Xã hội

Công trường thi công dự án xây dựng đường sắt Hà Nội: “Án tử” treo trên đầu người dân

Khi được hỏi cảm giác đi qua các công trường thi công ở các dự án xây dựng đường sắt trên địa bàn Hà Nội, nhiều người dân đều có chung nỗi bức xúc vì họ cho rằng bản thân đang bất chấp tính mạng và không biết nhận “án tử” lúc nào khi hàng ngày đối mặt với những đoạn đường “tử thần”.

6 tháng 3 vụ tại nạn...

Vụ đầu tiên xảy ra vào khoảng 10 giờ sáng 6/11/2014, tại đường Nguyễn Trãi (đối diện Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam), một chiếc máy cẩu đang cẩu một thanh thép lớn thì bất ngờ bị đứt cáp và rơi xuống đường, khiến một người chết tại chỗ, nhiều người khác bị thương phải đi cấp cứu. Lúc này, đang có rất nhiều phương tiện giao thông đi qua. 
Chỉ hơn 1 tháng sau, vụ tai nạn thứ 2 lại xảy đến. Cụ thể, vào khoảng 4 giờ sáng ngày 28/12/2014, trong lúc đang tiến hành đổ bê tông xà mũ trụ H7, toàn bộ hệ thống giàn giáo, dầm sắt và bê tông xà mũ H7 đã bị đổ sập xuống ở tuyến đường Trần Phú, Hà Đông.
Rất may, tai nạn xảy ra vào sáng sớm nên đã không gây thương vong lớn về người. Thời điểm xảy ra sự cố, chiếc taxi của một hãng xe ở Hà Đông đi qua khu vực này. Xe taxi đã dừng đột ngột khi một số thanh thép lớn rơi xuống lòng đường. Công nhân cùng người dân đã chạy lại, giúp tài xế và hàng khách trong xe thoát ra ngoài an toàn trước khi cả khối thép lớn phía trên sập xuống.
Vụ tai nạn rơi thanh sắt dài 9m diễn ra chiều tối ngày 10/5 vừa qua.
Mới đây nhất, vào chiều tối 10/5/2015, tại công trường thi công ga số 4 tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội (trước cửa nhà số 256 Hồ Tùng Mậu) một thanh sắt dài 9 mét, rộng 33cm, nặng 630kg đã rơi xuống đường, nhiều người tham gia giao thông thoát nạn trong gang tấc. Theo lý giải của ông Lê Huy Hoàng - Giám đốc Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, nguyên nhân xảy ra sự cố bước đầu được cho là do móc cẩu vào thanh sắt bị nứt nên khi cẩu lên xảy ra sự cố.
Nguy hiểm "rình rập"
Ngay khi người dân còn chưa quên 2 vụ tai nạn xảy ra tại công trình Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thì vụ thứ 3 tại công trường thi công ga số 4 tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội khiến nhiều người dân tỏ ra lo sợ và dấy lên nghi nghờ về chất lượng thi công của các dự án đường sắt.
Anh Nguyễn Trung Thành (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) cho biết: "Đọc báo thấy nhiều vụ tai nạn ở các dự án đường sắt tôi cảm thấy lo sợ cho tính mạng mỗi người dân khi đi qua các công trường thi công dự án. Ngày nào tôi cũng đi làm qua công trường thi công dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội đều có cảm giác sợ hãi, nhất là khi các công nhân điều khiển cần cẩu để nhấc vật gì đó lên".
Công trường thi công ga số 5 thuộc dự án xây dựng đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội.
Cùng chung với suy nghĩ của anh Thành, chị Huệ (sinh viên trường một trường đại học ở Hà Nội) cho hay: " Đoạn đường từ Hồ Tùng Mậu đến Cầu Giấy nơi công trường thi công dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội đều cảm thấy thiếu an toàn. Không phải vì thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tôi mới nghĩ như thế mà vì nhiều khi đi qua thấy nhiều công nhân làm việc rất ẩu, thậm chí là coi thường tính mạng mình và cả những người đi đường".
Thậm chí, anh Hòa (Cầu Giấy - Hà Nội) còn đặt ra dấu hỏi vì lo chậm tiến độ thi công nên có thể nhà thầu đã thúc ép công nhân qua đó khiến công nhân làm ẩu gây sự cố: "Được biết dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội lúc đầu dự kiến hoàn thành vào vào tháng 9/2017 nhưng sau đó lại lùi đến tháng 11/2018. Mỗi ngày đi làm qua nhìn vào công trường thi công có thể thấy cứ tiếp tục tiến độ như thế thì khó hoàn thành đúng kế hoạch. Có thể, nguyên nhân xảy ra tai nạn là do công nhân muốn đẩy nhanh tiến độ rồi làm ẩu bất chấp tính mạng của người đi đường".
Ở tuyến đường thi công Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nhiều người dân còn tỏ ra hoang mang hơn, thậm chí có người còn phải tránh đi đường vòng cho an toàn.
Anh Phan Trọng Hoàng (Hà Đông - Hà Nội) cho biết:" Tôi đi qua những đoạn đường này mà cứ nghĩ như đang đi trong con đường tử thần trong phim. Nhiều hôm trời nắng và nóng, khi đi qua đoạn Nguyễn Trãi - Hà Đông muốn chui qua giàn giáo đi cho mát nhưng lại sợ nó sập nên thôi cứ đi bên ngoài cho đảm bảo mạng sống".
Nhiều người lo sợ khi đi qua giàn giáo thi công dự án xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Thâm chí, có người còn không dám đi qua con đường này.
Bạn Quỳnh (Hà Đông - Hà Nội) thậm chí còn không dám đi qua các giàn giáo ở tuyến đường từ Trần Phú, Nguyễn Trãi. "Em là sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội, em đi học tất nhiên là phải qua đường này nhưng từ khi liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn em không dám đi qua đoạn đường đó nữa mà đi đường vòng. Nhiều khi đi học về, thấy công nhân dùng máy cẩu kéo những bó sắt cả trăm kg lên không trung hãi quá nên không dám đi qua".
Dù chọn giải pháp đi đường vòng và tìm một con đường khác dù xa hơn vài cây số để đến cơ quan, trường học... nhưng vì 2 tuyến đường trên lại là đường huyết mạch, cửa ngõ của Hà Nội nên lượng người ngày ngày đi dưới công trình đang thi công vẫn cực kỳ lớn. Và nếu tiếp tục có những sơ suất xảy ra ở công trình mà sự rào chắn rất sơ sài này thì người ta không thể tưởng tượng được hậu quả sẽ thế nào?
Dự án đường sắt đô thi Cát Linh  - Hà Đông đoạn Nguyễn Trãi nhìn từ trên cao.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội. Với tổng chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm, tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đi qua huyện Từ Liêm và các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.180 triệu Euro tương đương gần 33.000 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 9/2010 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành có thể phải lùi đến tháng 11/2018.
Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 8.770 tỷ đồng (tương đương gần 553 triệu USD). Tổng chiều dài của dự án là 13,08 km, đi qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông của TP Hà Nội. Dự án được Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý Dự án Đường sắt làm đại diện chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng vào năm 2015.
Hòa Hậu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo