Khoa học - Công nghệ

U oát vang bóng một thời: Còn đâu sức mạnh "thần thánh" trên đất Việt

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2018 đến nay, không có chiếc ô tô dưới 10 chỗ nào từ CHLB Nga nhập về Việt Nam. Tham vọng chinh phục thị trường ô tô Việt Nam của UAZ thần thánh vẫn gập ghềnh.

Lamborghini Diablo “hàng nhái” tinh vi y như thật / Honda PCX Hybrid bán ra ở Malaysia, rẻ hơn hàng chục triệu so với Việt Nam

Kỳ vọng thương hiệu nổi tiếng một thời trở lại

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Đây cũng là thời điểm Nghị định thư về hợp tác sản xuất ô tô, Việt Nam ký riêng với Nga (nằm trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu) có hiệu lực.

Nội dung Nghị định thư nêu rõ, sẽ cho phép các liên doanh ô tô Việt Nam - CHLB Nga được nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc, để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường, đồng thời cho hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với linh kiện, phụ tùng lắp ráp ô tô trong vòng 5 năm.

 Cơ hội cho xe Nga giá vào Việt Nam trở nên gập ghềnh

Cơ hội cho xe Nga giá vào Việt Nam trở nên gập ghềnh

Với quy định này, từ cuối năm 2016 ô tô Nga bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam. Tại Triển lãm ô tô quốc tế, diễn ra vào cuối tháng 10/2016 một loạt mẫu ô tô Nga đã xuất hiện, trong đó được nhiều người quan tâm nhất là 3 sản phẩm mang thương hiệu UAZ gồm Hunter, Patriot và Pick up.

Đến đầu năm 2017 có khoảng 30 chiếc xe UAZ thuộc 3 phiên bản trên được nhập khẩu về Việt Nam. Phía công ty UAZ dự kiến cung cấp vài trăm xe tại thị trường Việt Nam trong năm 2017. Người Nga rất lạc quan về điều này. Nói về chiếc xe Patriot, đại diện UAZ khi đó cho biết, nó đã được đổi mới một cách nghiêm túc. Giờ đây, xe có túi khí và hệ thống đa phương tiện, nội thất được nâng cấp triệt để, việc điều khiển hàng loạt chức năng được tích hợp trên vô-lăng.

Chiếc xe có quyền không xấu hổ, khi xếp ngang hàng bên cạnh các mẫu tương tự của nước ngoài. Cạnh tranh trong phân khúc xe địa hình tại Việt Nam còn ít đối thủ, sẽ có không ít khách hàng có nhu cầu về một chiếc xe có kỹ thuật ổn thỏa, thoải mái dành cho địa hình gồ ghề, khó đi lại. Và họ sẽ hài lòng về chiếc xe Nga hùng mạnh, an toàn. Nếu trước đây, sản phẩm của UAZ ở Việt Nam trước chủ yếu dùng trong lực lượng vũ trang, thì bây giờ, bất cứ ai có nguyện vọng đều có thể trở thành chủ nhân toàn quyền của chiếc xe Nga,...

Sau đó, giá xe được công bố, với Hunter là 460 triệu đồng (tương đương hơn 20.000 USD), Patriot là 686 triệu đồng (30.000 USD) và UAZ Pick up là 566 triệu đồng (25.000 USD).

Tuy nhiên, sau khi UAZ công bố giá bán, khách hàng Việt Nam đã thất vọng. Nhiều người cho rằng, ngoài mức giá này, còn phải công thêm từ trên 50-90 triệu đồng nữa, tùy từng mẫu xe và từng địa phương, mới có thể lăn bánh. Với số tiền từ 460-686 triệu đồng, có nhiều xe để lựa chọn, thậm chí có thể mua xe cũ của Nhật hay Mỹ mà chất lượng khá tốt và bền bỉ, tin cậy hơn nhiều so với UAZ.

 

Tại thị trường Nga, các mẫu xe địa hình UAZ có giá bán từ 399.000 đến 809.000 ruble (khoảng 141-276 triệu đồng). Nếu vào Việt Nam, được miễn thuế nhập khẩu, giá bán cho các mẫu xe này dao động trong khoảng 300 đến 450 triệu đồng. Đó là lý do khiến người dùng chờ đợi một mức giá dễ chịu, đối với dòng xe này khi chính thức phân phối tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế không như vậy.

 Theo các DN, lắp ráp và phân phối UAZ tại Việt Nam rất rủi ro

Theo các DN, lắp ráp và phân phối UAZ tại Việt Nam rất rủi ro

Khó trụ lại Việt Nam

Đúng như dự báo, xe UAZ bán ra cho khách hàng cá nhân, chưa đầy 10 chiếc trong năm 2017. Nhà phân phối lý giải, sở dĩ xe có giá cao là do không được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Những chiếc xe này nhập khẩu, vẫn chịu thuế nhập khẩu như xe 2 cầu khác.

Theo quy định, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi, với ô tô Nga là 0%, nhưng đi kèm với đó, các DN Nga và Việt Nam phải thành lập liên doanh sản xuất ô tô.Việc nhập khẩu xe, khi chưa thành lập liên doanh sản xuất, thì chưa được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi.

 

Trên thực tế, từ năm 2016, phía Nga đã đi tìm đối tác Việt Nam để lập liên doanh. Giám đốc một DN kinh doanh ô tô nhập khẩu tại Hà Nội cho hay, đại diện của UAZ đã tìm đến làm việc với họ, đề nghị hợp tác để phân phối và tiến tới lắp ráp UAZ tại Việt Nam. Lúc đầu là phân phối xe nhập nguyên chiếc theo hạn ngạch, mức giá chào chỉ có 5.000 USD/xe, cho một số mẫu có động cơ dung tích xi lanh 2.0L.

Tuy nhiên, DN này cho biết, lắp ráp và phân phối UAZ tại Việt Nam rất rủi ro. Số xe nhập khẩu nguyên chiếc với thuế 0%, theo hạn ngạch không nhiều, trong khi phải đầu tư cho dây chuyền lắp ráp chi phí lớn.

Để có một dây chuyền lắp ráp xe UAZ đạt tiêu chuẩn, theo tính toán chi phí khoảng 100 tỷ đồng, chưa kể các chi phí khác như thuê nhà xưởng, lương công nhân, quản lý,... Trong khi đó, UAZ không hỗ trợ về vốn mà chỉ chuyển giao công nghệ. Vốn đầu tư ban đầu lớn, doanh số bán thấp, thì rủi ro khó tránh khỏi. Vì vậy, việc thành lập liên doanh không khả thi.

Cuối tháng 12/2017 đã diễn ra lễ ký kết Nghị định thư sửa đổi giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo Nghị định thư sửa đổi, trong giai đoạn 2018-2022, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh sản xuất ô tô Nga được nhập khẩu miễn thuế 2.550 xe nguyên chiếc và 13.500 bộ phụ tùng để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường.

 

Nguồn tin từ công ty UAZ cho biết, dự án lắp ráp ô tô sẽ bắt đầu tại Việt Nam vào cuối năm nay. Tuy nhiên, công việc thực sự chỉ có thể tiến hành trong năm tới.

Nếu lắp ráp tại Việt Nam thành công, giá xe sẽ rẻ hơn và hy vọng sẽ được nhiều người đón nhận. Tuy nhiên, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô, từ ASEAN về Việt Nam đã giảm xuống 0% sẽ làm khó cho UAZ.

Giấc mơ chinh phục khách hàng Việt Nam lần thứ hai của UAZ thần thánh vẫn gập ghềnh. Một số nguồn tin cho biết, UAZ đang “Tây tiến”, hướng đến thị trường Lào, nơi quy định về nhập khẩu ô tô thông thoáng hơn và được lực lượng vũ trang Lào ưa chuộng.


Theo Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm