Khoa học - Công nghệ

Ứng dụng công nghệ: Đòn bẩy đột phá nâng năng suất lao động

DNVN - Trong bối cảnh năng suất lao động còn thua xa nhiều nước khu vực, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ chiến lược được coi là con đường bắt buộc nếu Việt Nam muốn thu hẹp khoảng cách năng suất, nâng cao giá trị gia tăng và vươn lên cạnh tranh ở tầm khu vực và toàn cầu.

Biến rơm rạ thành 'vàng xanh': Công nghệ đột phá từ đồng ruộng / Hội thảo Vật lý Thiên văn SAGI 2025 thu hút nhiều nhà khoa học uy tín

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động năm 2023 của Việt Nam đạt khoảng 199,3 triệu đồng/lao động, tương đương 8.380 USD/người/năm. Con số này thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế trong khu vực: Singapore ~87.000 USD, Hàn Quốc ~79.000 USD, Trung Quốc ~26.000 USD, Thái Lan ~16.000 USD.

TS Dương Thị Kim Liên – Viện trưởng Viện Hỗ trợ Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp nhận định, khoảng cách lớn về năng suất cho thấy những hạn chế sâu sắc trong năng lực công nghệ, kỹ năng lao động và hiệu quả quản trị của khu vực doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân.

Trong những năm gần đây, cùng với làn sóng chuyển đổi số quốc gia, một số doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, VinGroup, VNPT, Thaco... đã tiên phong đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), IoT, tự động hóa sản xuất, Cloud Computing và các nền tảng phân tích dữ liệu. Một số startup cũng đã ứng dụng AI trong y tế, tài chính, nông nghiệp thông minh...


TS Dương Thị Kim Liên – Viện trưởng Viện Hỗ trợ Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp trình bày tham luận tại hội thảo khoa học “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Yếu tố quyết định để Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào 2045” ngày 27/5 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khoảng trống. Theo Báo cáo Chuyển đổi số doanh nghiệp Việt Nam 2023, chỉ khoảng 15% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) triển khai các ứng dụng số cơ bản như phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử. Chưa đến 3% có kế hoạch đầu tư bài bản vào AI, dữ liệu lớn hoặc sản xuất thông minh.

“Dư địa cải thiện còn rất lớn. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ chiến lược không còn là lựa chọn, mà là con đường bắt buộc nếu Việt Nam muốn thu hẹp khoảng cách năng suất, nâng cao giá trị gia tăng và vươn lên cạnh tranh ở tầm khu vực và toàn cầu”, bà Liên nhấn mạnh.

Trong khi đó, phần lớn DNNVV – chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, vẫn thiếu năng lực nội tại, vốn đầu tư và kỹ năng số cần thiết. Nhiều doanh nghiệp chưa có bộ phận công nghệ chuyên trách, chưa hình thành tư duy “dữ liệu là tài sản”, “AI là công cụ chiến lược”. Cùng đó là sự thiếu vắng kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức hỗ trợ công nghệ.

Ngoài ra, hệ thống chính sách đã có nhưng chưa phát huy hiệu quả trong thực tế. Các gói hỗ trợ chưa đến được đúng đối tượng; thủ tục tiếp cận vẫn rườm rà; việc giám sát thực thi còn hạn chế, khiến nhiều doanh nghiệp chậm chuyển đổi.

Để tạo đột phá về năng suất trong bối cảnh hiện nay, TS Dương Thị Kim Liên đề xuất, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, cần đẩy mạnh truyền thông và phổ biến công khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua báo chí, hội thảo, tập huấn tại địa phương, giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức và chủ động tiếp cận.

Các địa phương cần nhanh chóng rà soát, công khai kế hoạch hỗ trợ, minh bạch cơ chế lựa chọn doanh nghiệp thụ hưởng, bảo đảm chính sách đến đúng nơi, đúng đối tượng.

Bà Liên cũng nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp công nghệ lớn, cần được hỗ trợ để trở thành mô hình thí điểm, lan tỏa hiệu quả cho chuỗi doanh nghiệp vệ tinh, nhất là các DNNVV.

Cùng đó, việc phát triển hệ sinh thái công nghệ tại địa phương là yếu tố không thể thiếu, trong đó cần tăng cường vai trò của các trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức tư vấn, vườn ươm doanh nghiệp và cụm liên kết ngành trong việc đưa công nghệ vào thực tiễn.

Cuối cùng, để bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong thực thi chính sách, cần thiết lập cơ chế phản ánh công khai và xử lý nghiêm những đơn vị trì trệ, gây cản trở cho hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tại doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước đã sẵn sàng, khung chính sách đã định hình và yêu cầu phát triển đã mang tính sống còn, việc phối hợp hành động giữa Nhà nước, doanh nghiệp, viện, trường và tổ chức quốc tế là yếu tố quyết định để chuyển từ chính sách sang thực tiễn, từ thí điểm sang lan tỏa, từ thụ động sang chủ động.

Nếu không hành động quyết liệt hôm nay, chúng ta sẽ tụt lại phía sau. Nhưng nếu cùng nhau thực hiện, một Việt Nam tự cường, sáng tạo, năng suất cao và thu nhập cao vào năm 2045 là hoàn toàn khả thi”, chuyên gia nhấn mạnh.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm