Công ty Đức Khải: Đầu tư 100 tàu để hướng ra biển lớn
Chỉ hai tháng sau khi ý tưởng đầu tư đội tàu chuyên dụng 100 chiếc, có công suất lớn để đánh bắt, khai thác thủy hải sản xa bờ, đến nay đề án cụ thể cho hướng kinh doanh này được ông Phạm Ngọc Lâm đang từng bước triển khai thành hiện thực với quyết tâm cao nhất.
- Trước việc đầu tư đội tàu này, nhiều ý kiến cho rằng, Đức Khải đang tận dụng cơ hội chính trị để đánh bóng tên tuổi, ông nghĩ sao về điều này?
Ở thời điểm nhạy cảm này tất nhiên sẽ có nhiều ý kiến như vậy, tuy nhiên tôi khẳng định đó chỉ là một dự án kinh tế đơn thuần, không nhằm mục đích chính trị hay đánh bóng tên tuổi. Vấn đề này không thể đem ra nói chơi được vì nó liên quan tới rất nhiều con người và nguồn vốn của công ty. Thực tế là từ khi có ý tưởng cho tới lúc hoàn thiện đề án vẻn vẹn có 2 tháng, nhưng chúng tôi đã đưa ra được kế hoạch chi tiết từng hạng mục cho hướng kinh doanh này. Hợp đồng mua tàu với các đối tác ở Hàn Quốc đã được ký kết nhanh chóng. Nói như vậy để thấy việc đầu tư vào phương án kinh doanh thủy sản là hoàn toàn nghiêm túc.
- Vậy ông có thể cho biết tiến độ ký kết hợp đồng mua 100 chiếc tàu đã thực hiện tới đâu? Mục đích sử dụng của đội tàu này như thế nào khi về đến Việt Nam?
Hiện tại hợp đồng ký kết đã mua được 45 tàu, còn 55 chiếc nữa vẫn đang đàm phán. Hiện nay những chiếc đã ký hợp đồng nguyên tắc với đối tác Hàn Quốc đều có công suất l.200 – 1.500 mã lực để có thể bám trụ tốt tại ngư trường. Chúng tôi cũng xúc tiến sang Hàn Quốc để đàm phán và quyết định xem 12 chiếc tàu đầu tiên sẽ sơn ở đâu và đưa tàu về như thế nào để có thể đưa ra đánh bắt sớm nhất. Theo dự kiến là trung tuần tháng 8 một số tàu này sẽ bắt đầu cập cảng Việt Nam.
- Thời gian từ nay đến lúc nhận tàu về chưa đầy hai tháng, vậy kế hoạch để đưa tàu về được chuẩn bị như thế nào?
Trước mắt là công ty tập trung đào tạo ngắn hạn các tài công trong vòng 60 ngày để có thể nhận tàu. Hiện tại chúng tôi đang tính tới bài toán đưa đội tàu này về Việt Nam theo phương thức nào tiết kiệm chi phí nhất. Muốn thế cần phải có thủy thủ được cấp bằng quốc tế, nhưng việc đào tạo các tài công có chứng chỉ quốc tế thời gian tối thiểu là 6 tháng. Nếu thuê đội ngũ tại Hàn Quốc chi phí đội lên gấp đôi. Như vậy, để giải quyết vấn đề này hiện tại công ty sẽ nhờ các tài công có bằng quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ để kết hợp với các tài công đang đào tạo nhằm tiến hành đưa tàu về. Sau đó sẽ tính tới cơ chế phân bổ lao động cụ thể cho đội tàu.
- Làm thế nào để ổn định được nguồn lao động thường trực bám biển trong khi hầu hết người lao động ngành biển từ trước tới nay quen với phương thức hoạt động tự do?
Cần phải có cơ chế riêng để ổn định nguồn lao động này mà trước hết là vấn đề cải thiện thu nhập cho ngư dân. Công ty đủ cơ sở để tăng thu nhập cho người lao động vì tỷ lệ chia cho người lao động lên đến 65% và công ty chỉ là 35% nguồn thu. Kể cả những mùa tàu không đi đánh bắt được, họ cũng sẽ được nhận trợ cấp đảm bảo mức thu nhập không dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Khi ngư dân có thu nhập cao hơn 10 triệu đồng/người/tháng, công ty sẽ có chính sách khuyến khích họ trích số tiền vượt trên 10 triệu đồng ưu tiên mua lại cổ phần của công ty. Như vậy, chỉ sau khoảng 3 – 5 năm, ngư dân sẽ dần thay thế công ty trở thành những chủ tàu. Tôi tin rằng, khi quyền lợi được bảo đảm, cuộc sống ổn định thì các thuyền viên sẽ theo mình.
- Ngoài việc nhập tàu thì các phương án hỗ trợ và duy trì hoạt động dài hơi được công ty của ông chuẩn bị ra sao?
Trong 100 chiếc tàu nói trên có 95 chiếc chuyên dụng bám biển để đánh bắt, khai thác thủy – hải sản. 5 chiếc chuyên làm công tác hậu cần, cứu hộ, cứu nạn có nhiệm vụ chuyên chở lương thực, thực phẩm cung cấp cho các tàu đánh bắt và nhận sản phẩm đánh bắt được về đất liền. Ngoài ra, chúng tôi đầu tư 2 ụ nổi với sức chứa 5.000 tấn, đặt tại ngư trường để tiếp nhận thủy – hải sản sau đánh bắt, sau đó phân loại để sơ chế, bảo quản. Đối với những sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, khi đủ số lượng sẽ đưa lên tàu vận chuyển trực tiếp đi nước ngoài. 2 trạm hậu cần còn là nơi chăm sóc sức khỏe, tiếp tế hoặc bảo trì sửa chữa nhỏ cho các tàu đánh bắt. Riêng 2 chiếc trực thăng sử dụng để cứu nạn, cứu hộ hoặc các trường hợp khẩn cấp khác.
- Như ông đã nói, việc nhập tàu này là một phương án kinh doanh trong lĩnh vực mới của Đức Khải, vậy cơ cấu nguồn vốn để đầu tư cho lĩnh vực này cụ thể ra sao?
Tổng vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị lên khoảng 1.500 tỷ đồng. Theo đề án, doanh nghiệp sẽ thực hiện dự án theo cơ cấu 30% vốn tự có, 70% vốn vay. Hiện nay, Chính Phủ đang có chiến lược tăng cường phát triển kinh tế biển nên chúng tôi cũng tin tưởng việc hỗ trợ vốn ưu đãi cũng nhiều thuận lợi.
- Khi đi vào khai thác đại trà thì đầu ra cho sản phẩm được ông tính toán ra sao?
Đầu ra cho thủy – hải sản đánh bắt được có hai hướng giải quyết, bao gồm thị trường trong nước (các chợ đầu mối) và thị trường nước ngoài (ký kết với doanh nghiệp của Nhật Bản). Hiện tại thủy sản nhất là cá ngừ đại dương đang được tiêu thụ mạnh tại thị trường Nhật Bản và công ty cũng đã có đối tác bao tiêu sản phẩm ở thị trường này. Việc còn lại của chúng tôi là đảm bảo đúng các điều kiện về chất lượng sản phẩm mà phía đối tác yêu cầu.
- Việc tập trung đầu tư cho khai thác thủy sản có ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác mà công ty đang đầu tư hay không?
Đây là một lĩnh vực kinh doanh mới trong hoạt động tổng thể của Đức Khải chứ không phải là đầu tư cái này sẽ bỏ cái kia. Chúng tôi sẽ trao quyền cho mỗi nhân viên tự làm, tự chịu trách nhiệm, miễn là chính xác, hiệu quả. Mỗi lĩnh vực đều có một đội ngũ chuyên môn riêng biệt để đảm trách nên hoạt động của công ty vẫn được duy trì ổn định.
- Ông kỳ vọng tới thời điểm nào sẽ có thể thu hồi vốn?
Ngoài kỳ vọng sau 6 năm sẽ thu hồi vốn dần dần, chúng tôi cũng có mong muốn rất lớn rằng, nếu hoạt động của chúng tôi tốt thì sau này các ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ sẽ tham gia bằng cách này hay cách khác. Chưa kể, những doanh nghiệp, doanh nhân có tâm huyết có thể sẽ còn tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này để vực dậy kinh tế biển cho Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo