Nông nghiệp xanh: Để khoa học công nghệ không 'lỡ nhịp' với thực tiễn
Mang 'chất xám' Việt ra sân chơi công nghệ toàn cầu / SURF 2025: Sắp diễn ra diễn đàn quốc tế về blockchain và tài sản số
Nút thắt hành lang pháp lý
Tại diễn đàn Nông nghiệp 2025 với chủ đề “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” ngày 16/7 ở Hà Nội, ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã có những phân tích sâu sắc về những nút thắt đang kìm hãm tiềm năng phát triển bền vững của ngành.
Ông Nguyễn Trí Ngọc khẳng định, kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một xu thế tất yếu, là kết quả của sự chuyển dịch mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của ngành nông nghiệp nước ta hơn một thập kỷ qua. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Chính phủ đã ban hành những quyết sách quan trọng, thể hiện một tầm nhìn chiến lược như Quyết định 687/QĐ-TTg về Đề án phát triển KTTH, và gần đây nhất là Quyết định 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024, phê duyệt Đề án phát triển khoa học và công nghệ thúc đẩy KTTH trong nông nghiệp.
“Chuyển đổi tích cực phải là chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp. Mà muốn làm được điều đó thì vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất quan trọng”, Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia đã đặt ra một câu hỏi lớn về khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn: vai trò của khoa học công nghệ trên thực tế đã đến đâu và có tác động như thế nào?

Để làm rõ trăn trở này, ông đã dẫn lại chia sẻ của Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi tổng kết 6 tháng đầu năm của Bộ mới đây.
“Trong 25.000 tỷ đồng chi cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, có đến 80% được dùng để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm máy móc. Chỉ có 20% còn lại thực sự dành cho việc đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, đổi mới”.
Theo ông Ngọc, đây là một thực trạng đáng báo động, cho thấy nguồn lực đầu tư chưa đi đúng vào trọng tâm là tạo ra tri thức và đổi mới. Cần có cách nhìn khác để hành động, tránh lặp lại thực trạng này trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2025 – một năm rất được kỳ vọng của Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68.
Lý giải cho sự kém hiệu quả trong đầu tư, ông Ngọc chỉ ra nguyên nhân sâu xa đến từ các nút thắt trong hành lang pháp lý. Quá trình xây dựng và hoàn thiện luật pháp diễn ra rất chậm, và khi được ban hành lại chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Ông dẫn chứng việc sửa đổi hai luật khung quan trọng là Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Dù đã trải qua rất nhiều hội thảo, bản sửa đổi cuối cùng vẫn rất chung chung, đẩy phần lớn trách nhiệm quy định chi tiết cho các Nghị định của Chính phủ. Cách làm này khiến chính sách tiếp tục "giậm chân tại chỗ".
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến KTTH, bởi “chúng ta không thể xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia cho một mô hình khi chưa có thực tiễn triển khai và kiểm nghiệm”.
Cho phép thí điểm mô hình tuần hoàn
Để tháo gỡ những rào cản này, ông Nguyễn Trí Ngọc đã đề xuất một loạt giải pháp mang tính đột phá, bắt nguồn từ thực tiễn.
Thứ nhất, cho phép địa phương được tiếp cận khoa học công nghệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện xây dựng mô hình thử nghiệm. Thông qua các mô hình này, địa phương có thể đề xuất và hoàn thiện bộ tiêu chí kỹ thuật, từ đó làm cơ sở cho việc nhân rộng và chuẩn hóa sau này.
Thứ hai, phải tạo điều kiện cho các chủ thể nông nghiệp tiếp cận “vốn xanh”. Hiện nay, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính này. Cần có những chính sách cụ thể và sâu sắc hơn để dòng vốn có thể chảy đúng vào các dự án KTTH, bởi bất kỳ mô hình sản xuất nào cũng cần vốn để khởi động và phát triển.
Cuối cùng, cần thúc đẩy mạnh mẽ các chính sách liên kết. Nền nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, phân tán. Do đó, khuyến khích liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chu trình tuần hoàn là yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả và tạo ra sức mạnh tổng hợp, giúp nông sản Việt Nam đứng vững trong bối cảnh hội nhập.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất

TP Hồ Chí Minh: Tiên phong ứng dụng ChatGPT vào phục vụ hành chính công
Triển lãm điện – năng lượng lớn nhất năm: Cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Nông nghiệp xanh: Để khoa học công nghệ không 'lỡ nhịp' với thực tiễn
Mang 'chất xám' Việt ra sân chơi công nghệ toàn cầu
Thu hút trí thức trẻ - động lực đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ

Phát triển công nghệ chiến lược đòn bẩy cho mô hình tăng trưởng mới