Xã hội

CSGT đứng núp, rút chìa khóa xe vi phạm: Phản cảm, cấm là đúng

Dư luận đồng tình với chủ trương của Công an Hà Nội trong việc xây dựng hình ảnh cảnh sát giao thông “thân thiện” khi làm nhiệm vụ, theo đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an Hà Nội) - là: “Nghiêm cấm lực lượng CSGT thành phố đứng núp khi làm nhiệm vụ, cấm rút chìa khóa xe, chỉ gậy vào người vi phạm giao thông” - hành vi phản cảm mà dư luận đã từng phê phán gay gắt. Về hành vi này, cần quy định cấm đối với CSGT trên toàn quốc.

Thượng úy Quách Anh Tuấn (Đội CSGT số 7 Hà Nội) xử lý một trường hợp vi phạm Luật Giao thông tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương (Hà Nội) chiều 14.12.2014. Ảnh: HẢI NGUYỄN 

 Xây dựng hình ảnh cảnh sát giao thông thân thiện 

 

Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết: Để từng bước nâng cao hình ảnh CSGT và tiếp tục siết chặt kỷ luật - kỷ cương, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm. Phòng CSGT công an Hà Nội đã có những quy định nhằm chấn chỉnh các cán bộ, chiến sĩ trong nội bộ cơ quan. Trong đó, nghiêm cấm CSGT có hành vi rút hoặc giật chìa khóa xe vi phạm giao thông, không được chỉ gậy vào người vi phạm giao thông, sẽ xử lý nghiêm những CSGT đứng núp khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường. 
 
Việc nghiêm cấm CSGT có hành vi rút hoặc giật chìa khóa xe vi phạm giao thông là tôn trọng nhân dân. Phòng CSGT muốn có cách ứng xử tốt hơn đối với dân, vì đó là việc làm rất phản cảm, CSGT không nên làm những việc như vậy. Tuy nhiên một số cán bộ, chiến sĩ CSGT Công an Hà Nội khi được chúng tôi hỏi về quy định này, đều cho rằng “Đối với một số trường hợp người vi phạm giao thông quá khích, chống đối lại lực lượng CSGT làm nhiệm vụ thì CSGT rút chìa khóa để thực hiện biện pháp ngăn chặn việc người vi phạm giao thông phóng xe bỏ chạy, gây tai nạn cho người tham gia giao thông là rất cần thiết”- nhưng việc đứng núp để phạt người vi phạm là không đúng.
 
Nhiệm vụ chính của CSGT là phân luồng, đảm bảo ATGT. Ảnh: HẢI NGUYỄN
 
Thượng tá Lê Đức Đoàn - công dân ưu tú của thủ đô - nguyên Đội CSGT số 1, Công an Hà Nội cho rằng, việc nghiêm cấm CSGT không được đứng núp khi làm nhiệm vụ, cấm rút, giật chìa khóa trên xe người vi phạm là cần thiết, bởi đây là một quy định rất nhân văn, rất có văn hóa giao thông. Hà Nội là thủ đô của cả nước, nên mọi hành vi, ứng xử, cử chỉ chưa đẹp như việc CSGT đứng núp khi làm nhiệm vụ hay rút chìa khóa trên xe người vi phạm là điều cần phải chấn chỉnh. 
 
Trong quy định thì CSGT là lực lượng làm nhiệm vụ công khai, với nhiệm vụ chính là giữ gìn trật tự an toàn giao thông chứ không phải là lực lượng phòng, chống tội phạm nên mọi hành vi, ứng xử đều phải chuẩn mực”. “Còn có một số ý kiến cho rằng nếu không rút chìa khóa xe máy, người vi phạm giao thông sẽ bỏ chạy, theo tôi, đối với những trường hợp này thì CSGT nên có các biện pháp nghiệp vụ khác để xử lý, ví dụ nếu người vi phạm bỏ chạy thì chúng ta áp dụng biện pháp ghi biển số xe để xử lý bằng hình thức phạt nguội - thượng tá Đoàn nói.
 
Đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định: Nhiệm vụ của CSGT là hướng dẫn giao thông là chính, không phải tập trung xử lý vi phạm. Tuy nhiên, những trường hợp cố tình vi phạm, không chấp hành thì vẫn phải xử lý. Được biết Công an Hà Nội đã trang bị hơn 450 camera, trong đó có 100 camera để xử lý phạt và tập trung cho việc phạt nguội, giảm bớt áp lực “phạt tại chỗ” cho CSGTđể tập trung hướng dẫn, giảm ùn tắc, tổ chức giao thông thông suốt.
 
Người dân ủng hộ
 
Ông Huỳnh Đăng Tuấn (quận Gò Vấp, TPHCM) nói: Tôi là người từng bị CSGT xông vào rút chìa khóa xe ngay vừa khi dừng xe theo hiệu lệnh của CSGT. Tuy nhiên, sau đó anh CSGT đã xin lỗi về hành động này, vì tưởng nhầm tôi cũng trong nhóm đối tượng tụ tập gây rối bằng xe gắn máy vào đêm cuối tuần. 
 
Theo tôi, rút chìa khóa xe của người vi phạm, đặc biệt là những đối tượng có dấu hiệu chống đối, tụ tập đua xe trái phép, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT... thì điều này không có gì phàn nàn. Nhưng đối với người dân tham gia lưu thông bình thường, khi mắc lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông, họ chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT, thì không nên rút chìa khóa, hành động này gây phản cảm cho người đi đường và người mắc lỗi vi phạm cảm thấy mình bị xúc phạm như “tội phạm hình sự”.
 
Bà Nguyễn Bích Hà ( Hà Nội) bày tỏ: Tình ttrạng CSGT bỗng lao bắn ra đường để bắt người vi phạm. Hành động đó vừa gây nguy hiểm cho cả anh cảnh sát và người tham gia giao thông. Việc chỉ gậy vào người vi phạm là hành vi không thể chấp nhận, người vi phạm giao thông chỉ là vi phạm hành chính, không phải là tội phạm mà CSGT ứng xử như vậy. Tôi ủng hộ chủ trương này.
 
Chủ trương của Công an Hà Nội trong việc xây dựng hình ảnh CSGT thân thiện đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của dư luận. Mong rằng, không chỉ Hà Nội mà công an các địa phương cũng nên nhân rộng “mô hình” này.
 
 
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo