Khoa học - Công nghệ

Chuyên gia miễn dịch học chia sẻ về test diện rộng, cách ly và áp dụng 3G để “sống chung với COVID” tại Đức

DNVN - Trong cuộc phỏng vấn riêng với DNVN, chuyên gia Lê Đức Dũng – Tiến sĩ miễn dịch học Bệnh viện Đại học Würzburg, bang Bayern, CHLB Đức chia sẻ quan điểm về hiệu quả của xét nghiệm diện rộng, cách ly tập trung, và quy định 3G (đã tiêm, đã bị nhiễm và khỏi, đã test) mà Chính phủ Đức áp dụng kể từ 23/8 để "sống chung với COVID".

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Đức và châu Âu tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 khác Việt Nam như thế nào? / Thừa Thiên Huế: Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung là thiết chế về KH&CN gắn với văn hóa, du lịch

Xét nghiệm diện rộng chỉ có ý nghĩa với những quốc gia có dân số nhỏ hoặc tiềm lực mạnh

Mới đây Hà Nội và 1 số tỉnh ở Việt Nam đã thực hiện xét nghiệm cho 100% dân (từ 1 tuổi trở lên) với mục tiêu bóc F0 ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh mục tiêu bóc F0 ra khỏi cộng đồng, trong đó có người cho rằng việc xét nghiệm toàn thành phố là không cần thiết và kém hiệu quả do: Tốn tiền, tổn hao nguồn nhân lực y tế, nguy cơ lây nhiễm chéo cao khi lấy mẫu… Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm ở Đức và châu Âu về lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để tìm người nhiễm Sars-CoV-2 trong lúc dịch bệnh bùng phát mạnh?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Như chúng ta đã biết là rất nhiều người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ, nhưng họ vẫn mang virus và có thể lây nhiễm cho người khác, do vậy việc test diện rộng để phát hiện người nhiễm Corona từ đó có thể ngăn chặn sự lây lan là một chiến lược có ý nghĩa. Tuy nhiên nó chỉ phù hợp với các quốc gia có dân số nhỏ hoặc những nước có tiềm lực mạnh, họ xét nghiệm trong một khu vực nhất định và phải thực hiện xong toàn bộ trong thời gian rất ngắn, khoảng trong vòng 7 ngày.

Ở châu Âu, chỉ một số nước có lượng dân số ít như Luxemburg (khoảng 600.000n dân), Áo (khoảng 8,8 triệu dân), Slovakia (khoảng 5,5 triệu dân) trong năm 2020 ở gian đoạn đầu đã từng xét nghiệm diện rộng. Còn các nước lớn hơn như Đức, Pháp, Ý thì người ta đã không xét nghiệm diện rộng. Các nhà khoa học tại Đức cho rằng test diện rộng không mang nhiều lợi ích trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus khi dân số quá lớn. Bên cạnh đó là nguồn lực không thể đáp ứng được cho việc làm test diện rộng trong thời gian ngắn để mang lại hiệu quả, thêm vào đó cũng rất tốn kém.

Tính đến thời điểm này tỉ lệ lây nhiễm trên tổng dân số của Luxemburg là khoảng 12,5 %, của Slovakia là khoảng 7,3%, của Áo là khoảng 8,1%, trong khi đó của Đức là khoảng 4,9%, của Pháp là 10,3%, của Italia là 7,7%. Thực tế chúng ta thấy tỉ lệ lây nhiễm của các nước làm test diện rộng cũng không tốt hơn các nước khác. Đức có dân số gần bằng nước ta, tổng tỉ lệ lây nhiễm hiện 4,9% dân số, tỉ lệ tử vong của người bị nhiễm là khoảng 2,2%. Ngay từ đầu các chuyên gia đã khuyên Chính phủ Đức không thực hiện test diện rộng, thay vào đó chỉ test những người có triệu chứng hoặc có tiếp xúc với người nhiễm, khi những người đó dương tính thì phải tự cách ly ở nhà để chặn lây nhiễm tiếp từ những người này.

Từ trước đến nay người dân Đức được test COVID-19 miễn phí, tuy nhiên nhà nước Đức đã bãi bỏ chính sách đó, do vậy kể từ ngày 11/10/2021 này ai muốn test thì phải tự trả tiền, chỉ có một số trường hợp ngoại lệ được miễn phí.

Theo quan điểm của ông, trong giai đoạn hiện nay các tỉnh, thành của Việt Nam có nên triển khai test diện rộng trong cộng đồng hay không? Và nếu có nên triển khai theo nguyên tắc nào?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Như tôi đã nói trên, test diện rộng cực kỳ tốn kém, nó chỉ có ý nghĩa làm giảm sự lây nhiễm trong một số trường hợp nhất định như nước/khu vực có dân số thấp, ở trong giai đoạn lây nhiễm rất ít thường ở giai đoạn đầu, và quan trọng là phải thực hiện trong một thời gian rất ngắn (khoảng trong vòng 1 tuần) cho toàn thể dân chúng, còn nếu kéo dài thì nó không có tác dụng giảm lây lan.

Nếu địa phương nào đã lây nhiễm nhiều như TP Hồ Chí Minh thì tôi nghĩ test diện rộng không còn mang nhiều ý nghĩa, chỉ gây tốn kém lãng phí. Thay vào đó chỉ nên tập trung test cho những người có triệu chứng và những người nghi ngờ hoặc có nguy cơ lây nhiễm để cách ly tránh gây lây lan thêm. Kinh nghiệm từ TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra là việc xét nghiệm diện rộng không mang lại hiệu quả và rất tốn kém, gây quá tải cho hệ thống y tế, phân tán nguồn lực từ đó giảm sự cứu chữa cho các bệnh nhân nặng.

Còn các địa phương hiện đang có ít người nhiễm vẫn muốn thực hiện test diện rộng thì nên cân nhắc các yếu tố như dân số, khả năng kiểm soát di chuyển, năng lực xét nghiệm trong thời gian ngắn, ngân sách để đưa quyết định của mình. Để giảm chi phí thì các địa phương nên làm mẫu gộp, ví dụ như gộp tất cả các mẫu một đơn vị xóm/làng thành một mẫu chung để làm xét nghiệm PCR. Nếu phát hiện xóm/làng nào dương tính thì cách ly xóm đó, sau đó làm xét nghiệm mẫu từng người trong xóm đó để phát hiện ai dương tính và chỉ cách khi những người dương tính.

Tiến sĩ dịch tễ học Lê Đức Dũng.

Tiến sĩ miễn dịch học Lê Đức Dũng.

Không cần cách ly tập trung F1 và F0 không có triệu chứng

Có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên dừng thực hiện chính sách cách ly tập trung F1, F0, cũng như không cần đóng cửa bệnh viện khi có ca F0, ông có quan điểm thế nào ý kiến này?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Mọi chính sách nên cân nhắc các diễn biến thực tế về lây nhiễm, số người nhiễm và khả năng của hệ thống y tế cũng như khả năng tài chính. Một khi số lượng lây nhiễm cao thì việc cách ly tập trung sẽ đòi hỏi một nguồn tài chính và cơ sở hạ tầng lớn, người dân sống trong các nơi tập trung chắc chắn cũng rất khó khăn vì điều kiện sinh hoạt hạn chế. Các địa phương cũng bị chi phối nguồn lực, mất tập trung chăm lo cho những bệnh nhân có triệu chứng có thể gây tăng nguy cơ tử vong.

Tôi cho rằng, khi số lượng người nhiễm COVID-19 cao thì Việt Nam không cần cách ly tập trung F1 và F0 không có triệu chứng, những người này nên tự cách ly tại nhà. Các địa phương tập trung nguồn lực theo dõi những người nhiễm đang cách ly tại nhà, cung cấp thông tin, hướng dẫn cho họ cũng như cung cấp thuốc men và sẵn sàng đưa họ vào bệnh viện khi họ có triệu chứng nặng.

 

Bên cạnh các bệnh nhân COVID-19 chúng ta còn có hàng triệu bệnh nhân mắc các bệnh khác, những bệnh nhân này chắc chắn cùng cần phải được chăm sóc y tế trong thời gian này, nhất là các bệnh nhân mắc bệnh nguy hiểm, do vậy việc đóng cửa bệnh viện là không cần thiết. Thay vào đó bệnh viện nên cách ly khu vực có bệnh nhân F0 và test tất cả bệnh nhân vào nằm viện.

Quy định 3G của Đức là gì?

Hiện Việt Nam đang chuyển hướng từ mục tiêu “không COVID” sang “sống chung với COVID”, ông có thể chia sẻ hiện nay châu Âu đang thực hiện “sống chung với COVID” bằng những chính sách như thế nào?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Thuật ngữ “không COVID” dường như chỉ xuất hiện tại Việt Nam và châu Úc, còn tại châu Âu ngay từ đầu các nhà khoa học đã xác định là không thể có “không COVID”, do đặc điểm lây nhiễm rất nhanh của COVID-19. Do đó từ đầu năm 2020 các nước châu Âu đã xây dựng chiến lược nhằm làm chậm sự lây lan của virus để hệ thống y tế không quá tải, và khi đã có vaccine thì các nước đã đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho người dân. Từ những làn sóng nhiễm đầu tiên nhiều nước châu Âu đã thực hiện giãn cách xã hội bằng cách cấm tổ chức các sự kiện đông người, cấm tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang khi đi phương tiện công cộng và vào cửa hàng/siêu thị. Nhà máy, văn phòng vẫn được mở nhưng phân ca để giảm số lượng người trong một không gian nhất định.

Tại Đức, các quy định được điều chỉnh liên tục dựa vào tỉ lệ lây nhiễm trên 100.000 dân trong 7 ngày trên các địa phương. Các quy định này cũng được thay đổi theo thời gian cho phù hợp. Ví dụ có những thời điểm khi tỉ lệ lây nhiễm trong 7 ngày là 165 trở lên thì trường học đóng cửa. Nếu tỉ lệ lây nhiễm trong 7 ngày là 100 thì mọi người chỉ được gặp gỡ tối đa với một gia đình khác, cấm ra đường từ 22h đến 5h sáng, trừ những người được phép, đi trên phương tiện công cộng phải đeo khẩu trang FFP2. Nhà hát rạp chiếu phim, phòng thể dục phải đóng cửa, còn lại các của hàng siêu thị, ngân hàng vẫn được mở cửa nhưng khách hàng phải dùng khẩu trang FFP2, hạn chế số lượng khác hàng trong cùng một thời điểm (dựa vào diện tích sàn).

 

Hiện nay do số lượng người được tiêm vaccine đã khá cao (trên 60%) nên Đức đã thực hiện nới lỏng khá nhiều. Trường học dự kiến sẽ không đóng cửa cho dù tỉ lệ nhiễm có tăng, tất cả các cửa hàng, nơi phục vụ vui chơi giải trí, các sự kiện đều được mở cửa và tổ chức bình thường. Tuy nhiên phải thực hiện quy định 3G kể từ 23/8 năm nay (3G trong tiếng Đức là geimpft - genesen - getestet, nghĩa là đã tiêm, đã bị nhiễm và khỏi, đã test). Những người đã tiêm phòng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh, hoặc đã test âm tính thì được tham gia, đi vào những nơi đông người, tuy nhiên vẫn phải đeo khẩu trang.

Một số nước tại châu Âu như Đan Mạch đã bỏ hoàn toàn các quy định hạn chế do COVID-19.

Tính đến sáng 20/9, Việt Nam đã tiêm phòng COVID-19 được 34,6 triệu mũi (trong đó có khoảng gần 7 triệu người đã tiêm mũi 2), theo quan điểm của ông, với con số này các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương có nên nới lỏng giãn cách xã hội để “sống chung với COVID” hay chưa?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Với con số này thì tỉ lệ người được tiêm phòng đầy đủ của Việt Nam còn khá thấp, tuy nhiên tỉ lệ lây nhiễm trong các địa phương là rất khác nhau. Những địa phương có tỉ lệ thấp nên nới lỏng các biện pháp, tại các địa phương như TP Hồ Chí Minh hay Bình Dương cũng nên xem xét nới lỏng cục bộ ở các khu vực nhiễm thấp và đặc biệt cho những người đã khỏi bệnh, đã tiêm phòng đầy đủ.

Giãn cách xã hội là phương pháp tốt để giảm sự lây nhiễm, tuy nhiên chúng ta nên có nhiều bậc giãn cách khác nhau, từ thấp đến cao để điều chỉnh liên tục dựa vào tình hình thực tế và cho từng khu vực khác nhau. Chúng ta nên rút kinh nghiệm từ TP Hồ Chí Minh, địa phương này đã thực hiện lockdown một cách nghiêm ngặt nhất nhưng thực tế tỉ lệ lây nhiễm rất cao và tỉ lệ tử vong cũng cao. Lockdown nghiêm ngặt như vậy trong một thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, kinh tế của địa phương và cả nước mà hiệu quả mang lại cũng không cao.

 

Trong năm 2020 và đầu năm 2021, Đức cũng đã từng thực hiện các đợt lockdown, tuy nhiên lockdown ở đây là chỉ hạn chế tụ tập, đóng cửa các khu vực, cửa hàng vui chơi giải trí, nơi bán các mặt hàng không thiết yếu, không tổ chức các sự kiện, cấm đi ra ngoài từ 20 hoặc 22h đêm đến 5h sáng, hoặc nặng hơn nữa là không được đi quá nơi ở trong bán kính 15km. Còn các hoạt động thiết yếu hàng ngày như đi làm, đi chợ, đi khám sức khoẻ vẫn được diễn ra và chỉ cần thực hiện đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.

Với kết quả từ trong nước, kinh nghiệm từ các nước khác, tôi cho rằng Việt Nam cần điều chỉnh chính sách giãn cách xã hội, thay vì tập trung nguồn lực cho lockdown nghiêm ngặt khu vực rộng lớn, thì nên tập trung nguồn lực hỗ trợ và điều trị những người bị nhiễm và phải nhập viện, đóng cửa và hạn chế các sự kiện, nơi vui chơi giải trí, hạn chế tập trung đông người. Các cửa hàng và nơi làm việc phải thực hiện các biện pháp an toàn như 5K, phạt nặng các đơn vị không thực hiện nghiêm túc.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Quyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm