Xã hội

CSGT không nấp sau bụi tre, cabin xe để xử lý vi phạm

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu xử lý nghiêm người vi phạm giao thông và người thực thi nhiệm vụ để không xảy ra tình trạng gọi điện cho người thân quen xin xỏ, hay dấm dúi chia đôi.

Ngày 4/1, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2016.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã biểu dương thành tích đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trong năm 2016.

Trong năm tới, Phó thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát; xử lý nghiêm minh, kiên quyết các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như lái xe quá tốc độ cho phép; lái xe khi đã uống rượu, bia; xe khách đón, trả khách trái phép trên đường cao tốc; chở quá tải trọng phương tiện...

“Xử lý nghiêm người vi phạm giao thông và người thực thi nhiệm vụ để không xảy ra tình trạng gọi điện cho người thân quen xin xỏ, hay dấm dúi chia đôi”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Về vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Trọng Thái – Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết: “Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo như vậy và tới đây, Văn phòng Chính phủ sẽ có thông báo kết luận để tất cả các Bộ, ngành, địa phương thực hiện”.

CSGT không nấp sau bụi tre, cabin xe để xử lý vi phạm để tránh việc xin xỏ. Ảnh: CA TP.HCM

Chánh văn phòng Ủy ban ATGT cho rằng quan điểm của Ủy ban là các hành vi vi phạm phải được xử lý theo đúng thẩm quyền của lực lượng CSGT và các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

“Các hành vi vi phạm cần được lực lượng thực thi công vụ xử lý nghiêm, công bằng và nghiêm túc. Còn có các biện pháp triển khai như thế nào, theo tôi Bộ Công an sẽ có chỉ đạo cụ thể đối với lực lượng CSGT thực thi” – ông Thái cho hay.

Còn ông Trần Ngọc Sơn - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai đánh giá: “Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình là rất chuẩn, bây giờ phải thực hiện như thế nào chứ không thể hô khẩu hiệu chung chung”.

Theo ông Sơn phải minh bạch quy trình kiểm tra xử lý vi phạm để người dân có thể giám sát còn người thực thi công vụ phải chấp pháp nghiêm minh.

Ông Sơn cho hay: “Để khuyến khích người dân giám sát vi phạm, cần thưởng và bảo mật thông tin người cấp tin. Lực lượng CSGT cũng cần công bố công khai việc người dân được giám sát, ghi lại hành vi vi phạm khi thực thi công vụ. Cụ thể như việc khi xử lý vi phạm, phải làm sao để không còn chuyện nấp sau bụi tre bắt lỗi hay nấp trong cabin xe để lập biên bản”.

 

Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan có cán bộ thực thi công vụ vi phạm cũng phải bị xử lý.

Nên đọc
Nguyễn Hà (tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo