Công ty mua bán điện bị tố lạm dụng vị thế độc quyền
Thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành được hơn 1 năm nay và có vụ kiện đầu tiên từ một công ty phát điện độc lập (IPP) khiếu nại công ty mua bán điện đã không mua điện của họ.
(TBKTSG) Tin từ Bộ Công Thương cho biết, Cục Quản lý cạnh tranh đang xúc tiến điều tra sơ bộ vụ việc bị tố cáo là hạn chế cạnh tranh, liên quan đến một công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực (EVN) bị tố cáo có dấu hiệu lạm dụng vị thế độc quyền.
Theo thông tin ban đầu của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, doanh nghiệp đứng đơn khiếu nại là một công ty thủy điện tư nhân phía Bắc đã gửi đơn đến cục yêu cầu làm rõ việc Công ty mua bán điện quốc gia có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh khi mua điện của các công ty phát điện trực thuộc EVN, thay vì mua điện của một số công ty phát điện tư nhân khi tất cả cùng nhau tham gia chào giá trên thị trường.
Đơn vị tố cáo cho rằng do Công ty mua bán điện quốc gia là công ty mua buôn duy nhất nên đã lợi dụng vị trí độc quyền, mang lại lợi ích cho các công ty bán điện của EVN và loại các nhà máy phát điện nhỏ ra khỏi thị trường cạnh tranh bằng cách không mua điện được chào bán.
Cục Quản lý cạnh tranh đã thụ lý điều tra sơ bộ việc này bằng cách yêu cầu bên khiếu nại và bên bị khiếu nại giải trình về các vấn đề liên quan trong vòng 1 tháng kể từ ngày nhận đơn (thời gian này hiện chưa kết thúc). Sau đó, sẽ đi đến quyết định có khởi xướng điều tra chính thức hay không (nếu thấy có dấu hiệu vi phạm như đơn khiếu nại).
Thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2012 bằng việc cho phép 37 nhà máy tham gia chào giá trực tiếp (chiếm khoảng 37% số lượng đơn vị phát điện trong cả nước). Các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các nhà máy BOT không tham gia thị trường này.
Theo ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương): “Các đơn vị tham gia chào giá trực tiếp từng giờ, giá chào được cập nhật công khai, minh bạch trên trang web của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) nên bất cứ ai quan tâm cũng có thể truy cập theo dõi”.
Tuy nhiên, chào giá là một chuyện. Việc quyết định mua điện của doanh nghiệp nào trên thị trường là quyết định của Công ty mua bán điện quốc gia. Các doanh nghiệp thường đua nhau chào giá trên thị trường vào giờ cao điểm vì đây là thời điềm chốt được mức giá cao hơn nhiều so với giờ thấp điểm. Hoặc mùa mưa, các nhà máy thủy điện nhỏ thi nhau chào giá trên thị trường nhiều khi dẫn đến tình trạng quá tải, mất ổn định lưới truyền tải. Vì lý do này, điều độ hệ thống vẫn phải huy động nguồn của các nhà máy có giá chào cao.
Vẫn theo thông tin của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, doanh nghiệp khiếu nại đang tiếp tục kêu gọi một số doanh nghiệp tư nhân khác có cùng “cảnh ngộ” bị từ chối đứng đơn khởi kiện. Trường hợp bị Cục Quản lý cạnh tranh bác đơn khởi kiện thì doanh nghiệp có thể tiếp tục kiện lên Bộ trưởng Bộ Công Thương và kiện ra tòa theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Công ty mua bán điện quốc gia hiện vẫn trực thuộc EVN, nơi nắm giữ khoảng gần 50% nguồn phát trên thị trường.
Cách đây vài năm, Ngân hàng Thế giới (nơi cho EVN vay vốn nhiều nhất) và các đơn vị liên quan đã lên tiếng yêu cầu tách công ty phát điện mà EVN sở hữu trên 50% vốn và các công ty EVN có cổ phần lớn ra thành các công ty độc lập với tập đoàn, để tránh công ty mua điện và nhiều công ty bán điện có chung một chủ sở hữu, chung lợi ích, hạn chế cạnh tranh trên thị trường phát điện.
Lan Nhi
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo