Khoa học - Công nghệ

Những sự kiện ô tô, xe máy nổi bật trong năm 2018

Năm 2018 đang dần khép lại với nhiều sự kiện lớn của thị trường ô tô, xe máy Việt Nam. Hãy cùng điểm qua những gì đáng nhớ nhất.

XE HOT (27/12): 10 ôtô rẻ nhất Việt Nam năm 2018, Honda CR-V tăng giá bán trước Tết / Chưa hết năm cũ, nhiều xe hot đã rục rịch lên lịch ra mắt thị trường Việt đầu 2019

1. Siết ôtô nhập khẩu:

Năm 2018 bắt đầu với việcNghị định 116/2017/NĐ-CPquy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, chính thức có hiệu lực.

Nếu như đối với các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ôtô trong nước, Nghị định 116/2017/NĐ-CP không gây xáo trộn nhiều, thì các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu ôtô bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều điều kiện mới đã khiến một số hãng mãi cho đến thời điểm cuối năm 2018 vẫn chưa thể nhập thêm xe về Việt Nam, đặc biệt là các dòng xe có xuất xứ từ Mỹ, Nhật hay châu Âu.

Những sự kiện ô tô, xe máy nổi bật trong năm 2018 - Ảnh 1.

"Rào cản" nằm ở cả thủ tục lẫn chi phí quản lí. Thứ nhất là việc xe nhập khẩu phải kiểm định khí thải và chất lượng theo từng kiểu loại trong lô xe nhập khẩu. Thứ hai là việc phải cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA) được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.

Trong khi việc tăng cường kiểm định theo từng chủng loại, từng lô xe cập cảng có thể khiến chi phí của các doanh nghiệp tăng lên (nhưng cuối cùng cũng sẽ tính vào chi phí bán hàng), thì việc cung cấp giấy chứng nhận VTA là thách thức cực kì khó khăn và tốn thời gian. Các dòng xe được sản xuất tại ASEAN, như Thái Lan và Indonesia, dễ dàng có được giấy chứng nhận VTA, vì chính phủ các nước này rất hỗ trợ nền công nghiệp ôtô phát triển. Tuy nhiên, các nước như Mỹ và Nhật Bản lại không cấp chứng nhận VTA cho xe sản xuất cho thị trường Việt Nam.

Do đó, phải đến tận cuối tháng 10, đầu tháng 11/2018, các doanh nghiệp nhập khẩu xe từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu mới bắt đầu nối lại việc đưa xe mới về Việt Nam, sau khi tìm ra các tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận VTA cho các mẫu xe cho những thị trường khác, tương đương với mẫu xe nhập về Việt Nam.

2. Thuế nhập khẩu xe ôtô từ ASEAN còn 0%, giá xe không giảm:

Thông tin phấn khởi nhất cho người tiêu dùng Việt Nam là từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm từ 30% xuống 0%, theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Bước vào năm 2018 với sự háo hức mong chờ giá xe ô tô sẽ giảm mạnh, cuối cùng, người tiêu dùng đã phải vỡ mộng.

Những sự kiện ô tô, xe máy nổi bật trong năm 2018 - Ảnh 2.

Giá xe ô tô tại Việt Nam hầu như không giảm dù thuế nhập khẩu từ ASEAN đã về 0%

Sau nửa năm tìm cách vượt "ải" 116, nhiều hãng đã nhập được xe từ ASEAN vào Việt Nam với thuế suất 0%, nhưng giá xe trên thị trường vẫn không giảm; thậm chí, nhiều khách hàng còn phải chấp nhận trả thêm phí nếu muốn nhận xe sớm.

Cả cơ quan quản lý và hãng xe đều đã có sự lý giải cho hiện tượng này, nhưng tất cả đều không thoả mãn người tiêu dùng, và xe ô tô giá rẻ vẫn chỉ là giấc mơ.

3. Tăng thuế nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng:

Ngày 16/11/2017, Chính phủ đã kýNghị định số 125/2017/NĐ-CPsửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, theo đó các dòng xe ôtô đã qua sử dụng sẽ có mức thuế nhập khẩu tăng cao.

Những sự kiện ô tô, xe máy nổi bật trong năm 2018 - Ảnh 3.

Ví dụ theo quy định cũ (tại Nghị định 122), các dòng ôtô đã qua sử dụng có dung tích xi lanh từ 1.000-1.500cc là 10.000 USD/chiếc thì với quy định mới, mức thuế đánh vào dòng xe này sẽ là giá tính thuế xe ôtô đã qua sử dụng (theo biểu giá được bộ Tài Chính công bố) nhân với mức thuế suất của dòng thuế xe ôtô mới cộng 10.000 USD.

Tuy nhiên, ý nghĩa chính của việc tăng thuế nhập khẩu xe cũ không phải ở việc gia tăng nguồn thu cho ngân sách, mà theo Bộ Tài chính, đây là chính sách bảo hộ thị trường trong nước đã được tham khảo nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN để thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô.

Điều này cũng đạt được những hiệu quả nhất định khi mà việc nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng đã được hạn chế, do hướng kinh doanh mang lại quá nhiều rủi ro về kinh doanh cũng như quản lí cho các doanh nghiệp. Theo các quy định hiện hành, toàn bộ các doanh nghiệp nhập khẩu xe đã qua sử dụng tại Việt Nam đều là các nhà phân phối chính thức của các nhà sản xuất và chịu trách nhiệm triệu hồi xe khi xảy ra lỗi.

4. Miễn thuế nhập khẩu linh kiện:

Thêm một chính sách hỗ trợ chocác nhà sản xuất và lắp ráp xe trong nướcđược thực hiện trong năm 2018 này; đó là Nghị Đinh 125/2017/NĐ-CP sửa đổi thuế đối với một số mặt hàng, với ưu đãi rất lớn về thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện ô tô. Theo đó, trong vòng 5 năm kể từ 2018 đến 2022, sẽ áp dụng mức thuế suất 0% đối với linh kiện phục vụ cho việc lắp ráp các dòng xe du lịch từ 9 chỗ ngồi trở xuống và có dung tích xi-lanh dưới 2.000cc.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể được hưởng mức ưu đãi này. Chính phủ quy định rõ các điều kiện để được hưởng thuế suất 0% cho việc nhập khẩu linh kiện: tỷ lệ tăng trưởng, mức tiêu hao nhiên liệu dưới 7 lít/100 km; tiêu chuẩn khí thải, sản lượng (cho một dòng xe và tổng sản lượng chung).

Lộ trình cụ thể từng năm đối với việc được hưởng thuế suất ưu đãi nhập khẩu linh kiện phục vụ lắp ráp ôtô trong nước như sau:

Những sự kiện ô tô, xe máy nổi bật trong năm 2018 - Ảnh 4.

Hiện tại, các mức ưu đãi thuế suất này được thực hiện hoàn thuế theo từng năm. Tuy nhiên, hiệu quả của việc ưu đãi này có thực sự được các thương hiệu "có tiềm năng" hiện thực hoá hay không vẫn là câu hỏi đầy nghi vấn khi mà vấn đề đặt ra là: "Đối tượng hưởng lợi nhờ khoản hoàn thuế nhập khẩu linh kiện này là ai?" khi mà rõ ràng trên thực tế người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa được tiếp cận với giá bán xe thấp hơn so với năm 2017, thời điểm Nghị định 125/2017/NĐ-CP chưa ra đời.

5. Kỉ lục 43 đợt triệu hồi xe:

Nếu như trong năm 2017 có 28 đợt triệu hồi xe tại Việt Nam thì sang năm 2018 có tới 43 đợt.

Lỗi dẫn tới lượng xe bị triệu hồi nhiều nhất trong năm 2018 liên quan tới túi khí và cụm bơm túi khí, với khoảng 28.000xe Toyota các loại, hơn 6.000xe Mercedes-Benzcác loại, hơn 3.000 xeHonda City...

Những sự kiện ô tô, xe máy nổi bật trong năm 2018 - Ảnh 5.

Lập kỷ lục về số lượng xe cần triệu hồi là Toyota, với khoảng 28.000 xe. Trong khi đó, Mercedes-Benz Việt Nam lập kỷ lục về số đợt triệu hồi xe, với 8 đợt do lỗi liên quan đếntúi khí, 2 đợt do lỗi dẫn đến nguy cơ cháy xe , một đợt triệu hồi xe E-Class dolỗi căng dây an toànvà một đợt triệu hồitoàn bộ xe GLC sản xuất tại Việt Namcũng do lỗi liên quan tới dây đai an toàn.

Dù không dẫn tới việc triệu hồi xe nào, nhưng gây ồn ào và bức xúc nhất cho người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2018 là việcnước lọt vào cầuở dòng xe sang Mercedes-Benz GLC vàhiện tượng gỉ sétở gầm xe Honda CR-V. Nếu như với xe GLC, nhà sản xuất đổ lỗi cho người dùng, thì với xe CR-V, nhà sản xuất khẳng định việc gỉ sét, nếu có, cũng không gây ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống treo. Cả hai sự lý giải này đều không thuyết phục được các chủ xe.

Ngoài ô tô, cũng có một số đợt triệu hồi đối với xe máy tại Việt Nam trong năm 2018, nhưSuzuki triệu hồi mẫu Raider,Yamahatriệu hồi hàng loạt xe phân khối lớn...

6. Xăng sinh học E5 chính thức thay thế xăng A92

Những sự kiện ô tô, xe máy nổi bật trong năm 2018 - Ảnh 6.

Theo đúng lộ trình, kể từ ngày 1/1/2018, xăng A92 đã bị "khai tử" để thay bằngxăng sinh học E5. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn có tâm lý e ngại việc sử dụng xăng E5 sẽ làm hỏng động cơ hay xe khó nổ máy khi để lâu ngày không đi... nên đã lựa chọn phương án bỏ thêm tiền để dùng xăng A95 cho yên tâm, đặc biệt là với người sử dụng xe ô tô là tài sản có giá trị lớn.

Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng đó là do xuất phát từ tâm lý, thói quen sử dụng của người dân; cần phải có thời gian để người dân hiểu, an tâm và sử dụng.

Với doanh số bán xăng E5 không đạt kỳ vọng, có doanh nghiệp xăng dầu đã kiến nghị Bộ Công thương"khai tử" luôn cả xăng A95, trong khi một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đề xuất thêmchính sách ưu đãicho riêng xăng E5. Tuy nhiên, tất cả đều không được thông qua.

7. Hiện tượng VinFast

VinFast trở thành cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong lĩnh vực ô tô Việt Nam sau khi hãng công bố các dự án sản xuất xe máy điện và ô tô. Lần đầu tiên Việt Nam đã có một hãng xetham gia Triển lãm ô tô Parisvào tháng 10/2018.

Những sự kiện ô tô, xe máy nổi bật trong năm 2018 - Ảnh 7.

Và một tháng sau đó, VinFast đưa hai mẫu Lux A2.0 và Lux SA2.0 cùng với mẫu xe cỡ nhỏ Fadil và xe máy điện Klaragiới thiệu với người tiêu dùng Việt Nam.

8. Hà Nội đăng cai tổ chức một chặng đua F1

Đầu tháng 11/2018, UBND Thành phố Hà Nội đã chính thức đặt bút kí biên bản ghi nhớ việc tổ chứcmột chặng đua Công thức 1(Formula 1 - F1) trong vòng 10 năm, tính từ năm 2020. Chặng đua đầu tiên được ấn định từ tháng 4/2020.

Mặc dù là đơn vị đứng ra đăng cai, nhưng UBND Hà Nội đã giao cho tập đoàn Vingroup triển khai tổ chức. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải chi trả toàn bộ kinh phí cho BTC Formula1 (giá trị hợp đồng này không được tiết lộ), chứ không sử dụng ngân sách từ thành phố. Nguồn thu dự kiến của giải đua này sẽ bao gồm doanh thu từ việc bán vé, dịch vụ cung cấp cho các đội đua F1, doanh thu từ quảng cáo và từ các nhà tài trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Những sự kiện ô tô, xe máy nổi bật trong năm 2018 - Ảnh 8.

Mô phỏng đường đua F1 tại khu liên hợp thể thao Mỹ Đình

Đường đua tại Hà Nội dài 5.565m, do công ty Tilke (Đức) thiết kế, sẽ là sự kết hợp giữa đường giao thông hiện có và một phần nằm trên khu vực đã được quy hoạch của khu tổ hợp thể thao Mỹ Đình. Ban tổ chức F1 cho biết, đây là đường đua duy nhất trên thế giới có sự kết hợp này.

Việc đăng cai tổ chức một chặng đua F1 được kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá con người và văn hóa Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới. Ngoài ra, sự kiện này sẽ giúp người dân có cơ hội trải nghiệm một môn thể thao hấp dẫn bậc nhất thế giới và tạo ra cơ hội phát triển và nâng cao cơ hội kinh doanh của các ngành du lịch, dịch vụ, logistics, giải trí...

Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm