Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển hướng đến mục tiêu nước sạch và an ninh nguồn nước
Chưa đánh giá trực tiếp được hiệu lực bảo vệ của vaccine Nanocovax / Nghiên cứu kiến nghị 2 phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19
Tập huấn về kỹ năng vận hành thiết bị cấp nước.
Từ mục tiêu nước sạch cho người dân
Tháng 4/2018, Dự án chính thức được khởi động tại hai tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và tiếp sau đó được mở rộng ra các tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, An Giang, dự kiến kết thúc giai đoạn 1 vào năm 2022.
Xác định rõ tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe của người dân, Dự án tập trung sự nỗ lực nhằm mang đến cho cộng đồng một sự thay đổi cơ bản về tư duy, nhận thức và trách nhiệm đối với việc tăng cường nguồn nước sạch trong đời sống dân sinh. Với phương châm “làm để học” gắn liền với thực tiễn và nhu cầu thiết yếu về nước sạch của người dân, Dự án đặt mục tiêu kết nối, nâng cao năng lực các tổ chức địa phương cùng tham gia giải quyết các vấn đề nước, nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Khi tham gia Dự án, người dân được bàn bạc thấu đáo và hiểu rõ trách nhiệm của mình, từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm mà không trông chờ, ỷ lại vào các dự án như trước đây. Điều quan trọng là các tổ chức địa phương và người dân chủ động tham gia đề xuất sáng kiến, hiến kế và đóng góp nguồn lực để cùng triển khai thực hiện Dự án. Không khí dân chủ được cởi mở, trách nhiệm được đề cao, sáng kiến địa phương được phát huy, nguồn lực được huy động tại chỗ, Dự án được triển khai mang lại nhiều kết quả vượt trội so với mong muốn của các bên tham gia.
Tại tỉnh Hà Nam, Ban Chủ nhiệm Dự án đã kết nối với các tổ chức địa phương tổ chức nhiều buổi hội thảo/tập huấn cho hàng trăm lượt cán bộ, hội viên và người dân nâng cao kiến thức về vai trò của nước sạch và việc sử dụng nước sạch bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tổ chức nhiều nội dung vận động chính sách, xây dựng Kế hoạch Cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn tỉnh. Qua nhiều lần hội nghị, hội thảo, tổng hợp, phân tích hàng trăm lượt ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ, hội viên các tổ chức xã hội và và người dân, PHAD đã giúp UBND tỉnh và các ngành chức năng có đủ luận cứ khoa học ban hành Kế hoạch Cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2025 (số 1538/KH-UBND ngày 3/6/2020). Trong đó, thể hiện rõ mục tiêu tổng quát, nhằm bảo đảm cung cấp ổn định, đủ lượng nước, duy trì áp lực cấp nước và đảm bảo chất lượng nước cấp theo quy định;… từng bước giảm tỷ lệ thất thoát, tiết kiệm tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.
Theo đó, các mục tiêu cụ thể được xác định đến năm 2025: Tỷ lệ người dân đô thị được dùng nước sạch đạt trên 98%, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước từ các nhà máy nước sạch tập trung đạt trên 90%, tỷ lệ hệ thống cấp nước ở khu vực đô thị được lập và thực hiện Kế hoạch CNAT đạt 100%. Đặc biệt, đạt mục tiêu giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt đô thị loại IV trở lên chưa qua xử lý trước khi xả ra môi trường xuống còn 70%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 18% đối với đô thị loại IV trở lên, dưới 20% đối với đô thị loại V. Đây cũng chính là thành công ngoài mong muốn ban đầu của Dự án đối với tỉnh Hà Nam, được UBND tỉnh và các ngành chức năng đánh giá cao. Những số liệu nêu trên đã trở thành các con số tin cậy trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 -2025).
Tại Thanh Hóa, trong khuôn khổ đề xuất và hỗ trợ của Dự án, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước sạch xã Nga Trường, huyện Nga Sơn làm mô hình thí điểm tiếp cận với nước sạch của người dân; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các địa phương tiếp cận, tham gia Dự án. Theo đó, quá trình triển khai Dự án đã thu hút, phát huy được nhiều sáng kiến địa phương về xây dựng mô hình nước sạch. Sau 3 năm triển khai, đã huy động trên 10 tỷ đồng phục vụ các mô hình trình diễn của Dự án, như: Lắp đặt 1 hệ thống đường ống cấp nước sạch đến 1.057 hộ dân xã Nga Trường, huyện Nga Sơn; xây dựng 4 hệ thống cấp nước sạch, nước uống học đường (NUHĐ) công suất từ 5 - 10m3/ngày/hệ thống, đạt tiêu chuẩn QCVN 6-1/2011-BYT đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 654 giáo viên, học sinh thuộc 2 điểm trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở; xây dựng 1 hệ thống xử lý, cấp nước đạt tiêu chuẩn QCVN 01/2009-BYT, công suất 40m3/ngày, phục vụ cho 160 hộ dân thuộc cụm dân cư thôn Chuế Cầu, xã Hà Lâm (nay là xã Yến Sơn, huyện Hà Trung). Ngoài ra, Dự án còn giúp nhân rộng mô hình tại một số điểm trường/hộ dân cư của các xã thuộc huyện Hà Trung, Nông Cống, thành phố Thanh Hóa...
Sau những kết quả đạt được tại các tỉnh Hà Nam và Thanh Hóa, Dự án đã mở rộng ra các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu và An Giang. Tại Hà Giang, với sự nỗ lực của các tổ chức địa phương tham gia Dự án, UBND tỉnh đã ban hành 2 quyết định về nghiên cứu hoàn thiện mô hình nhà tiêu sinh học và dự án nước sạch, NUHĐ. Tại An Giang, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về phối hợp xây dựng chủ trương đầu tư 4 hợp phần liên quan đến nước sạch của tỉnh, gồm: Xây dựng mô hình truyền thông về nước - sức khỏe; xây dựng hệ thống cấp nước sạch cụm dân cư công suất 200m3/ngày; xây dựng 3 hệ thống cấp nước sạch, NUHĐ; đánh giá nâng cấp chất lượng nước xử lý từ quy chuẩn Việt Nam 02/2009/BYT lên 01/2009/BYT cho một nhà máy cấp nước. Đến nay, các nội dung công việc đang được triển khai tích cực với tiến độ khả thi.
Cùng với các tỉnh trên, tại Hà Nội, Hòa Bình, Lai Châu,… Dự án đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, thái độ, hành vi về sử dụng nước, nước sạch và sức khỏe của học sinh, người dân; tổ chức cuộc thi Tìm kiếm sáng kiến về nước năm 2020 - 2021; tổ chức khảo sát thực địa nguồn nước sạch tại một số trường thuộc các tỉnh miền núi để mở rộng Dự án… đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Cuộc thi Tìm kiếm sáng kiến về nước đã huy động được 23 giải pháp CNAT, nước sạch và NUHĐ, trong đó có một số sáng kiến tập trung về sử dụng nước tiết kiệm; xử lý chất thải bảo vệ nguồn nước sạch; chống ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Thông qua các chương trình truyền thông đã huy động được một phần kinh phí xây dựng các trạm xử lý, cấp nước sạch và NUHĐ cho một số trường dân tộc bán trú ở các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, Dự án đã xây dựng một Kế hoạch CNAT, 5 sổ tay CNAT cho các hệ thống cấp nước sạch quy mô trường học và cụm dân cư với nhiều nội dung mới và cách trình bày sáng tạo giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ triển khai thực hiện.
Mô hình cấp nước sạch tại cụm dân cư ở Thanh Hóa.
Mô hình cấp nước sạch tại trường học ở Thanh Hóa.
Đến mục tiêu an ninh nguồn nước
Xác định rõ, an ninh nguồn nước (ANNN) là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, PHAD đã hướng các hoạt động của Dự án vào mục tiêu tăng cường sự bảo đảm về ANNN. Phát huy sáng kiến của các tổ chức địa phương, PHAD phối hợp với Trung tâm Thông tin các tổ chức phi chính phủ - NGO-IC, trực thuộc Liên hiệp các hội hoa học và kỹ thuật Việt Nam, thành lập “Liên minh Nước và Sức khỏe Việt Nam - VIWHA”.
Chỉ sau một thời gian ngắn, VIWHA đã có trên 50 thành viên tham gia, bao gồm các tổ chức, chuyên gia vận động chính sách về nước và sức khỏe; về giải pháp công nghệ xử lý cấp nước sạch; về cấp nước an toàn và bảo vệ nguồn nước. VIWHA đã lồng ghép nhiều hoạt động hướng đến các mục tiêu bảo đảm ANNN, tiêu biểu như: Hoạt động tư vấn định hướng vận động chính sách; xây dựng chương trình nước sạch/NUHĐ, chương trình bảo vệ nguồn nước; lựa chọn các giải pháp công nghệ xử lý chất thải/ xử lý nguồn nước; xây dựng đập/ hồ chứa nước; kế hoạch cấp nước an toàn; lựa chọn các sáng kiến địa phương về bảo vệ nguồn nước; tổ chức truyền thông nâng cao năng lực về nước và ANNN; huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng các trạm xử lý, cấp nước sạch cho các trường học khó khăn miền núi dân tộc; nhân rộng mô hình;… đem lại nhiều kết quả tích cực cho cộng đồng, xã hội tại những nơi tham gia Dự án, thu hút đông đảo các tổ chức thành viên, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia.
Nhiều hoạt động truyền thông, như: Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Các sự cố nguồn nước và vai trò của các bên”, “Chung tay bảo đảm CNAT khu vực nông thôn” trên Báo Đại biểu nhân dân; Chương trình “Hành trình Đại sứ nước” hàng năm tại các trường học và trên đường phố truyền thông kiến thức, thái độ, hành vi về nước và sức khỏe cho học sinh và người dân. Đặc biệt, PHAD đã phối hợp với Trung tâm NGO-IC chủ trì Hội thảo thường niên năm 2020 với chủ đề: “An ninh nước và sự phát triển bền vững của Việt Nam” thu hút trên 200 cán bộ quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia đến từ 120 tổ chức, đơn vị khoa học và quản lý trên cả nước tham dự. Hơn 50 bản tham luận được gửi đến Hội thảo là những nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn, phản ánh đúng thực trạng những vấn đề bức bách về nguồn nước và ANNN trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay. Kết quả Hội thảo cho thấy, ANNN là một lĩnh vực an ninh hết sức quan trọng, có thể nói chỉ đứng sau an ninh về con người nhưng đang bị suy thoái trầm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Do đó, bảo đảm an ninh nguồn nước là yêu cầu tất yếu khách quan, là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học cũng đưa ra những cảnh báo về ANNN của Việt Nam trước những thách thức khó lường do lượng nước phân bổ không đều; sự tác động ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đe dọa nguồn nước ngọt của các sông và nước dưới đất; sự ô nhiễm nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt ngày càng gia tăng; nguồn nước ngày càng phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sông quốc tế; hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai tác công trình thủy lợi kém hiệu quả; năng lực quản lý an toàn hồ, đập… chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.
Qua đó, Hội thảo đã đề xuất với Chính phủ nhiều kịch bản khả thi để tiến tới hoàn thiện Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, trình Quốc hội thông qua. Các báo cáo tại Hội thảo đều cho rằng, cần phải xác định rõ mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể có tính khả thi đến năm 2030, nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; giảm phụ thuộc vào các nguồn nước từ bên ngoài lãnh thổ. Trong đó, 100% dân cư thành thị, 65% dân số nông thôn, 100% các đảo có đông dân cư được cấp nước sạch đạt quy chuẩn; 30% diện tích cây trồng được thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và tưới tiết kiệm nước; 50% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Đến năm 2045, hoàn thành xây dựng các công trình lớn điều tiết mặn, ngọt, dâng nước, trữ nước trên các hệ thống sông, hoàn thành xây dựng các hồ chứa nước lớn. Hình thành mạng lưới liên kết, chuyển nước vùng, quốc gia; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; 70% diện tích cây trồng được thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và tưới tiết kiệm nước; cơ bản 100% các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt được xử lý, phục hồi; 100% các cơ sở khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi cả nước được kiểm soát, áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước.
Bên cạnh đó, PHAD còn tham gia tổ chức các hội thảo như “Chung tay bảo đảm CNAT khu vực nông thôn”; “nâng cao ý thức người dân sử dụng tiết kiệm nước”;… Cuộc thi Tìm kiếm sáng kiến về nước đã nhận được nhiều giải pháp liên quan đến các vấn đề ANNN, trong đó có 4 sáng kiến đạt chất lượng cao đã được phía nhà tài trợ thông qua.
Và ý nghĩa thiết thực của Dự án
Từ các hoạt động thực tiễn cho thấy, Dự án PHAD đang thực hiện là một loại hình hoạt động khoa học phù hợp với xu thế phát triển trong điều kiện mới, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước và ANNN, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường, phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng đang ngày càng trở nên trầm trọng.
Kết quả của Dự án không chỉ góp phần giải quyết cục bộ những vấn đề bức thiết về nước sạch, NUHĐ hay VSMT cho cuộc sống cộng đồng mà còn góp phần quan trọng trong đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và năng lực của người dân về vai trò và tầm quan trọng của nước, nước sạch và cách ứng xử với nó trong cuộc sống hàng ngày. Thông qua các hoạt động của Dự án, các tổ chức địa phương và cộng đồng người dân đều thấy rõ trách nhiệm, phải tự giác tham gia các hoạt động bảo vệ nguồn nước, tăng cường chất lượng và bảo đảm ANNN mà không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, tổ chức hay dự án như trước đây. Ở những nơi tham gia Dự án do PHAD tổ chức thực hiện, đại đa số người dân đều hiểu rõ tầm quan trọng của nước đối với sức khỏe và vấn đề ANNN trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có ý thức trách nhiệm tham gia các sáng kiến, giải pháp cũng như đóng góp nguồn nhân lực, vật lực đối với Dự án.
Hiện nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cùng với hàng loạt những khó khăn vẫn đặt ra trong thực tế, như còn khá lớn những vùng nghèo chưa được tiếp cận nước đạt tiêu chuẩn; cơ chế chính sách còn nhiều điểm chưa phù hợp so với thực tiễn; các mô hình quản lý hệ thống cấp nước chưa thực sự phù hợp đã và đang tác động tiêu cực đến tính bền vững của nhiều dự án, tạo thành nếp quen khi triển khai Dự án, ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả bền vững của Dự án. Mặc dù đã vượt qua một số rào cản về tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm, nhưng với những bất cập từ chủ trương, chính sách thì khó khăn vẫn còn hiện hữu. Hiện nay, trên thực tế, những giải pháp cấp nước giá thành hạ chưa được khuyến khích áp dụng, nhất là đối với đối tượng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc; hướng dẫn xây dựng CNAT, bao gồm cả việc trữ nước và xử lý nước quy mô hộ gia đình còn chưa được quan tâm đúng mức; việc tham gia đóng góp ngân sách còn rất hạn chế; cơ chế quản lý, giám sát, đánh giá đối với các mô hình cấp nước quy mô nhỏ và siêu nhỏ vẫn còn thiếu; việc xác định nhu cầu địa phương xây dựng đề xuất không cùng niên khóa tài chính với nhà tài trợ,… là những khó khăn, thách thức đối với Dự án.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, PHAD đã chỉ đạo Ban Chủ nhiệm Dự án tiếp tục tăng cường các sáng kiến địa phương nhằm đạt được sự đồng thuận từ phía cơ quan tài trợ (USAID) và chính quyền sở tại nơi tham gia Dự án. Một số nội dung của Dự án được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn trong hoàn cảnh dịch bệnh gia tăng và được triển khai linh hoạt tùy theo hoàn cảnh bằng các hình thức trực tuyến thông qua kết nối Internet và các cơ quan truyền thông; các hoạt động địa bàn được kết nối thông qua các tổ chức, chuyên gia tại chỗ… Với những kết quả đạt được và hướng đi đúng đắn cùng với sự nỗ lực vì sự phát triển cộng đồng của các bên tham gia, chắc chắn PHAD sẽ đưa Dự án về “đích” cùng với những điều mong đợi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới
Chủ tịch FPT: Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi trong lĩnh vực khoa học công nghệ
Đầu tư công nghệ cao để Việt Nam 'cất cánh'
Nghị quyết 57 tạo cú hích cho đầu tư nghiên cứu và phát triển
Ứng dụng công nghệ trong phòng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử