Khoa học - Công nghệ

Ứng dụng công nghệ cảm biến trong giám sát chất lượng không khí

DNVN – Việc tích hợp công nghệ cảm biến trong giám sát chất lượng không khí sẽ tăng cường dữ liệu và tiếp cận thông tin về chất lượng không khí cho người dân và cơ quan quản lý.

Tạo nước ở sa mạc từ ánh sáng Mặt Trời và không khí / Hà Nội: Nồng độ bụi mịn vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia, gia tăng bệnh tật do ô nhiễm không khí

60% các quốc gia đang không được tiếp cận với các báo cáo về chất lượng không khí

Ngày 30/9 tại Hà Nội, Live&Learn hợp tác với Đối tác Không khí sạch Châu Á - Thái Bình Dương (APCAP), Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP) và Tạp chí Tia Sáng tổ chức Hội thảo "Từ vô hình tới hữu hình - Ứng dụng công nghệ cảm biến trong giám sát chất lượng không khí: Kinh nghiệm quốc tế và tiềm năng cho Việt Nam". Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án Chung tay vì không khí sạch do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Sự kiện được tổ chức nhằm mục đích cập nhật cho các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, công ty công nghệ và công chúng về xu hướng tích hợp công nghệ cảm biến trong giám sát chất lượng không khí (CLKK) tại một số nước trên thế giới và tại Việt Nam.

Theo tài liệu công bố gần đây của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), 60% các quốc gia (tương đương 1,3 tỷ người hay 18% dân số thế giới) đang không được tiếp cận với thông tin liên tục hay báo cáo hàng năm về CLKK từ các trạm quan trắc PM2.5 mặt đất.

Trên thế giới, các cơ quan chính phủ, nhà khoa học và các công ty tại nhiều quốc gia trên thế giới đã có những nỗ lực để liên tục cung cấp thông tin theo thời gian thực về tình trạng CLKK. Dữ liệu quan trắc giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm không khí (ONKK), đồng thời hỗ trợ đánh giá xu hướng và tác động của ô nhiễm không khí, góp phần thực hiện và đánh giá hiệu quả của các giải pháp quản lý CLKK.

Hình ảnh một trạm quan trắc không khí cảm biến tại Hà Nội.

Hình ảnh một trạm quan trắc không khí cảm biến tại Hà Nội.

Tại Việt Nam, trong 3 năm qua, các công ty trong nước như PAMAir, tMonitor, Puritrak... đã sản xuất và lắp đặt các thiết bị cảm biến CLKK ngoài trời và trong nhà tại rất nhiều trường học, văn phòng, khu dân cư trên toàn quốc, hỗ trợ người dân theo dõi CLKK tại nơi mình sống, nhất là tại những địa phương và khu vực chưa có trạm quan trắc của nhà nước.

Cùng với đó, các bên nghiên cứu cũng đã sử dụng dữ liệu từ cảm biến cùng với vệ tinh và trạm quan trắc truyền thống cho các nghiên cứu để làm rõ hiện trạng, đặc điểm ô nhiễm bụi mịn, nguồn và ảnh hưởng. Gần đây nhất, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và tổ chức Live&Learn, cùng nhiều nhà khoa học khác, đang thực hiện báo cáo hiện trạng bụi PM2,5 ở Việt Nam sử dụng dữ liệu đa nguồn từ trạm quan trắc, cảm biến và dữ liệu vệ tinh.

Đề xuất chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cảm biến trong giám sát CLKK

Từ đó, Live&Learn cho rằng, Việt Nam rất cần tham khảo các kinh nghiệm và xu thế quốc tế để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cảm biến cho nhiều mục đích như giáo dục, nâng cao nhận thức, nghiên cứu, bổ sung dữ liệu cho hệ thống quan trắc nhà nước.

Lấy dẫn chứng trong điều Luật Bảo vệ môi trường 2020 (BVMT) của Việt Nam và bản dự thảo cập nhật ngày 21/9/2021 có nội dung nêu rõ “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp thông tin về môi trường”. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật này đang đưa ra quy định tại Điều 99, Mục 3, 4, 6, 7, 8 (Bản dự thảo cập nhật ngày 21/9/2021) rằng, “Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quan trắc tự động, liên tục chất lượng môi trường đối với các thành phần môi trường và sử dụng kết quả quan trắc tự động chất lượng môi trường để trực tiếp cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về quan trắc chất lượng môi trường”; và “có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về việc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về quan trắc môi trường trước khi công bố thông tin cho cộng đồng”. Theo các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực CLKK và liên quan, gồm Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam (VCAP), Live&Learn, Tổ chức Thương mại Bền vững (IDH) đã gửi kiến nghị tới Bộ Tài nguyên Môi trường vì thấy nội dung này không phù hợp.

Theo đó quan trắc môi trường phục vụ nhiều mục đích khác nhau như: quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, nâng cao nhận thức, truyền thông giáo dục hoặc chỉ đơn giản là phục vụ nhu cầu được “biết” về hiện trạng môi trường sống của một cá nhân hoặc tập thể, không phải thuộc loại hình hoạt động có điều kiện. Theo Luật BVMT 2020 và các luật khác, chỉ các hoạt động quan trắc phục vụ quản lý Nhà nước mới là hoạt động có điều kiện, phải đáp ứng các điều kiện tại các Điều 93 của Dự thảo Nghị định. Do đó, các quy định trong dự thảo Nghị định đang áp đặt các yêu cầu về quản lý và kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước lên toàn bộ hoạt động quan trắc trong xã hội, kể cả cho mục đích quan trắc cho cộng đồng.

Với các mục đích quan trắc như nghiên cứu, nâng cao nhận thức, truyền thông giáo dục, khoa học công dân…, cần theo xu hướng quốc tế và đưa ra các cơ chế thúc đẩy sự tham gia của người dân.

Mặt khác, các quy định trong dự thảo Nghị định này chỉ áp dụng được đối với các đối tượng trong nước, không thể áp dụng với các mạng lưới quan trắc quốc tế, do đó sẽ gây ra sự bất bình đẳng và cản trở việc phát triển và ứng dụng đối mới, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trong nước. Chỉ tính riêng về chất lượng không khí, đã có ít nhất 10 ứng dụng quốc tế theo dõi chất lượng không khí ở Việt Nam (AirVisual, Airnow, Aqicn, Air-quality, Windy, Google Earth, Mekong Air Quality Explorer, PurpleAir, Sensor.Community, BreezoMeter, Plume Labs,…). Các đối tượng này không có văn phòng ở Việt Nam và cơ quan quản lý không thể yêu cầu đối tượng này đáp ứng quy định.

Trong thời đại 4.0, công nghệ và kỹ thuật quan trắc phát triển nhanh, phục vụ nhu cầu thông tin khác nhau của xã hội. Dự thảo nghị định chỉ nên yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi “công bố thông tin chất lượng môi trường cho cộng đồng phải kèm theo thông tin về vị trí quan trắc, phương pháp quan trắc và độ chính xác của thiết bị hoặc giới hạn báo cáo của phương pháp và chịu trách nhiệm về kết quả công bố thông tin chất lượng môi trường của mình” (muc 4, Điều 99). Như vậy mới khuyến khích khoa học phát triển, khuyến khích các tổ chức sáng tạo, khuyến khích cộng đồng tham gia, phù hợp với Luật BVMT 2020 và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đại diện đơn vị này cho biết.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm