Công ty mua bán nợ có thông được cục máu đông?
Nhưng câu hỏi lớn là: Để làm gì và công ty này sẽ hoạt động như thế nào, cơ chế ra sao? Về vấn đề này, PV đã trao đổi với Thạc sĩ Trịnh Đức Tuấn (ảnh), giảng viên khoa Kinh tế, truờng ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh. Ông Tuấn nói:
Hiện nay, Bộ Tài chính đã có một công ty mua bán nợ và giải quyết tồn đọng. Công ty này sử dụng ngân sách nhà nước, thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của nhà nước thành ra lợi nhuận không phải là tiêu chí hàng đầu.
Nếu như việc giải quyết nợ không lấy tiêu chí lợi nhuận làm đầu thì chắc chắn vốn ngân sách sẽ bị thâm hụt, tiền thuế dân sẽ bị mất mát và sẽ không được sự đồng thuận của xã hội.
Có lẽ vì lý do này mà người ta đề nghị thành lập Công ty mua bán nợ trực thuộc Ngân hàng Nhà nước để tăng cường tính hiệu quả, tránh mất mát tiền ngân sách.
Theo tôi đây là một chủ trương đúng. Nhưng vấn đề là Công ty này thành lập ra hoạt động như thế nào để vừa đảm bảo tính hiệu quả vừa đảm bảo giải quyết được các vướng mắc về tài chính mà chúng ta vẫn hay gọi là các khoản nợ xấu, hay cục máu đông làm tắc nghẽn tín dụng.
Ông có thể cho biết vài kinh nghiệm của thế giới trong việc mua bán nợ? Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mua nợ xấu ngân hàng và dự định của NHNN Việt Nam trong việc mua bán nợ có gì khác nhau?Bởi nước Mỹ tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp, và không có doanh nghiệp nhà nước như Việt Nam?
Trên thế giới có nhiều nước đã áp dụng, không chỉ riêng Mỹ mà Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… người ta giải quyết rất thành công. Tuy nhiên, mỗi quốc gia áp dụng một số biện pháp khác nhau.
Ví dụ, có quốc gia sử dụng ngân sách để mua lại nợ xấu , thậm chí còn chấp nhận mất đi một số tiền để giải quyết, xoá nợ. Còn những khoản nợ có thể mua, bán thu hồi vốn thì người ta chấp nhận lỗ một phần nào đó.
Và Việt Nam chắc chắn phải học tập kinh nghiệm của họ. Nợ xấu tại Việt Nam hiện nay trên 100.000 tỷ đồng nhưng mà đó là giá trị được ghi theo sổ sách, còn giá trị thực bao nhiêu thì cần phải đánh giá lại.
Và để giải quyết, phải phân loại ra, những khoản nợ có thể mua và sau đó có thể bán được thì đó mới là những khoản nợ được đưa vào đối tượng mua bán. Còn có những khoản nợ mà theo tôi nghĩ sau khi mua xong không thể bán được.
Bởi có những khoản nợ vướng mắc rất nhiều do định giá tài sản quá cao, do những phức tạp liên quan đến vấn đề thủ tục.
Đặc biệt ở Việt Nam có rất nhiều trường hợp một tài sản của một công ty được thế chấp tại nhiều ngân hàng và đang trong thế tranh chấp.
Những tài sản này mua rồi thì không bán được và Nhà nước phải chấp nhận hy sinh một phần nào đó để giải quyết. Đó là cách làm của Việt Nam mà theo tôi nghĩ là khác với các nước.
Chủ trương định xử lý nợ xấu bằng việc “tái cơ cấu” qua hoạt động mua bán nợ. Nhưng cũng có lo ngại rằng hoạt động này nhằm mở ra cánh cửa thoát hiểm cho những ngân hàng làm ăn với các tập đoàn nhà nước đang lâm nguy như Vinashin, Vinalines… Ông nghĩ sao?
Với điều kiện thị trường hiện nay cả con nợ và chủ nợ đều rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Muốn giải tỏa được “cục máu đông” này thì cả doanh nghiệp và ngân hàng và thậm chí Nhà nước cùng phải chịu thiệt. Ông Trịnh Đức Tuần |
Đúng, đây là điều nhiều người băn khoăn. Vấn đề là mô hình của công ty mua bán nợ của chúng ta như thế nào. Nếu như chúng ta vẫn duy trì mô hình Công ty mua bán nợ, giải quyết tồn đọng như của Bộ Tài chính hiện nay, hoạt động không theo cơ chế thị trường, thực hiện nhiệm vụ chính trị là chính và lợi ích kinh tế đối với doanh nghiệp này không phải là vấn đề quan tâm.
Thậm chí nếu thành lập Công ty theo cơ chế thị trường và trực thuộc Ngân hàng Nhà nước thì cũng chưa chắc thực hiện được những mục tiêu đề ra. Bởi vì nếu những khoản nợ này được coi là hàng hóa, được mua bán trao đổi thì phải dựa trên cơ sở thuận mua vừa bán.
Nhưng thực tế có nhiều khoản nợ còn vướng mắc như nói ở trên đòi hỏi phải có sự can thiệp của nhà nước.
Như vậy doanh nghiệp mua bán nợ này không có đủ khả năng để thực hiện chức năng của một doanh nghiệp theo cơ chế thị trường hoàn toàn. Đó là một cái khó, cái riêng đối với đặc thù ở Việt Nam.
Theo tôi nghĩ nhà nước đang còn phải nghiên cứu cái này rất nhiều và mô hình này khó có thể trả lời ngay là hoạt động làm sao cho hợp lý.
Nợ xấu ai mua? Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Khi Công ty mua bán nợ xấu mua một khoản nợ xấu của ngân hàng thì doanh nghiệp vay vốn chưa trả được nợ sẽ trở thành “con nợ” của công ty mua bán nợ xấu. Khi “chuyển chủ nợ” thì các “con nợ” có gì thay đổi? Liệu khoản nợ đã “chuyển chủ” có được khoanh lại và doanh nghiệp sẽ tiếp tục được vay vốn ở các ngân hàng thương mại?
Theo tôi nghĩ, khoản nợ xấu 100.000 tỷ đồng sau khi được định giá lại thì mới biết giá trị thực của nó. Như kinh nghiệm của các nước, người ta chỉ mua khoảng 30%, tối đa là 50% giá trị các khoản nợ.
Đương nhiên người bán phải chấp nhận định giá lại tài sản và bán với giá thấp hơn so với giá trị trên sổ sách thì khi đó mới giải quyết được mọi việc.
Vốn cho Công ty để mua lại nợ xấu khoảng 100.000 tỷ là rất lớn, thế nên nguồn vốn ở đây không thể sử dụng hoàn toàn ngân sách nhà nước, doanh nghiệp trực thuộc nhà nước, như vậy vốn phải do Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, có thể là huy động từ nguồn phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên trái phiếu này phải có sự đảm bảo của Nhà nước thì các nhà đầu tư mới sẵn sàng mua các trái phiếu này.
Khi anh phát hành trái phiếu thì anh sẽ phải trả lãi cho nhà đầu tư. Thứ hai nữa nếu trong trường hợp lỗ thì Ngân sách nhà nước chịu. Như vậy sẽ không được sự đồng thuận của xã hội.
Nếu như thành lập Công ty này dựa theo giá trị các khoản nợ ghi trong sổ sách mà mua bán lại đúng bằng giá trị đó hoặc thấp hơn một phần thì rõ ràng đây là một cửa thoát hiểm cho các đại gia chúa chổm hiện nay, vì: Ví dụ một bất động sản trị giá 10 tỷ và được vay 70% tức là bảy tỷ thì bây giờ giá thị trường xuống, trị giá của nó còn dưới sáu tỷ.
Thế thì doanh nghiệp thanh toán bằng tài sản chỉ mất sáu tỷ thôi và lại bán được tài sản.
Do vậy với điều kiện thị trường hiện nay cả con nợ và chủ nợ đều rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Muốn giải tỏa được “cục máu đông” này thì cả doanh nghiệp và ngân hàng và thậm chí Nhà nước cùng phải chịu thiệt.
Vậy, theo ông ai là khách hàng tiềm năng của Cty mua bán nợ xấu?
Trong hiện tại, nền kinh tế nước ta hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn, nợ xấu này ai dám mua. Chỉ có những công ty mạo hiểm, những công ty nước ngoài mới có khả năng mua nếu họ nhìn thấy cơ hội trong tương lai.
Nếu chúng ta mở ra một cánh cửa là được phép bán các khoản nợ cho các công ty nước ngoài thì khả năng giải phóng các khoản nợ này sẽ cao hơn.
Đương nhiên sẽ có điều đổi lại là anh sẽ bị thiệt thòi bởi cơ hội đã được trao cho nước ngoài, vấn đề này phải tính.
Rõ ràng Công ty mua bán nợ này hoạt động phải lấy tiêu chí lợi nhuận làm đầu chứ không phải là một doanh nghiệp công ích.
Nếu hoạt động như một công ty công ích thì cứ để hoạt động như Công ty mua bán nợ thuộc Bộ Tài chính như hiện nay, việc gì phải lập thêm một công ty mới!?
Xin cám ơn ông.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động