Pháp luật

Công ty CP Sông Đà 27 nợ Bảo hiểm xã hội như chúa chổm

Hơn 1,7 tỷ đồng là số tiền mà công ty CP Sông Đà 27 (Sông Đà 27) đang nợ Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Tĩnh. Chính khoản nợ này mà 189 cán bộ, công nhân viên tại 10 đơn vị thành viên của Sông Đà 27 trong nhiều tháng qua không được hưởng các quyền lợi liên quan đến Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Quá bức xúc, cán bộ, công nhân viên Sông Đà 27 kiến nghị lên các cơ quan chức năng và phản ánh đến Báo Nguoiduatin.vn. 

 

Ông Phan Đăng Quyết là một trong 3 công nhân làm việc lâu năm tại Sông Đà 27 được ông Nguyễn Văn Thảo, tổng giám đốc ra quyết định nghỉ hưu từ tháng 8/2011. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua ông và những người còn lại vẫn không được hưởng bất kỳ một chế độ nào, dù trong quyết định đã nêu quyền lợi rõ ràng.

 

Ông Quyết bức xúc cho biết: “Hàng tháng chúng tôi vẫn bị khấu trừ tiền đóng Bảo hiểm xã hội (8,5 % lương) qua lương, vậy mà khi về hưu lại không được hưởng các chế độ hưu trí như bao người khác, thực sự rất vô lý và bất công”.

 

Ngoài vướng mắc chế độ nghỉ hưu của những người này, cán bộ, công nhân viên của Sông Đà 27 cũng đang phải chịu cảnh tương tự về mọi chế độ liên quan đến nợ bảo hiểm.

 

Theo những công nhân của công ty, ai vào làm việc tại đây hàng tháng đều phải nộp tiền bảo hiểm (số 8,5% lương) được trích từ lương. Thế nhưng nhiều người trong quá trình công tác đã mang bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, dưỡng sức…vẫn không được giải quyết quyền lợi.


Chị Nguyễn Thị H., một công nhân tại nhà máy gạch Tuynel Vượng Lộc – Sông Đà cho biết, làm việc trong môi trường độc hại, chị và các công nhân trong nhà máy nhiều lần muốn đi khám bệnh nhưng không có thẻ Bảo hiểm y tế nên đành thôi. Đến khi đau ốm, không cố được nữa, họ đành phải bỏ tiền túi ra chi trả, đời sống đã khó khăn lại càng khốn đốn hơn. thậm chí có những chị em nghỉ sinh nhưng cũng phải tự túc, không được hưởng bất kỳ chế độ gì từ phía Bảo hiểm xã hội.

 

Trong khi đó, theo thông báo của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Tĩnh, số tiền nợ Bảo hiểm xã hội của cán bộ, công nhân Sông Đà 27 đến hết tháng 3/2012 là hơn 1,7 tỷ đồng.

 

Được biết, không phải người lao động không đóng Bảo hiểm xã hội dẫn tới khoản nợ này mà chính Sông Đà 27 đã chiếm dụng tiền Bảo hiểm xã hội của lao động, dẫn tới quyền lợi của họ đang bị phương hại một cách nghiêm trọng.

 

Ông Bùi Hồng Nhật, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Cơ quan bảo hiểm chỉ thực hiện giải quyết chế độ khi đã chốt sổ bảo hiểm theo từng thời điểm và giải quyết mang tính tập thể, chứ không giải quyết theo nhóm. Chúng tôi không thể giải quyết chế độ hưu trí cho họ khi chính các khoản đóng Bảo hiểm xã hội của họ vẫn chưa được phía công ty đóng nộp đầy đủ. Rõ ràng, trách nhiệm thuộc về phía Sông Đà 27.”

 

Theo ông Nhật, việc thu Bảo hiểm xã hội để chi trả các chính sách khác nhau, trong đó có những chính sách phải trả ngay lập tức như tai nạn lao động, ốm đau, thai sản. doanh nghiệp đóng Bảo hiểm xã hội để làm cơ sở cho cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động khi hữu sự.

 

Dù rất chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, nhưng cơ quan Bảo hiểm xã hội không có quyền thỏa thuận cho doanh nghiệp chậm đóng Bảo hiểm xã hội. Nếu đồng ý cho doanh nghiệp chậm nộp là cơ quan Bảo hiểm xã hội đã vi phạm pháp luật.

 

Lý giải về việc không đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thảo, tổng giám đốc công ty CP Sông Đà 27 cho rằng: “Chúng tôi cũng không muốn nợ, nhưng do thời gian qua làm ăn quá khó khăn, các dự án bị đình trệ nên mới để xảy ra hậu quả như trên. Tôi rất mong cơ quan Bảo hiểm xã hội chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và chốt sổ Bảo hiểm xã hội cho số lao động đã nghĩ việc, số nợ còn lại chúng tôi sẽ truy nộp vào cuối năm 2012. Trong lúc khó khăn, Nhà nước còn cho miễn thuế, giãn thuế, thế nên Bảo hiểm xã hội cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp”.

 

Theo lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp vì khó khăn mà nợ bảo hiểm, vậy số tiền thu từ công nhân được sử dụng như thế nào? Đó là một câu hỏi đề nghị phía doanh nghiệp cần làm rõ cho chính cán bộ, công nhân viên của họ.

 

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Tĩnh, hiện có 162 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn vi phạm chế độ trích nộp Bảo hiểm xã hội trên 6 tháng, với số tiền trên 8,8 tỷ đồng. Điển hình như: Công ty CP tư vấn và xây dựng Thành Sen, công ty CP xây dựng tổng hợp 269, doanh nghiệp khám chữa bệnh tư nhân An Hòa Phát, Công ty CP xây dựng I Hà Tĩnh, công ty CP đầu tư xây dựng phát triển nhà Hà Tĩnh…

 

 

 

Theo NĐT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo