Thị trường

Công ty Trung Quốc kiện bản quyền Gcafe tại Việt Nam

(DNVN) - Công ty trách nhiệm hữu hạn kỹ thuật Shunwang (Trung Quốc) đã đưa ra hàng loạt hồ sơ pháp lý để chứng minh bản quyền của mình với phần mềm Gcafe tại Việt Nam.

Theo tin tức trên báo Thanh niên, sáng ngày 12.8, tại TP.HCM, một công ty Trung Quốc tổ chức buổi gặp gỡ báo chí nhằm khẳng định quyền sở hữu sản phẩm phần mềm quản lý phòng máy GCafe.

Cụ thể, công ty TNHH Khoa học Kĩ thuật Hàng Châu Thuận Võng (Hangzhou Shunwang Technology Co Ltd) có trụ sở tại Hàng Châu, Trung Quốc đã tổ chức họp báo tại TP.Hồ Chí Minh để giới thiệu bản quyền của phần mềm quản lý phòng máy iCafe Mavin do công ty này phát triển. Đồng thời, công ty này cũng tuyên bố rằng phần mềm quản lý phòng máy Gcafe đang được phân phối tại Việt Nam là phần mềm lậu (không được cấp phép).

"Núi" hồ sơ được chuẩn bị với 3 vệ sĩ canh gác, nhưng chỉ có tính chất minh họa vì không ai được tiếp cận các hồ sơ này. Ảnh: Thanh niên

Theo các thông tin mà công ty Shunwang công bố, công ty này đã kí kết hợp đồng phần phối phần mềm quản lý phòng máy i-Café Mavin với công ty TNHH Garena Singapore tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả thị trường Việt Nam (iCafe Mavin được phân phối tại Việt Nam dưới tên gọi Gcafe). Hợp đồng giữa Shunwang và Garena Singapore có thời hạn từ ngày 01/03/2012 đến ngày 28/02/2015.

Sau khi hết hạn hợp đồng, Garena Singapore không kí kết gia hạn hợp đồng nhưng vẫn tiếp tục kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam và Philippines. Chính vì vậy, Shunwang đã gửi thư cảnh báo cho Garena Singapore vào ngày 06/03/2015. Do phần mềm i-Cafe Mavin vẫn đang tiếp tục được kinh doanh và phân phối tại thị trường Việt Nam tới thời điểm hiện tại nên Shunwang tổ chức họp báo giới thiệu với giới truyền thông về bản quyền phần mềm quản lý phòng máy i-Cafe Mavin do công ty này sở hữu. Đồng thời, Shunwang cũng tuyên bố sẽ khởi kiện các đơn vị, cá nhân kinh doanh và phân phối trái phép phần mềm này tại Việt Nam.

Đến thời điểm hiện tại, Shunwang phát hiện phần mềm này vẫn đang tiếp tục được vận hành, và tuyên bố sẽ khởi kiện Công ty Cổ phần Tin học Hòa Bình về việc sử dụng trái phép phần mềm GCafe với tiền thân chính là IcafeMavin.

Tuy nhiên, những người tham gia buổi gặp gỡ này chỉ có thể tiếp nhận thông tin một chiều từ phía Shunwang với một số ảnh chụp các tài liệu chung chung.

Các đại diện của công ty Trung Quốc tuyên bố sẽ khởi kiện. Tuy nhiên, khi nào họ sẽ kiện, hoặc hồ sơ pháp lý đã chuẩn bị như thế nào thì không ai được biết. Thông tin liên lạc mà ban tổ chức để lại chỉ là một dòng địa chỉ email của văn phòng luật sư Nguyễn Hoàng Hải - đại diện pháp lý của Shunwang này tại Việt Nam.

 

Buổi gặp gỡ kết thúc chóng vánh chỉ sau chưa đầy 30 phút, để lại vô vàn điều khó hiểu cho tất cả những người được mời.

Tuy nhiên, theo Công ước Berne về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam và Trung Quốc có tham gia kí kết thì các chương trình máy tính, dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy, đều phải được bảo hộ như tác phẩm văn học. Chương trình máy tính được bảo hộ theo quyền tác giả thì tất cả các quốc gia thành viên của Công ước Berne đều phải tôn trọng ngay lập tức quyền tác giả của chương trình máy tính vào thời điểm nó được công bố tại một trong các quốc gia thành viên. Theo Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam thì các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị phạt hành chính và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

An Nhi (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo