Có lời giải cho bài toán Nghị định 116, triển lãm như sân chơi riêng của xe nhập khẩu với đủ các mẫu mã, giá trải dài từ 345 triệu đồng đến hơn 17 tỷ đồng.
"Tôi mua vé đến triển lãm chủ yếu để xem chiếc Mitsubishi Xpander, vì đang tính đến việc mua mẫu xe này", anh Quang Tuấn, quận 12 nói. Anh suy tính rằng đây là thời điểm hợp lý để mua xe nhập, giá tốt và nhiều mẫu mã để lựa chọn.
Cách đó không xa, anh Văn Hà, ngụ ở huyện Nhà Bè đang tìm hiểu Ford Ranger Raptor. Anh đến triển lãm vào ngày thứ 2 sau khi biết giá bán chính thức qua các phương tiện truyền thông.
Triển lãm Ôtô Việt Nam là dịp các hãng xe tung sản phẩm mới, đón đầu các đơn hàng đặt trước và kích cầu mua bán những mẫu xe đã có sẵn trên thị trường.
VMS 2018 là lần đầu tiên sau 3 năm, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng Việt Nam (VIVA) quay trở lại làm triển lãm chung.
Sự kết hợp này thể hiện từ mức giá vé. Năm 2017, triển lãm của VAMA có giá vé 20.000 đồng, triển lãm của VIVA có giá vé 50.000 đồng. Còn năm nay, giá vé nằm ở giữa, 30.000 đồng.
Giá vé là một cách lọc người xem của Ban tổ chức, hạn chế những người xem không có nhu cầu xem hoặc mua xe thực sự, giúp không gian tại triển lãm "dễ thở" hơn so với việc mở cửa tham quan miễn phí.
Triển lãm thời "hậu 116"
Là triển lãm của cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước, nhưng "ngôi sao" tại triển lãm VMS 2018 lại toàn xe nhập khẩu - hệ quả sau nửa năm chật vật vượt qua Nghị định 116 tìm đường về Việt Nam.
Ở góc độ người tiêu dùng, nơi đáng xem nhất là gian hàng của Ford. Hãng xe Mỹ mang đến mẫu bán tải Ranger Raptor mà nhiều người mong đợi. Ford Ranger Raptor gặp tình huống trớ trêu khi đề giá trên màn hình thiếu mất 3 chữ số 0, chỉ còn 1,198 triệu đồng, ngang với xe đạp điện.
Tại Việt Nam, xe có giá chính thức là 1,198 tỷ đồng, không chênh lệch quá nhiều với thị trường gốc Thái Lan. Nhưng người xem chưa kịp mừng vì giá tốt, Ford Ranger Raptor đã được các đại lý rao bán với số tiền "bia kèm lạc" cộng thêm là 200 triệu đồng. Tính cả mức thuế phí như ôtô con, tổng số tiền để lái chiếc xe ra đường lên tới 1,6 tỷ đồng, đủ mua một chiếc xe sang như Mercedes-Benz hàng lướt.
Gian hàng đáng chú ý thứ 2 ở VMS là Honda. Sự xuất hiện của Brio hứa hẹn phân khúc hatchback hạng A sôi động hơn trong tương lai. Honda Brio mang kiểu dáng đẹp dẫn đầu phân khúc, chỉ kém một số trang bị, tính năng nếu so với Hyundai Grand i10 đến từ Hàn Quốc. Xe trưng bày tại Việt Nam vẫn có tay lái nghịch do nhập từ Indonesia. Dự kiến phiên bản thương mại có mặt trên thị trường từ tháng 9/2019.
Nissan Việt Nam đến triển lãm với mẫu xe hoàn toàn mới Terra, giá bán đồn đoán từ 986 triệu đồng. Hãng xe Infiniti - thương hiệu con của Nissan - tiếp tục không xuất hiện. Đây cũng là điều khá đáng tiếc cho những người quan tâm đến xe sang.
Toyota là hãng biết chọn thời điểm ra mắt khi 3 mẫu xe "hot" Avanza, Wigo và Rush đều đã được giới thiệu trước triển lãm. Toyota cũng là hãng duy nhất mang xe concept - mẫu i-Road - tới, nhưng thông điệp không rõ ràng như công nghệ hybrid những năm trước. Có thể, i-Road chỉ xuất hiện "cho vui".
Mitsubishi không có sản phẩm mới, nhưng lượng người đổ về vẫn đông không kém nhờ Xpander. Mẫu xe hợp túi tiền với nhiều người. Sản phẩm đáng chú ý của Subaru tại VMS 2018 là Forester 2018 nhưng không có nhiều người để tâm. Giá cao vẫn là vấn đề cốt yếu cho sự mờ nhạt của hãng xe được mệnh danh "Porsche châu Á" tại Việt Nam.
Khác với năm ngoái, Chevrolet chỉ còn trưng bày Colorado và Trailblazer, 2 mẫu xe nhập khẩu duy nhất tiếp tục được phân phối. Những mẫu xe khác của Chevrolet sẽ bị khai tử ở Việt Nam, nhường sân cho VinFast.
Ở nhóm xe sang, Audi tỏ ra nổi bật khi mang tới Q8 và A7 Sportback đời 2019 với nhiều cải tiến đáng kể. Hãng xe Đức có thông lệ mang xe tạm nhập tái xuất đến triển lãm nhằm nhận đơn đặt hàng trước. Giá của Q8 là 4,5 tỷ đồng còn A7 Sportback có giá 3,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, "ngôi sao" của gian hàng Lexus được đổ dồn vào ES 2019 và RX350L. Volvo không có sản phẩm nào hoàn toàn mới, mẫu xe đáng xem nhất là phiên bản cao cấp XC90 Excellence trang bị nội thất xa hoa và tổng thể khác biệt.
Mercedes-Benz nằm ở trung tâm triển lãm với diện tích lớn nhất (gần 1.000 mét vuông) và số lượng xe lớn nhất (21 chiếc). Nhưng "ngôi sao ba cánh" không có sản phẩm mới nào thực sự nổi bật, dù xuất hiện S450 4Matic Coupe.
Mercedes-Benz những năm gần đây trở nên thực dụng hơn rất nhiều. Bài phát biểu của ông Choi Duk Jun cũng nhấn mạnh về chuyện hỗ trợ tài chính và mức trả góp hấp dẫn khi mua xe thay cho những lời giới thiệu hoa mỹ.
Ban đầu, Mercedes-Benz dự định đặt gian hàng xe cũ ở bên ngoài như những năm trước. Nhưng việc Lamborghini, Aston Martin và Bentley rút lui nên hãng xe Đức mua thêm để trưng bày gian hàng xe cũ ngay trong triển lãm.
Vắng 3 thương hiệu thu hút ống kính, Maserati bỗng dưng trở thành thương hiệu hào nhoáng nhất VMS 2018. Đây cũng là gian hàng có mẫu xe đắt nhất - GranCabrio Sport 2018 giá hơn 17 tỷ đồng.
Dù giá bán trải dài từ 345 triệu đồng đến 17 tỷ đồng, nhưng những mẫu xe mới tại triển lãm VMS 2018 đa số là nhập khẩu. Còn số xe lắp ráp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chỉ có Toyota Innova bổ sung một số tính năng an toàn và Nissan Sunny thêm bản nâng cấp.
Doanh số lớn khiến những mẫu xe lắp ráp như Honda City, Toyota Vios hay Toyota chẳng lạ với khách tham quan, bởi chúng có thể dễ dàng bắt gặp trên đường phố.
Thiếu vắng Trường Hải và Hyundai Thành Công, triển lãm VMS vẫn chưa thể trọn vẹn. Hiện 2 ông lớn trong ngành lắp ráp chiếm gần 50% thị phần thị trường ôtô Việt Nam. Hơn nữa, Thaco không góp mặt cũng khiến 2 thương hiệu hạng sang BMW và Mini biến mất khỏi VMS.
Một mong chờ khác của nhiều người Việt là VinFast. Hai mẫu xe Lux A2.0 và Lux SA2.0 chưa thể về Việt Nam sau màn ra mắt tại triển lãm Paris Motor Show. Không ít người đặt dấu hỏi vì sao VinFast không xuất hiện tại VMS 2018.
Xe chủ lực không có tiền lệ ra mắt ở đây
Các hãng xe thường tránh ra mắt sản phẩm chủ lực tại Triển lãm Ôtô Việt Nam. VMS 2018 có khoảng 20 mẫu xe nâng cấp, phiên bản đặc biệt hoặc hoàn toàn mới.
Nhưng những mẫu xe có kế hoạch phân phối và giá bán rõ ràng thì thường không phải sản phẩm chủ lực. Còn những mẫu xe đáng quan tâm chỉ xuất hiện dưới dạng trưng bày.
Có thể ví dụ như Honda Brio hay Nissan Terra. Honda Brio còn chưa có phiên bản tay lái thuận, còn Nissan vẫn chưa công bố giá bán chính thức của Terra. Ford Ranger Raptor cũng là một mẫu xe "hot", nhưng khó có thể mang về doanh số nhiều như các phiên bản thấp cấp hơn.
Trước khi triển lãm diễn ra khoảng 1 tháng, Toyota Việt Nam đã ra mắt 3 sản phẩm "hot" là Wigo, Avanza và Rush. Trong khi đó Vios và Yaris giới thiệu hồi đầu tháng 8, chấp nhận việc tham gia VMS 2018 không có một sản phẩm mới nào đáng chú ý. Mitsubishi Xpander và Honda HR-V là 2 trường hợp tương tự.
Lý do cho điều này là vì các hãng không muốn bị lẫn trong "rừng" thông tin của triển lãm. Dòng xe chủ lực thường được tổ chức trong một sự kiện riêng biệt nhằm thu hút sự chú ý của báo chí.
Nhiều người đến triển lãm để mua xe
Ở 2 triển lãm năm ngoái, ban tổ chức không công bố doanh số bán xe, thì năm nay, số lượng đơn đặt hàng được ký kết đã lên tới con số 880 xe chỉ trong 5 ngày. Cho thấy lượng người đến với triển lãm năm nay có nhu cầu mua xe lớn hơn do thuế phí đã ổn định.
Anh Quang Tuấn cho biết, bản thân anh cũng là một trong những người chờ thuế nhập khẩu giảm về 0% trong năm 2017. "Năm ngoái chưa cần đến ôtô nên sẵn sàng chờ, còn năm nay giá đã ổn định nên tính đặt cọc Mitsubishi Xpander", anh nói.
Cảnh mua bán tại triển lãm VMS 2018 cũng vì thế mà nhộn nhịp. Nhân viên tư vấn bán hàng chia nhau túc trực tại gian hàng. Hễ có khách hàng tiềm năng tiến lại gần là đến hỏi thăm, giới thiệu xe.
Thực tế, việc tham gia triển lãm như một cách để kích cầu mua bán không lạ với các thị trường đang phát triển. Triển lãm lớn nhất khu vực Đông Nam Á - Bangkok Motor Show cũng nhộn nhịp mua bán với dàn sales dày đặc của từng hãng. Mỗi sales đứng cạnh một xe để tư vấn, chào mời như ở Việt Nam. Thậm chí, khu vực bàn ghế để trao đổi, tư vấn khách hàng còn lớn hơn rất nhiều so với Vietnam Motor Show.
Năm nay, cách tổ chức VMS đã bài bản hơn rất nhiều. Triển lãm không còn tiếng âm thanh ồn ào, mạnh ai người ấy mở. Âm thanh lớn chỉ được phát ra khi gian hàng đó đến lượt trình diễn.
Cách sắp xếp đường đi cũng có ý đồ "cứu thua" cho gian hàng phụ trợ. Triển lãm có 3 cửa vào và 1 cửa ra. Cửa ra nối liền với gian hàng phụ trợ, bất cứ khách tham quan nào muốn ra về phải đi qua gian hàng này, nơi vốn đìu hiu chẳng có mấy ai để ý ở những năm trước.
Trung tâm Hội nghị và Triển lãm SECC đang quá tải. Trong bối cảnh các hãng xe đang "ăn nên làm ra" tại Việt Nam, họ cần một sân chơi lớn hơn. Dạo quanh VMS 2018 dễ bắt gặp cảnh chồng chéo logo của các hãng khác nhau, lối đi của khách tham quan chật hẹp.
Lúc đầu, triển lãm được tổ chức so le, một năm ở Hà Nội và một năm ở TP.HCM. Nhưng vì Trung tâm triển lãm Giảng Võ quá nhỏ, nên SECC trở thành nơi cố định tổ chức triển lãm thường niên, và chưa có sự lựa chọn nào khác.
Nếu như những điểm thiếu sót của năm trước đã được cải thiện rất nhiều ở VMS 2018, thì năm nay nảy sinh tình trạng xuất hiện đinh tại bãi gửi xe, rất nhiều ôtô đến triển lãm bị thủng lốp và phải dùng đến lốp dự phòng.
Đại diện ban tổ chức VMS 2018 cho biết đã phát hiện tình trạng này từ ngày đầu tiên đón khách, có thể do công nhân không dọn dẹp kỹ lưỡng công trình. Sau đó, ban tổ chức đã cử người dọn dẹp bằng chổi và máy hút đinh.
Nhận xét ngắn gọn về VMS 2018, anh Nguyễn Văn Hân, cây viết lâu năm về xe ở Việt Nam cho rằng triển lãm chưa thể hiện hết tầm vóc mà nó cần có. "Quá ít những gì mang tính tương tác hiện đại như VR, AR, vẫn thiên về trình diễn như cách truyền thống", anh nói. Tuy nhiên, theo anh Hân, việc hàng loạt xe nhập vượt ải nghị định 116 để kịp tham dự triển lãm đã khiến cho sự kiện này đa dạng, nhiều lựa chọn hơn.
Theo news.zing.vn
880 đơn hàng được ký trong 5 ngày diễn ra triển lãm.