Tạo nền tảng cho KHCN và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển
Cần có quy định 'đón đầu' sự phát triển của công nghệ số / Lý giải khoa học phía sau ngọn lửa vĩnh cửu
Bộ KH&CN hiện đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Dự thảo này được xây dựng nhằm khắc phục những bất cập của Luật Khoa học và Công nghệ 2013, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội ngày càng chuyển đổi mạnh mẽ.
Theo Bộ KH&CN, các quy định pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tận dụng tối đa động lực từ KHCN & ĐMST trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật cũng thiếu những hành lang pháp lý linh hoạt để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của các làn sóng công nghệ mới cũng như hội nhập quốc tế sâu rộng.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung quan trọng liên quan đến ứng phó với tình huống khẩn cấp, bảo đảm an toàn và an ninh quốc gia hay thảm họa thiên nhiên vẫn chưa được quy định rõ ràng. Các vấn đề khác như giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước hay việc tập trung nguồn lực cho các chương trình ứng dụng tri thức cũng được xem là những hạn chế lớn cần sớm điều chỉnh.
Từ thực tiễn cũng như các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật KH và CN 2013, Bộ KH&CN nhận thấy cần nghiên cứu và sửa đổi toàn diện Luật KH và CN.
Mục đích hoàn thiện dự thảo Luật KHCN & ĐMST nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý tác động tích cực, hiệu quả đến toàn bộ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ trên nền tảng tiếp cận toàn diện của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Luật hướng tới thúc đẩy đồng thời ba chức năng cốt lõi là tạo ra tri thức, ứng dụng tri thức và truyền bá tri thức một cách mạnh mẽ, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn đóng góp đáng kể cho nhân loại. Đồng thời, việc sửa đổi luật sẽ bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bảo đảm an ninh, an toàn quốc gia, góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Dự thảo cũng đặt trọng tâm vào việc kế thừa các quy định còn phù hợp từ Luật KH&CN 2013, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và hoạt động nghiên cứu, đồng thời mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài công lập để tăng cường đóng góp của KH,CN&ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ KH&CN khẳng định, đây là bước đi cần thiết để xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh, tạo nền tảng cho KHCN & ĐMST trở thành động lực phát triển, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo