Pháp luật

Công ty CP Mía đường Lam Sơn bị dân tố "cướp" đường dân sinh?

(DNVN) - Doanh nghiệp Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của người dân thôn 1, xã Xuân Bái, Thọ Xuân, Thanh Hóa về việc công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn ngang nhiên "cướp" đường dân sinh mà cha ông họ qua nhiều thế hệ để lại.

Con đường dân sinh có hơn một trăm năm, từ thời cha ông để lại cho nhân dân thôn 1, xã Xuân Bái, Thọ Xuân, Thanh Hóa thế nhưng vừa qua con đường đã bị phía công ty CP mía đường Lam Sơn có địa chỉ tại Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đưa máy múc tới phá bỏ gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.

Nhà máy đường Lam Sơn.

Ngang nhiên “cướp” đường dân sinh?

Theo đơn kêu cứu của nhân dân thôn 1 gửi tới Doanh nghiệp Việt Nam trước việc làm của công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn. Đa số người dân nơi đây đều tỏ ra vô cùng bức xúc, ấm ức vì con đường mà bao thế hệ cha ông để lại nay bị doanh nghiệp chiếm đoạt.

Cụ thể, ngày 23-24/5/2015 công ty CP mía đường Lam Sơn đưa máy xúc vào phá con đường dân sinh của nhân dân. Được biết, con đường này đi từ xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân qua thôn 1, xã Xuân Bái (Thọ Xuân) ra thị trấn Lam Sơn là con đường huyết mạch đã có từ lâu được xây dựng nên để mưu sinh từ nhiều đời nay. Đây là đường giao thương hàng hóa, cũng là con đường đi lại phục vụ cho đời sống của người dân nơi đây. Nhưng đến nay đã bị công ty mía đường ngang nhiên "cướp" đường dân sinh mà không được sự đồng ý của nhiều người dân nơi đây.

a
Người dân vô cùng bức xúc vì Công ty mía đường Lam Sơn "cướp" đường dân sinh.

Cũng theo người dân thôn 1, trước khi công ty mía đường Lam Sơn phá đường không hề có tổ chức một buổi họp nào với người dân để lấy ý kiến về việc phá đường dân sinh. Chỉ đến khi họ phá đường dân sinh lúc đấy người dân tại địa phương này mới tá hỏa can ngăn . 

"Điều này khiến nhân dân chúng tôi rất bất bình, thấy người ta phá đường dân sinh nhân dân thôn 1 chúng tôi đã trực tiếp ra ngăn chặn, không cho phá con đường mà chúng tôi đi làm đồng, giao thương hàng hóa hàng ngày. Trước sự phản ứng của người dân, phía công ty tạm dừng việc phá con đường huyết mạch này...." - Một người dân bức xúc nói.

Theo đơn kêu cứu, ngày 25/5/2015, cán bộ và nhân dân thôn 1 quyết định làm đơn yêu cầu UBND xã can thiệp. Ngày 27/5/2015, ông phó chủ tịch mời một số hộ dân đến để đọc thông báo và quyết định của các cấp về việc phá bỏ đường dân sinh để quy hoạch nông nghiệp khu công nghệ cao. Đồng thời, thông báo cho nhân dân thôn 1 từ nay đi theo đường mới vành đai vòng vèo xa hơn 3km lại hoang vắng.

Nguy hiểm hơn, con đường mới làm dốc lao thẳng ra quốc lộ rất nguy hiểm đối với các cháu nhỏ đi học. Chính vì vậy, người dân đề nghị, mong đợi cơ quan chức năng xem xét, trả lại đường dân sinh.

a
Bị "cướp" đường dân sinh, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Trước sự phản ứng của người dân thôn 1, ngày 13/8, lãnh đạo UBND xã, công ty cổ phần mía đường Lam Sơn tổ chức họp dân. Trong cuộc họp, có rất đông hộ dân phản đối, không đồng thuận trước ý kiến của UBND xã và công ty đưa ra. Tuy vậy, đến 17h cùng ngày, công ty đưa máy xúc cùng với lực lượng chức năng địa phương ra phá con đường dân sinh. Trước hành động trên của công ty mía đường Lam Sơn, người dân nhanh chóng hô hào đến ngăn chặn, bảo vệ đường dân sinh.

 

Ngày 14/8, phía công ty mía đường Lam Sơn đưa máy móc cùng với lực lượng công an xã, công an huyện đến và ngang nhiên cho máy múc “phá” đường. Sự việc khiến nhân dân vô cùng thất vọng và bất bình trước cách giải quyết của công ty CP mía đường Lam Sơn.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Để làm sáng tỏ về sự việc, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ vị đại diện công ty cổ phần mía đường Lam Sơn là ông Bùi Anh Tuấn - Phó phòng kế hoạch của công ty. Qua trao đổi, ông Bùi Tuấn Anh cho biết, trước khi có quy hoạch về khu công nghệ cao, công ty mía đường Lam sơn cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ngay sau khi có tờ trình, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản giao cho các sở ban ngành có ý kiến về dự án khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng. Sau đó các sở ban nghành đã khảo sát và kiểm tra, xem xét các thủ tục của công ty và trình UBND tỉnh. Được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt và giao quyết định phê duyệt xây dựng khu công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng.

Đến tháng 7/2013, công ty kết hợp với UBND tỉnh đã làm lễ công bố quy hoạch trong đó có mời UBND huyện Thọ Xuân, xã Xuân Phú, Xuân Bái, xã Thọ Xương để công bố.

a
Ông Bùi Anh Tuấn - Phó phòng kế hoạch công ty CP mía đường Lam Sơn trao đổi với phóng viên.

Ông Tuấn cho biết thêm, Công ty làm theo quy hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, còn khi bà con đi qua đó không phải là chặn mà đó giống như khu vườn nên bảo vệ kiểm tra xem có đúng công dân của thôn không. Về việc kiểm tra giấy tờ tùy thân của người dân đi qua đó hay không thì ông Tuấn nói là không biết cụ thể. Để nhân dân không đi lại con đường nằm trong khu công nghệ cao này nữa, công ty đã bỏ tiền ra làm đường cho nhân dân đi lại và con đường đã hoàn thành.

 

Trước thông tin trên, người dân phản bác cho rằng khi đi qua cửa tại khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn họ bị lực lượng bảo vệ bắt phải xuất trình giấy tờ, thậm chí nếu không có thì sẽ không cho qua cổng. Còn việc công ty làm đường thay thế con đường dân sinh, người dân không đồng ý mà cho rằng: Con đường mới này quá xa để đến được khu vực làm ruộng của họ, nguy hiểm hơn khi con đường mới có đoạn xuống dốc cao nên khi trâu bò, hoặc các em nhỏ đi xe sẽ lao thẳng ra đường quốc lộ, việc này dễ dẫn đến nguy hiểm cho người dân cùng gia xúc... Dù nhiều ý kiến của người dân đưa ra nhưng về phía công ty mía đường Lam Sơn, chính quyền địa phương vẫn chưa thực hiện đúng ý kiến của người dân nơi đây.

Để rộng đường dư luận, nhóm phóng viên đã có cuộc gặp gỡ với ông Lê Năng Dũng - Phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thọ Xuân. Qua trao đổi, ông Lê Năng Dũng cho biết: "Đây là chủ trương chuyển đổi cây trồng của cả tỉnh Thanh Hóa chứ không riêng gì của khu này, mà đây là khu mô hình của công ty chung để sau này còn triển khai trên diện rộng trên toàn tỉnh Thanh Hóa. Khi có ý kiến từ phía nhân dân phản ánh về con đường dân sinh nói trên thì chúng tôi đã làm việc với công ty CP mía đường Lam Sơn để cho người dân đi lại qua khu công nghệ cao".

a
Ông Lê Năng Dũng - Phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Ông Dũng cũng thông tin rằng, con đường dân sinh này chưa được phá bỏ mà chỉ mới đào lên cải tạo. Về chi phí  làm tuyến đường tránh cho người dân đi lại do phía chủ đầu tư bỏ tiền ra để làm, cụ thể ở đây là công ty cổ phần mía đường Lam Sơn. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi trách nhiệm ở đây thuộc về ai? Thì vị phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thọ Xuân đẩy sang cho Phòng Công thương huyện.

Trước thông tin phóng viên tìm hiểu về việc con đường dân sinh "bị cướp", ông Lê Văn Tam Chủ tịch HĐQT công ty CP mía đường Lam Sơn mời quay lại để làm rõ một số vấn đề mà người dân phản ánh. Tuy nhiên, khi trao đổi cùng phóng viên thì vị Chủ tịch này khẳng định công ty không làm sai. Bởi lẽ, tất cả các quyết định, dự án thực hiện thì đều thông qua cấp chính quyền xã, huyện, tỉnh Thanh Hóa quyết định. 

Đáng chú ý, vị Chủ tịch này còn cho biết, tiền để làm đường dân sinh đây là của dự án, của nhà nước chứ không phải là tiền của công ty CP mía đường Lam Sơn, công ty chỉ bỏ ra một phần nào đó hỗ trợ thôi. Điều này khác hoàn toàn với ý kiến của ông Lê Năng Dũng - Phó phòng tài nguyên môi trường huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. 

 

Vậy con đường dân sinh của người dân thôn 1 bị công ty mía đường Lam Sơn chiếm giữ có được sự đồng thuận của người dân không? Có hay không chuyện chính quyền sở tại phớt lờ ý kiến của người dân, cố tình làm đường vì mục đích của doanh nghiệp tư nhân? Về con đường mới được xây với tổng vốn là bao nhiêu, đơn vị nào bỏ kinh phí để thực hiện? 

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin và gửi tin tức mới nhất tới bạn đọc. 

Uy Vũ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo