hiển thị các tương tác xã hội có ý nghĩa thay vì những nội dung nhạy cảm hoặc các tin tức giả mạo.

Đây được xem là một động thái để Facebook “tuyên chiến” với các tin tức giả mạo đang lan truyền mạnh mẽ ngay trên nền tảng mạng xã hội của mình.

Đầu tháng 3/2018, chính phủ Sri Lanka đã chặn truy cập vào Facebook và nhiều nền tảng mạng xã hội khác sau khi những cuộc bạo loạn chống Hồi giáo lan truyền tại quốc gia này trở nên nghiêm trọng.

Facebook cho biết mình lo ngại rằng động thái của chính phủ Sri Lanka đang hạn chế quyền truy cập thông tin của người dân, nhưng phía chính phủ Sri Lanka đã đổ lỗi cho Facebook vì không có biện pháp ngăn chặn sự lan truyền của các nội dung thù hận và kích động bạo lực trên trang mạng xã hội của mình.

12/3/2018: Liên Hợp Quốc cáo buộc Facebook lan truyền các nội dung thù địch tại Myanmar

Facebook tiếp tục vướng vào rắc rối trong tháng 3 khi các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc đã lên án và cáo buộc Facebook đóng vai trò chính trong việc lan truyền các nội dung thù địch để thức đẩy một cuộc diệt chủng chống lại người thiểu số Rohingya ở Myanmar.

“Tôi sợ rằng Facebook giờ đây đã biến thành một con quái vật và không còn như mục đích ban đầu của nó”, Điều tra viên của Liên Hợp Quốc tại Myanmar Yanghee Lee cho biết.

Giữa tháng 3/2018, Facebook đã bị lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi hơn 87 triệu người dùng mạng xã hội này trên toàn cầu bị Cambridge Analytica, một công ty phân tích dữ liệu của Anh, bị lấy cắp và sử dụng thông tin cá nhân trái phép mà họ không hề hay biết. Các dữ liệu được lấy cắp từ năm 2015 nhưng phải đến 2018 sự việc mới được công bố.

Những dữ liệu này sau đó đã được sử dụng để phân tích và lôi kéo các cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, khi Cambridge Analytica được thuê vào mùa hè 2016 cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

21/3/2018: Sự “biến mất” đáng ngờ của Mark Zuckerberg

Nhiều ngày sau khi vụ bê bối Cambridge Analytica bị phát giác, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã bất ngờ “biến mất” khi hoàn toàn giữ im lặng, không đưa ra bất kỳ thông tin hay phát ngôn nào, bất chấp việc cổ phiếu Facebook đã bị lao dốc, các cơ quan chức năng yêu cầu điều tra Facebook và một làn sóng phản đối nhằm vào mạng xã hội này dâng cao.

Hàng loạt người nổi tiếng, có thể kể đến tỷ phú Elon Musk hay Brian Acton, nhà đồng sáng lập ứng dụng nhắn tin WhatsApp (mà Facebook đã mua lại với giá 22 tỷ USD) đã kêu gọi mọi người từ bỏ và xóa tài khoản Facebook sau vụ bê bối này. Dù vậy Mark Zuckerberg vẫn hoàn toàn “bặt vô âm tín”.

22/2/2018: “Chiến dịch” xin lỗi bắt đầu

Sau nhiều ngày “bặt vô âm tín”, đến 22/3/2018, Mark Zuckerberg mới bất ngờ xuất hiện trở lại sau vụ bê bối Cambridge Analytica bằng cách đưa ra thông điệp xin lỗi và nhận trách nhiệm về sự việc.

“Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của bạn và nếu chúng tôi không thể nghĩa là chúng tôi không xứng đáng để phục vụ bạn”, Mark Zuckerberg tuyên bố trên trang cá nhân.

Cuối tháng 3, khi vụ bê bối Cambridge Analytica chưa được xoa dịu, Facebook lại một lần nữa khiến người dùng cảm thấy phẫn nộ khi thừa nhận âm thầm thu thập lịch sử cuộc gọi và tin nhắn trên smartphone chạy nền tảng Android có cài đặt ứng dụng Facebook.

Sau vụ bê bối Cambridge Analytica, CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã có 2 ngày để điều trần trước các thành viên của Quốc hội Mỹ. Zuckerberg đã phải giải thích về cách thức hoạt động và kiếm tiền của Facebook, đồng thời hứa hẹn phải có trách nhiệm lớn hơn để bảo vệ dữ liệu và sự riêng tư của người dùng.

Đây được xem là một thử thách đầy khó khăn của Mark Zuckerbreg, nhưng CEO của Facebook cũng đã vượt qua một cách xuất sắc.

Sau hàng loạt vụ rắc rối, Facebook còn phải “đau đầu” khi những nhân vật quan trọng rời bỏ khỏi công ty, bao gồm hai nhà đồng sáng lập Instagram là Kevin Systrom và Mike Krieger. Lý do được hai nhà đồng sáng lập này đưa ra là để tìm kiếm sự sáng tạo và thử thách, tuy nhiên nhiều nguồn tin từ nội bộ Facebook cho biết sự rời đi này là vì những bất đồng quan điểm về cách quản lý với CEO Mark Zuckerberg của Facebook.

Trước đó vào cuối tháng 4/2018, một nhân vật quan trọng khác cũng đã rời bỏ Facebook, đó là Jan Koum, nhà đồng sáng lập của ứng dụng nhắn tin WhatsApp. Lý do được Koum đưa ra vì muốn tập trung cho các sở thích cá nhân, nhưng nhiều nhà quan sát cũng đã dự đoán chính sự bất đồng quan điểm về việc khai thác thông tin người dùng giữa Facebook và WhatsApp đã khiến Jan Koum rời đi.

Cuối tháng 9/2018, Facebook một lần nữa lâm vào khủng hoảng khi mắc phải một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, cho phép hacker chiếm đoạt được mã truy cập của 30 triệu tài khoản người dùng để các tin tặc có quyền truy cập vào trang cá nhân của người dùng, trong số đó 29 triệu tài khoản đã bị hacker chiếm đoạt các thông tin liên lạc cơ bản (tên, địa chỉ email hoặc số điện thoại của người dùng) và thêm nhiều thông tin khác như giới tính, tôn giáo, địa điểm, thông tin về thiết bị người dùng đang sử dụng và lịch sử tìm kiếm trên Facebook.

14/11/2018: Facebook thừa nhận dùng “chiêu trò” để chơi xấu các đối thủ

Tháng 11/2018, tờ báo The New York Times đã đăng tải một thông tin gây sốc khi tiết lộ rằng Facebook đã thuê một công ty truyền thông để cố gắng làm mất uy tín của các đối thủ của mình, bao gồm các nhà phê bình và chỉ trích các chính sách của Facebook.

CEO Mark Zuckerberg và Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg ban đầu đã phủ nhận thông tin này, tuy nhiên sau đó Sheryl Sandberg đã phải thừa nhận có liên quan đến sự việc. Điều này đã làm tăng lên những chỉ trích nhằm vào ban lãnh đạo của Facebook.

Giữa tháng 12/2018, Facebook một lần nữa khiến nhiều người dùng phải giật mình khi tiết lộ một lỗi xảy ra hồi tháng 9/2018, cho phép các nhà phát triển ứng dụng bên ngoài có thể truy cập vào các hình ảnh riêng tư của người dùng, bao gồm những hình ảnh mà người dùng chia sẻ lên mục Facebook Stories (chức năng “tin của bạn”, vốn chỉ cho phép bạn bè trên Facebook xem được) và thậm chí có thể xem được cả những hình ảnh mà người dùng chỉ mới dự định đăng tải lên Facebook nhưng chưa bấm nút chia sẻ (nghĩa là đã chọn ảnh để đăng lên Facebook, quá trình tải ảnh lên Facebook đã hoàn tất nhưng người dùng sau đó hủy bỏ quá trình này); thay vì chỉ được phép truy cập các hình ảnh được người dùng chia sẻ lên trang Facebook cá nhân ở chế độ công khai.

Ước tính 6,8 triệu người dùng đã bị ảnh hưởng bởi lỗi gây rò rỉ ảnh riêng tư này.

Mọi rắc rối vẫn chưa dừng lại với Facebook, khi đến 18/12/2018, mạng xã hội này đã thừa nhận cho phép bên thứ 3, bao gồm các dịch vụ như Netflix hay Spotify... truy cập vào nội dung tin nhắn riêng tư của hàng triệu người dùng Facebook trên toàn cầu. Mặc dù Facebook khẳng định rằng không có bằng chứng nào cho thấy các công ty này lạm dụng nội dung tin nhắn cho mục đích xấu, nhưng việc cho phép người ngoài đọc các nội dung tin nhắn riêng tư đã khiến nhiều người dùng phẫn nộ.

Năm 2018: Một làn sóng từ bỏ Facebook của những người nổi tiếng

Sau hàng loạt bê bối làm rò rỉ dữ liệu của người dùng, trong năm 2018 đã chứng kiến sự từ bỏ mạng xã hội này của hàng loạt nhân vật nổi tiếng, bao gồm cả những nhân vật trong giới giải trí, giới công nghệ... có thể kể đến như diễn viên Jim Carrey, nam diễn viên Will Ferrell, nữ ca sĩ Cher, nhà đồng sáng lập Apple Steve Wozniak hay nhà báo công nghệ nổi tiếng Walt Mossberg...

Năm 2018: Một năm “thảm họa” đáng quên của Facebook

Có thể nói 2018 là một năm đầy sóng gió của Facebook. Bên cạnh việc làm mất đi lòng tin từ phía người dùng, Facebook cũng phải đối mặt với vấn đề nội bộ lục đục khi nhiều lời kêu gọi nhà sáng lập Mark Zuckerberg rời khỏi chiếc ghế CEO của mạng xã hội này. Tuy nhiên đáp lại lời chỉ trích nhằm vào mình, Mark Zuckerberg cho biết vẫn sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ CEO Facebook để giúp công ty vượt qua những sóng gió hiện tại.

Hàng loạt vụ bê bối về dữ liệu người dùng đã khiến cổ phiếu Facebook sụt giảm mạnh trong năm 2018, khiến CEO Mark Zuckerberg bị mất khối tài sản lên đến 22 tỷ, trở thành tỷ phú có tài sản bị sụt giảm mạnh nhất trong năm qua.

Chắc chắn năm 2019 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức và bận rộn của CEO Mark Zuckerberg nói riêng và Facebook nói chung để khắc phục lại những sự cố mà mạng xã hội này gặp phải trong năm 2018 để lấy lại lòng tin từ phía người dùng.

Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm