CSGT còng tay người vi phạm vì chống đối
Sáng 3/10, đại tá Hà Công Thượng, Trưởng Công an huyện Lắk (Đắk Lắk), cho biết đơn vị vừa đã họp kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ CSGT liên quan đến clip lan truyền trên mạng.
Theo đại tá Thượng, công an huyện đã kiểm điểm tổ CSGT với 3 nội dung. Thứ nhất, CSGT xưng với người dân “bọn mày” là không đúng, gây phản cảm trong dư luận.
Thứ 2, CSGT không có quyền can thiệp nhưng một đồng chí đã dùng tay "gạt" khiến điện thoại rơi dẫn đến hư hỏng. Ban chỉ huy đã yêu cầu đồng chí gây ra vụ việc liên hệ, bồi thường cho người dân. Thứ 3, lực lượng CSGT xử lý vụ việc không khôn khéo nên để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Liên quan đến nội dung nhận tiền rồi cho đi sau đó đuổi theo bắt xe, đại tá Thượng cho biết cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra làm rõ.
Cũng theo vị trưởng công an, CSGT còng tay người dân trong trường hợp này là hợp lý. Vị đại tá cho biết người dân tụ tập rất đông, có những lời lẽ lăng mạ và biểu hiện chống đối người thi hành công vụ nên phải còng tay để mời về làm việc.
Nam thanh niên bị CSGT còng tay. Ảnh: Cắt từ clip. |
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết khoản 1, điều 15 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì tổ trưởng tổ tuần tra, kiểm soát phải quyết định hoặc báo cáo người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Các biện pháp ngăn chặn mà pháp luật hiện hành cho phép người thi hành công vụ sử dụng công cụ hỗ trợ, bao gồm còng số 8.
Theo luật sư Hưng, lực lương chức năng chỉ được còng tay người vi phạm khi họ có dấu hiệu đe dọa dùng vũ lực, xâm hại đến lợi ích sức khỏe, tính mạng của người khác.
"Tuy nhiên, chỉ những cá nhân có thẩm quyền mới có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn này nhưng phải tuân thủ theo những nguyên tắc và trình tự thủ tục quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính”, luật sư Hưng nói.
Theo luật sư Hưng, hiện chưa có điều luật quy định cụ thể những trường hợp nào CSGT sẽ được quyền sử dụng còng số 8.
CSGT phát ngôn không đúng chuẩn mực
Trước đó, ngày 20/9, trên mạng xã hội xuất hiện clip dài hơn 10 phút ghi cảnh cự cãi giữa người dân và một cán bộ CSGT Công an huyện Lắk. Có người dân cho rằng đã đưa tiền để CSGT bỏ qua lỗi vi phạm.
Tuy nhiên, khi người này chạy một đoạn thì bị CSGT đuổi theo tạm giữ xe. Trong lúc lộn xộn, một trung tá CSGT đã còng tay người dân cự cãi. Thanh niên bị CSGT còng tay cũng có lời lẽ xúc phạm lực lượng chức năng.
Đại úy Lê Tuấn Anh, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Lắk, cho biết ngay khi ghi nhận sự việc, văn phòng Công an tỉnh đã chỉ đạo đơn vị xác minh, làm rõ.
Theo báo cáo, hôm xảy ra sự việc, một người chạy xe máy vi phạm nồng độ cồn nên bị lực lượng chức năng lập biên bản xử lý. Lúc này, một người thân của thanh niên vi phạm đến cự cãi và xảy ra xung đột với CSGT. Trong lúc lộn xộn, tổ trưởng tổ công tác đã có phát ngôn không đúng chuẩn mực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo