Khoa học - Công nghệ

Quỹ Sáng kiến Phát triển các thành phố châu Á hỗ trợ Vũng Tàu xử lý chất thải rắn

DNVN - Tại Hội thảo chuyên đề trực tuyến “Tiếp cận đa bên - chìa khóa thành công của nền kinh tế tuần hoàn”, chiều 30/11, Quỹ Sáng kiến Phát triển các Thành phố châu Á (CDIA) đã cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho thành phố Vũng Tàu thu gom, xử lý chất thải rắn.

WasteAid phát động cuộc thi “Sáng kiến thành phố không rác thải” trị giá 10.000 euro / Kỳ lạ món kem vani hảo hạng được làm từ... rác thải nhựa

Hội thảo được tổ chức với sự phối hợp của UBND thành phố Vũng Tàu, Quỹ CDIA, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Tập đoàn Xi măng Siam - Na Uy (SCG), Quỹ Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Na Uy (SINTEF).
Các diễn giả tại Hội thảo đã chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về các vấn đề quản lý chất thải rắn tổng hợp và biến đổi khí hậu; sự phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương cũng như ý nghĩa của hành động này trong việc đạt được mục tiêu kinh tế tuần hoàn và phát thải ròng bằng không; cách thức điều phối các hành động và đầu tư tập thể cho nền kinh tế tuần hoàn, cũng như các giải pháp và hệ thống quản lý tài nguyên tổng hợp nhằm tối ưu hóa hệ thống quản lý chất thải theo hướng tuần hoàn và trung hòa cacbon.
Tại Hội thảo, CDIA cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho thành phố Vũng Tàu. Theo đó, CDIA sẽ chuẩn bị một chương trình đầu tư quản lý chất thải rắn mang tính tổng thể cho Vũng Tàu, bao gồm tất cả các khâu từ phân loại rác tại nguồn, tới thu gom, phân loại tại cơ sở trung chuyển, tái chế và xử lý, cho đến công đoạn cuối cùng là loại bỏ chất thải.
Chất thải rắn đe dọa đến môi trường và ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của thành phố Vũng Tàu.
Bước đầu, CDIA sẽ cùng với Liên minh chấm dứt chất thải nhựa thực hiện một nghiên cứu khả thi, trong đó xác định các hợp phần rác thải nhựa cần ưu tiên. Một trong những mục tiêu của Dự án là xây dựng một mạng lưới vững chắc kết nối các bên liên quan gồm các tổ chức trong nước và quốc tế, các đơn vị, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, và các cơ quan chính phủ trong quản lý chất thải rắn dọc theo toàn bộ chuỗi giá trị, đồng thời thúc đẩy, xúc tiến các hoạt động đầu tư để giảm thiểu sự rò rỉ chất thải nhựa vào môi trường.
Việc các bên liên quan là những tổ chức và ngành công nghiệp hàng đầu trên thế giới tham gia vào Dự án này sẽ giúp truyền tải những kiến thức và kinh nghiệm về các biện pháp tối ưu hóa quy trình quản lý chất thải hướng tới sự tuần hoàn và trung hòa cacbon cho các chính quyền địa phương tại Việt Nam nói chung, và thành phố Vũng Tàu nói riêng.
Phát biểu tại sự kiện, ông Võ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch thành phố Vũng Tàu nhấn mạnh: Giảm thiểu chất thải nhựa là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và thiết thực. Đây là nhiệm vụ không chỉ của chính quyền, mà cả toàn thể người dân, các tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
“Vũng Tàu đã có kế hoạch phân loại ban đầu chất thải nhựa và giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, tuy nhiên việc triển khai kế hoạch còn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19 và do mức độ nhận thức về vấn đề này của cộng đồng còn có phần hạn chế. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ xử lý chất thải nhựa trên địa bàn vẫn chưa được hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong việc đẩy mạnh thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa. Chúng tôi hi vọng sẽ có cơ hội hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng và triển khai những mô hình bền vững và khả thi cho thành phố Vũng Tàu”, ông Thuấn nói.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm