Khoa học - Công nghệ

Vì sao giới chức Mỹ gây áp lực để Google bán Chrome?

DNVN - Bộ Tư pháp Mỹ vừa đề xuất các biện pháp tái cấu trúc mạnh mẽ đối với Google, trong đó bao gồm việc buộc công ty này bán trình duyệt Chrome.

Công nghệ tác động thế nào đến ngành logistics? / Nvidia tạo dấu ấn mới trên đường đua trí tuệ nhân tạo

Biểu tượng Google trên màn hình máy tính bảng. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tháng 11, Bộ Tư pháp đã đưa ra tuyên bố rõ ràng: "Google phải thoái vốn khỏi Chrome", nhằm đối phó với tình trạng độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.

Đề xuất này được đưa ra sau một phán quyết quan trọng của tòa án vào tháng 8 năm ngoái. Khi đó, một thẩm phán liên bang kết luận rằng Google đã vi phạm luật chống độc quyền bằng cách chiếm giữ bất hợp pháp thị trường tìm kiếm internet.

Đối với Android, Bộ Tư pháp Mỹ đề xuất hai lựa chọn: hoặc Google thoái vốn, hoặc chấp nhận chịu sự kiểm soát từ chính phủ.

Cả hai biện pháp được đề xuất liên quan đến Android và Chrome đều là thách thức lớn với Google, đặc biệt trong mảng quảng cáo vốn là nguồn lợi nhuận chính của công ty.

Giám đốc pháp lý của Google, ông Kent Walker, mô tả các biện pháp mà Bộ Tư pháp đưa ra là "gây choáng váng", "cực đoan". Google đang lên kế hoạch đệ trình các đề xuất của riêng mình trong tháng tới và tiếp tục kháng cáo tại tòa án.

Theo Giáo sư Beth Egan từ Đại học Syracuse, nếu mất đi Chrome, Google sẽ phải thay đổi đáng kể cách thức hoạt động của mình. Hiện nay, công ty dựa vào dữ liệu từ trình duyệt này để cung cấp thông tin cho các dịch vụ khác và cải thiện thuật toán.

Hoạt động quảng cáo của Google phụ thuộc chủ yếu vào công cụ tìm kiếm và trình duyệt Chrome đứng vị trí thứ hai trong hệ sinh thái của công ty. Theo tờ Guardian (Anh), Chrome hiện là trình duyệt được sử dụng phổ biến nhất toàn cầu, chiếm gần 2/3 số người dùng internet. Bloomberg cũng ước tính trình duyệt này có hơn 3 tỷ người dùng trên toàn thế giới và được định giá khoảng 15 tỷ USD.

Nếu không còn Chrome, hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời phạm vi hoạt động của công ty sẽ bị thu hẹp.

### Những quan điểm đối lập

Logo Chrome trên màn hình điện thoại và logo Google ở nền sau. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Google lập luận rằng việc buộc thoái vốn khỏi Chrome có thể làm suy yếu vị thế công nghệ của Mỹ trên toàn cầu. Ngược lại, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng chính hành vi độc quyền của Google mới đang gây tổn hại đến vị thế đó.

Bộ Tư pháp nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của họ là tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường. Trong hồ sơ gửi tòa án, Bộ cho biết họ muốn mở rộng cơ hội cho các đối thủ, ngăn không để Google tiếp tục hưởng lợi từ hành vi vi phạm luật, và chặn đứng khả năng công ty này độc chiếm thị trường trong tương lai.

Tuy nhiên, triển vọng Google phải bán Chrome vẫn chưa rõ ràng. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tăng cường kiểm soát các tập đoàn công nghệ lớn khi nhiệm kỳ sắp kết thúc, nhưng quan điểm của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump lại chưa được xác định. Người được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Tư pháp sẽ nhận nhiệm vụ từ tháng 1 và quyết định có tiếp tục hay hủy bỏ yêu cầu đối với Google.

Phán quyết về Google là minh chứng rõ ràng cho sự hiệu quả của luật chống độc quyền tại Mỹ, vốn đã tồn tại hơn 100 năm qua. Tương tự nhiều quốc gia khác, Mỹ cũng áp dụng luật này để xử lý các công ty độc quyền thông qua hệ thống tòa án. Năm 1911, luật chống độc quyền đã buộc tập đoàn dầu khí Standard Oil của John D. Rockefeller phải giải thể.

Ông Ulrich Müller từ tổ chức phi lợi nhuận Rebalance Now nhận định rằng trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, các cơ quan quản lý của Mỹ giám sát rất chặt chẽ các công ty độc quyền. Nhưng đến thập niên 1980, với ảnh hưởng của học thuyết từ Trường Kinh tế Chicago, các chính sách giám sát đã nới lỏng, khi các nhà kinh tế cho rằng độc quyền có thể chấp nhận được nếu doanh nghiệp vận hành hiệu quả. Điều này dẫn đến sự giảm thiểu các biện pháp can thiệp mang tính cấu trúc trong những năm tiếp theo.

Đến khoảng 20 năm sau, Microsoft trở thành mục tiêu của các cơ quan chống độc quyền. Một phán quyết tại Mỹ khi đó đã yêu cầu Microsoft phải chia tách vì hành vi độc quyền. Công ty này tích hợp chặt chẽ hệ điều hành Windows với trình duyệt Internet Explorer, khiến đối thủ Netscape bị loại khỏi thị trường. Tuy nhiên, Microsoft đã kháng cáo thành công và tránh được việc bị chia tách bằng cách cho phép đối thủ tiếp cận một số phần của hệ thống.


Thanh Mai (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm