Vụ phóng thành công tên lửa MicroDragon: Việt Nam tiến tới tự phát triển vệ tinh của riêng mình
Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói, khi Việt Nam phối hợp với các nước hàng đầu thế giới về công nghệ vũ trụ, chúng ta từng bước làm chủ, học hỏi, tiến tới tự phát triển vệ tinh.
Phương pháp mới biến tế bào ung thư vú thành mỡ / Hàng không ưu tiên phục vụ trẻ em và người già trên 60 tuổi dịp Tết
Vào lúc 8h55 ngày 18/1, giờ Hà Nội, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã tách thành công khỏi tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian. Trong lần phóng này, cùng với MicroDragon, có 6 vệ tinh khác của Nhật Bản và các vệ tinh này cũng đã tách thành công khỏi tên lửa đẩy.
"Sự kiện phóng vệ tinh nằm trong khung khổ Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Việt Nam đã gửi cán bộ sang Nhật Bản học tập, nghiên cứu, thiết kế. Đây là sự kiện rất đáng khích lệ. Về sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, đây là nhiệm kỳ thứ hai trong chương trình khoa học công nghệ của Chính phủ, trong chương trình này đã nghiên cứu nhiều đề tài khác nhau, lĩnh vực khác nhau trong khoa học vũ trụ để hỗ trợ Việt Nam khởi động ngành công nghiệp vũ trụ", Đàm Bạch Dương – Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ trong buổi họp báo thường kỳ quý IV/2019 ngày 18/1.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ về sự kiện phóng vệ tinh MicroDragon của Việt Nam tại Nhật Bản.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết thêm: "Chương trình phát triển vũ trụ này là chương trình khoa học công nghệ từ đầu tư, xây dựng cơ sở để nghiên cứu phát triển công nghệ vũ trụ đến đào tạo chuyên gia, kỹ sư trong đó có vụ phóng vệ tinh. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì chương trình này, để thực hiện chiến lược phát triển khoa học vũ trụ giai đoạn 2011-2020. Nội dung triển khai này góp phần đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển về vũ trụ, về viễn thám cho Việt Nam. Sự kiện phóng thành công tên lửa mang theo vệ tinh này cho thấy, khi Việt Nam phối hợp với các quốc gia hàng đầu trên thế giới về công nghệ vũ trụ thì chúng ta đang từng bước làm chủ, học hỏi và tiến tới là tự phát triển vệ tinh của riêng mình".
Trước đó, tên lửa Epsilon số 4 được điểm hỏa và phóng lên quỹ đạo vào lúc 7h50 cùng ngày, sau khoảng 52 phút, tên lửa bắt đầu thả các vệ tinh mang theo vào quỹ đạo. Vệ tinh MicroDragon là vệ tinh thứ 3 được thả vào không gian sau khi rời khỏi mặt đất 1 tiếng 5 phút. Vệ tinh cuối cùng được thả ra là vệ tinh NEXUS sau 1 tiếng 10 phút.
Vệ tinh MicroDragon là sản phẩm nằm trong Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, bộ phận của Dự án "Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất" do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thực hiện (viết tắt là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam). Dự án sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, điều phối bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ "Đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm một vệ tinh micro (khối lượng khoảng 50kg) tại một số trường đại học của Nhật Bản".
Vệ tinh MicroDragon được thiết kế, chế tạo bởi 36 học viên, là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo học tại 5 trường Đại học hàng đầu Nhật Bản, dưới sự đào tạo và hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia trong trường từ năm 2013-2017.
Dự kiến, sau khi phóng khoảng 1-2 ngày, vệ tinh MicroDragon sẽ thu nhận được những tín hiệu đầu tiên. Sau khi hoạt động thử nghiệm trên quỹ đạo trong khoảng từ 1-3 tháng, vệ tinh có thể vận hành ổn định theo đúng thiết kế. Hiện nay, vệ tinh đang được phối hợp điều khiển bằng hệ thống trạm mặt đất của Đại học Tokyo, ISAS/JAXA và Đại học Tokyo Denki, tại Nhật Bản.
Vệ tinh MicroDragon có nhiệm vụ chụp ảnh vùng biển ven bờ của Việt Nam, các ảnh vệ tinh thu được giúp các nhà khoa học phân tích chất lượng nước, phục vụ ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam.
Ảnh vệ tinh Micro Dragon là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng Micro trên thế giới nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, ảnh vệ tinh Micro Dragon có thể dùng để phối hợp dữ liệu với các dữ liệu viễn thám sẵn có để tìm kiếm các ứng dụng mới, tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ nhằm xác nhận khả năng ứng dụng của dòng vệ tinh Micro.
Theo VTV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cách xác thực tài khoản Facebook để tránh bị khóa 2025
Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Nga lên kế hoạch thực hiện 15 vụ phóng tên lửa Angara từ năm 2027 đến 2033
Nhìn lại thế giới 2024: Bản giao hưởng vang khắp không gian
Đẩy mạnh phát triển trí tuệ nhân tạo để phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
Cột tin quảng cáo