Trao cơ hội công nghệ cho doanh nghiệp để tăng trưởng 2 con số khả thi
Đẩy mạnh đào tạo nhân lực công nghệ cao, hướng tới 50.000 kỹ sư bán dẫn vào 2030 / 6 'bài toán lớn' để làm chủ công nghệ quốc phòng hiện đại
Diễn đàn tăng trưởng kinh tế Việt Nam ngày 8/7 tại Hà Nội ghi nhận nhiều ý kiến chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp về các sáng kiến, giải pháp có tính khả thi cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, bền vững trong bối cảnh mới.
Lấy kinh nghiệm thực tiễn từ chính doanh nghiệp của mình, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng, hai từ khóa then chốt có thể tạo ra đột phá cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam là chuyển đổi trí tuệ nhân tạo (AIX) và Go Global (toàn cầu hoá). Bên cạnh chuyển đổi số, chuyển đổi AI chính là động lực tăng trưởng mới mà Việt Nam cần nắm bắt.
"Chuyển đổi AI không chỉ dành riêng cho các công ty công nghệ, mà là việc tất cả người dân, doanh nghiệp và Chính phủ cùng ứng dụng AI vào hoạt động của mình", ông Chính giải thích.
Dẫn các nghiên cứu của Gartner và các tổ chức uy tín trên thế giới, Chủ tịch HĐQT CMC cho biết, việc áp dụng AI trên diện rộng có thể tạo ra mức tăng trưởng GDP tăng thêm từ 1,5- 2%.
"Giả sử Việt Nam đang tăng trưởng 8%, nếu chúng ta quyết tâm thực hiện chuyển đổi AI, chúng ta hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng 10% đến 12%. Điều này đã được chứng minh qua các mô hình thành công tại Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc", ông Chính giải thích.
Trong khi đó, việc vươn ra thị trường quốc tế là yếu tố quyết định cho sự tăng trưởng vượt bậc của tập đoàn trong 5 năm gần đây.

"Nếu như trước đây, chúng tôi ra thị trường quốc tế một cách bập bõm, đi rồi lại về, thì 5 năm gần đây, chiến lược toàn cầu hóa đã giúp CMC đạt mức tăng trưởng trung bình từ 20-25%/năm. Riêng năm nay, lợi nhuận của chúng tôi tăng 40% so với năm trước. Nếu chỉ trông chờ vào thị trường trong nước, chắc chắn không bao giờ có được kết quả này", ông Chính khẳng định.
Người đứng đầu Tập đoàn CMC khẳng định, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là công cụ hữu hiệu để đạt được tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, động lực này không chỉ đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học mà phải xuất phát từ chính các doanh nghiệp.
"Nhận thức và việc ứng dụng khoa học công nghệ của mỗi doanh nghiệp sẽ quyết định mức độ tăng trưởng của chính họ", ông Chính nói.
Dẫn chứng từ CMC, ông cho biết sau 10 năm đầu tư vào viện nghiên cứu, hầu hết các công nghệ lõi của tập đoàn đều do chính đội ngũ của mình phát triển và đã đạt đến đẳng cấp thế giới. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt của CMC đã lọt top 12 thế giới. Tập đoàn có thể cung cấp dịch vụ công nghệ cho Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này tạo ra một nguồn cảm hứng rằng người Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ và vươn ra toàn cầu.
Từ những phân tích trên, ông Chính đưa ra 5 kiến nghị cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng cao.
Thứ nhất, thay đổi cách tiếp cận chính sách khoa học công nghệ. Theo đó, phải đi ngược lại, xuất phát từ nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp, thay vì đi từ viện, trường. Hãy trao cho doanh nghiệp cơ hội và hỗ trợ họ ứng dụng công nghệ để tăng năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ hai, học hỏi mô hình Hàn Quốc bằng việc giao cho các doanh nghiệp đầu tàu trong từng ngành nhiệm vụ dẫn dắt sự phát triển của cả ngành đó. Chính phủ Hàn Quốc đã giao cho một doanh nghiệp mỹ phẩm hàng đầu nhiệm vụ phát triển cả ngành mỹ phẩm quốc gia. Đó là một cách làm rất hiệu quả.
Thứ ba, thúc đẩy Chính phủ AI, chuyển đổi AI cần được lan tỏa đến tất cả các bộ, ngành, địa phương. CMC đã và đang tham gia vào quá trình này thông qua việc cung cấp các giải pháp AI cho ứng dụng VNeID và hỗ trợ quá trình sửa đổi luật pháp.
Thứ tư, thực thi hiệu quả chính quyền hai cấp. Đây là vấn đề quan trọng cần được thông suốt để bộ máy hoạt động hiệu quả.
Thứ năm, xây dựng Chính phủ thông minh dựa trên dữ liệu. Quá trình ra quyết định của Chính phủ cần dựa trên việc phân tích dữ liệu một cách khoa học và minh bạch.
Dưới góc nhìn chuyên gia, liên quan đến chính sách công nghiệp, TS Võ Trí Thành đưa ra ba kiến nghị đột phá. Thứ nhất, đừng lấy ngành làm trung tâm, mà hãy lấy công nghệ làm trung tâm và chú trọng vào sự lan tỏa. Theo ông, cách tiếp cận này vừa giúp công nghệ mới được áp dụng rộng rãi, vừa né tránh được các rào cản từ cam kết quốc tế.

Thứ hai, chính sách không nên “lựa chọn người thắng cuộc” mà phải “hỗ trợ người tham cuộc” thông qua việc tạo ra một sân chơi cạnh tranh bình đẳng.
Thứ ba, các doanh nghiệp thành công đều là những doanh nghiệp vươn ra thế giới. Vì vậy, chính sách phải khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào cạnh tranh toàn cầu.
Cuối cùng, TS Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam cần một cuộc cách mạng thực sự trong giáo dục, đặc biệt là ở bậc đại học. Cần nhân rộng mô hình “đại học khởi nghiệp”, nơi các trường không chỉ đào tạo, nghiên cứu mà còn phải đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế thông qua việc thương mại hóa công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ghi nhận các ý kiến tại diễn đàn, ông Trần Lưu Quang - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương nhận định, mục tiêu tăng trưởng hai con số hoàn toàn khả thi nếu có sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và địa phương.
Theo ông Quang, 1 trong 4 điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng là có chiến lược và mô hình phát triển đúng, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực cốt lõi. Cùng đó, cần có sự đồng thuận, chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là những vướng mắc về thể chế cũng như sẵn sàng ứng phó với các cú sốc bên ngoài khi độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn.
“Cơ hội hiện nay của Việt Nam đã lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Niềm tin vào cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế với tư duy đổi mới mang tính cách mạng, chính là nền tảng để chúng ta bứt phá. Chính phủ sẽ tiếp thu, chọn lọc các kiến nghị thiết thực để đưa vào chính sách và chương trình hành động cụ thể trong thời gian tới”, ông Trần Lưu Quang khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo