Công ty cho thuê tài chính dần rơi rụng
Hai ngân hàng BIDV và ACB vừa lên kế hoạch chuyển đổi công ty cho thuê tài chính sang công ty tài chính. Nếu kế hoạch này thành công, thị trường chỉ còn 3 công ty cho thuê tài chính.
Thua lỗ và chuyển mô hình hoạt động
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2015 mới đây, BIDV đã chốt kế hoạch thành lập công ty tài chính tiêu dùng. Một trong những phương án mà HĐQT đưa ra là chuyển đổi hoạt động công ty cho thuê tài chính hiện có thành công ty tài chính tiêu dùng BIDV.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, dù là ngân hàng lớn, song thương hiệu BIDV cũng không giúp được Công ty Cho thuê tài chính BIDV (BLC) tránh khỏi nhiều năm thua lỗ. Lợi nhuận năm 2014 chưa được cập nhật, song năm 2012, BLC lỗ tới 219 tỷ đồng. Năm 2013, BLC lãi vỏn vẹn 27 tỷ đồng, thấp nhất trong số các công ty cho thuê tài chính đang hoạt động có lãi trên thị trường.
Tương tự, ACB cũng vừa trình cổ đông thông qua việc thành lập công ty tài chính với vốn điều lệ khoảng 500 tỷ đồng. Dự kiến, sau khi được cấp phép thành lập, ACB sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáp nhập ACB Leasing vào Công ty Tài chính ACB.
Hiện ACB Leasing vẫn làm ăn có lãi, song lợi nhuận hầu như không tăng (từ 71 tỷ đồng năm 2012, xuống còn 69 tỷ đồng năm 2013). Dự kiến, sau khi thành lập công ty tài chính ACB và sáp nhập ACB Leasing, lợi nhuận năm đầu của Công ty là 69,4 tỷ đồng.
Như vậy, trong khi các công ty tài chính tiêu dùng đang phất lên với “đặc quyền” cho vay tiêu dùng (tới đây, các ngân hàng cho vay tiêu dùng phải thông qua công ty tài chính), thì ở chiều ngược lại, các công ty cho thuê tài chính lại ngày càng teo tóp.
Theo số liệu của NHNN, cả nước có 11 công ty cho thuê tài chính, nhưng hiện chỉ có 5 công ty cho thuê tài chính còn hoạt động. Đó là công ty con của các ngân hàng: VietinBank, Vietcombank, BIDV, ACB và Sacombank.
Đa số các công ty cho thuê tài chính còn lại đều chung số phận: thua lỗ, hầu như phải ngừng hoạt động để tập trung thu hồi nợ xấu, hoặc âm thầm đóng cửa. Có thể kể tên một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng này, như Công ty Cho thuê tài chính Công nghiệp Tàu thủy Vinashin, ANZ - V/TRAC, Kexim…
Việc chuyển đổi hoặc đóng cửa các công ty cho thuê tài chính yếu kém là rất cần thiết. Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của công ty cho thuê tài chính chỉ ở mức 5,83%, trong khi tỷ lệ tối thiểu theo quy định đối với các tổ chức tín dụng là 13%. Con số công bố cách đây vài năm cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của công ty cho thuê tài chính lên tới 50%.
Công ty cho thuê tài chính thiếu đất sống
Nếu BIDV và ACB “xóa sổ” công ty cho thuê tài chính, thì trên thị trường chỉ còn 3 công ty cho thuê tài chính còn hoạt động hiệu quả (VCB Leasing, VietinBank Leasing và Sacombank Leasing). Hiện cả VCB, VietinBank và Sacombank đều chưa có ý định nhập hoặc chuyển đổi các công ty cho thuê tài chính trực thuộc, dù VietinBank và Sacombank đều đã công bố kế hoạch thành lập công ty tài chính.
Thực tế, 3 công ty cho thuê tài chính trên đang hoạt động khá tốt. Ông Phạm Ngọc Long, Tổng giám đốc VietinBank Leasing cho biết, năm 2014, tổng tài sản của Công ty đạt 1.421 tỷ đồng, dư nợ cho thuê 1.443 tỷ đồng, thu nợ ngoại bảng 21,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 83,5 tỷ đồng. Công ty tiếp tục là doanh nghiệp dẫn đầu về lợi nhuận trong khối các công ty cho thuê tài chính trong nước, nợ xấu chỉ chiếm 2,11%, nợ nhóm 2 giảm 25%. Năm 2015, VietinBank Leasing đặt mục tiêu lợi nhuận và tổng tín dụng tăng tối thiểu 15% so với năm 2014, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, hoạt động cho thuê tài chính rất phù hợp với điều kiện Việt Nam, do doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp. Bởi theo quy định, công ty cho thuê tài chính sẽ mua trang thiết bị, máy móc theo yêu cầu của doanh nghiệp và cho doanh nghiệp thuê lại mà không yêu cầu tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, hoạt động cho thuê tài chính ở nước ta tiềm ẩn rủi ro rất cao, vì hàng lang pháp lý còn lỏng lẻo. Chưa kể, huy động vốn cũng đang là bài toán khó với các công ty cho thuê tài chính hiện nay.
Đại diện Hiệp hội Cho thuê tài chính cho biết, khó khăn về cơ chế là nguyên nhân chính đẩy các công ty cho thuê tài chính đến chỗ phá sản.
Theo Báo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo