Quốc tế

Croatia đóng cửa đường biên giới vì người tị nạn

(DNVN) – Chính phủ Croatia vừa tuyên bố đóng cửa đường biên giới với Serbia ngay sau khi hàng ngàn người tị nạn chuyển hướng từ Hungary sang biên giới nước này.

Sau khi cảnh sát Hungary dùng hơi cay và biện pháp mạnh để ngăn cản những người tị nạn cố tìm mọi cách vượt biên vào nước này, khoảng 6,500 người tị nạn đã đổ về đường biên của Croatia, nước láng giềng với Hungary với hy vọng chính phủ Croatia sẽ mở cửa cho người tị nạn. 

Người tị nạn chuyển hướng từ biên giới Hungary sang Croatia (Ảnh: AFP)
Người tị nạn chuyển hướng từ biên giới Hungary sang Croatia (Ảnh: AFP)

Cảnh sát Croatia cho biết, tính từ thứ Tư vừa qua đã có 5,650 người tị nạn nhập cư vào nước này. Tuy nhiên, do số người tị nạn ở Croatia đã quá đông nên chính quyền nước này đang thành lập một cơ quan đặc biệt để đối phó với sự gia tăng ngày càng đông của người tị nạn.  

Chính phủ Croatia cho biết nước này không thể tiếp nhận thêm bất kỳ người tị nạn nào nữa. “Chúng tôi sẽ cung cấp các phương tiện để đưa người tị nạn tới các trại tị nạn trong nước, tuy nhiên những người này chỉ được cấp quyền tị nạn chứ không được coi là người nhập cư hợp pháp”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Croatia Ranko Ostojic cho biết.

Người tị nạn xô xát với lực lượng cảnh sát Croatia tại bến xe Tovarnik (Ảnh: Reuters)
Người tị nạn xô xát với lực lượng cảnh sát Croatia tại bến xe Tovarnik (Ảnh: Reuters)

Hiện tại, hàng trăm cảnh sát Croatia đã có mặt tại biên giới với Serbia để kiểm soát đám đông người tị nạn đang tập trung trước đường biên giới của nước này. Nhiều người tị nạn với mong muốn vào được châu Âu đã phá vỡ hàng rào bảo vệ của cảnh sát Croatia gây ra tình trạng xô xát và hỗn loạn tại đường biên giới.

Chính phủ Croatia bị động trước tình hình này và vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào cho sự hỗn loạn tại đường biên giới với Serbia. Hiện chính phủ Croatia đang cân nhắc liệu có nên sử dụng biện pháp mạnh như dùng hơi cay và pháo nổ với người tị nạn như Hungary hay không, vì hiện giờ Hungary cũng đang phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc vi phạm nhân quyền và phân biệt tôn giáo từ phía Liên hợp quốc.

Người tị nạn phá được hàng rào của cảnh sát Croatia (Ảnh: AFP)
Người tị nạn phá được hàng rào của cảnh sát Croatia (Ảnh: AFP)

Cách giải quyết của Hungary khi dùng hơi cay và bắt giữ những người tị nạn cố vượt biên đã khiến Liên hợp quốc lên tiếng chỉ trích về cách hành xử thiếu nhân đạo. Tuy nhiên, chính phủ Hungary cho biết, đây là biện pháp cứng rắn duy nhất mà Hungary có thể làm để ngăn cản dòng người tị nạn đang gây náo loạn tại đường biên giới của nước này.

 

Chính phủ Hungary không chỉ cho xây dựng hàng rào thép gai với đường biên giới của Serbia mà còn trên đường biên giới chung với Rumania và Croatia. Hungary cho rằng hàng rào thép gai này nhằm mục đích bảo vệ đường biên giới chung của các nước EU.

Lộ trình người tị nạn chuyển hướng từ biên giới Hungary sang Croatia (Ảnh: The Guardian)
Lộ trình người tị nạn chuyển hướng từ biên giới Hungary sang Croatia (Ảnh: The Guardian)

Hiện các nước thành viên EU cũng đang dốc sức để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Hôm qua, các nhà lãnh đạo EU đã phải mở một cuộc triệu tập bất thường nhằm thảo luận về việc phân phối lại 120,000 người tị nạn trên lãnh thổ các nước thành viên đã đưa ra trước đó. Na Uy cho biết, nước này sẽ chi ra 7.3 triệu đô-la để giúp Serbia và Macedonia giải quyết vấn đề người tị nạn của hai nước này.  Trong khi đó, Đan Mạch và Tây Ban Nha cũng tuyên bố sẽ tự nguyện tiếp nhận thêm khoảng 1,000 người tị nạn.

Hiện đường biên giới của các nước Hungary, Croatia và Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt ở mức báo động cao khi dòng người tị nạn đổ về các nước này ngày càng nhiều. Chính phủ Bungary cho biết nước này đã gửi 1000 quân nhân tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để giúp nước này kiểm soát tình hình. 

Người tị nạn Syria biểu tình tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AP)
Người tị nạn Syria biểu tình tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AP)

Chính phủ Áo cũng ra lệnh thắt chặt kiểm soát đường biên giới phía nam với Slovenia khi dự đoán dòng người di cư có thể đổ xô về đây bất cứ lúc nào. “Sau Croatia, rất có thể sẽ là Slovania”, quan chức Áo trả lời phỏng vấn của AP. 

Hiện nay, lãnh đạo các nước EU cũng đang kêu gọi một hội nghị bất thường khác vào tuần tới nhằm tìm ra giải pháp mới cho cuộc khủng hoảng nhập cư kéo dài này. 

 

Hồng Đinh Minh (Theo The Guardian)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo