Pháp luật

Cụ ông 2 lần bị kết án tử hình oan mòn mỏi chờ tiền bồi thường

Từ khi được Liên nghành Tư pháp trung ương tổ chức buổi công khai xin lỗi vào ngày 11/8/2016, đến nay đã qua gần 2 cái tết, nhưng cụ ông Trần Văn Thêm (82 tuổi, hai lần bị kết án tử hình oan) vẫn mòn mỏi chờ đơi tiền bồi thường.

"Tôi chỉ lo khuất núi rồi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường"

Ngày 3/2, phóng viên trở lại thăm gia đình cụ Trần Văn Thêm (sinh năm 1936, ở thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), người hai lần bị kết án tử hình oan vì tội giết em, cướp của; sau gần nửa thế kỷ mới được minh oan.

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, vắng bóng người đã xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian, cụ Thêm đang nằm co ro trên giường, thở phều phào khó nhọc trong thời tiết mùa đông giá buốt. Thấy có người đến, cụ Thêm cố gắng gượng dậy.

Cụ Trần Văn Thêm (82 tuổi) mong ngóng tiền bồi thường khi đã ở tuổi gần đất xa trời.

Trao đổi với phóng viên, cụ Trần Văn Thêm xót xa giãi bày: "Khổ lắm anh ạ, tôi bây giờ 82 tuổi rồi, mắt mờ lắm, không nhìn rõ người, chân tay run lẩy bẩy, tai nghễnh ngãng, già yếu lắm rồi, ốm đau liên miên, đi viện liên tục, đi lại phải có người dìu, mỗi bữa cố gắng ăn lưng bát cháo mà mãi chẳng nhuốt được.

Nhiều đêm thức trắng, không ngủ được. Hoàn cảnh gia đình thì khó khăn, tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài mấy cái giường cũ đóng cách đây mấy chục năm mọt hết cả. Không biết tôi có chạm đến được tiền bồi thường hay không. Chỉ lo mình khuất núi rồi mà tiền vẫn chưa nhận được".

Bếp nhà cụ Thêm gói vỡ lỗ chỗ, tường nứt toác.

"Tôi mong sớm nhận được tiền bồi thường để bù đắp nỗi vất vả, cơ cực của các con cháu trong bao năm qua phải gánh chịu. Vậy mà đã gần 2 cái tết rồi, từ khi tôi được minh oan từ năm 2016, đến nay vẫn chưa thấy bóng dáng tiền bồi thường đâu cả, tôi mệt mỏi lắm rồi", cụ Thêm cho biết.

Vừa đi làm thuê về đến nhà, người con dâu (đang ở cùng cụ Thêm) dáng vẻ mệt mỏi, trên tay cầm cốc cháo phân trần: "Mặc dù bố tôi ốm yếu, rất cần người chăm sóc, nhưng vì gia đình chỉ có mấy sào ruộng không đủ ăn, vợ chồng tôi phải đi làm thuê kiếm sống để trang trải chi tiêu trong gia đình, tiền thuốc men điều trị bệnh cho bố tôi. Trước khi đi tôi mua sẵn cháo cho ông ăn, nhiều hôm về đến nhà thấy bát cháo lạnh tanh, hỏi thì ông bảo “bố mệt lắm, mồm miệng đắng ngắt, nuốt mãi được vài miếng cháo”. Nghe ông nói mà tôi rơi nước mắt. Thương ông mà không biết làm thế nào.

Ngôi nhà cấp 4 của gia đình cụ Thêm đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều đêm thấy ông trằn trọc không ngủ được vì vết thương trên đầu ông ngày xưa bị tên cướp đánh tái phát. Cả gia đình, họ hàng mong ngóng các cơ quan chức năng sớm bồi thường tiền cho bố tôi để gia đình có điều kiện chăm sóc cho ông những năm tháng cuối đời được chu đáo hơn".

 

Vì sao cụ Thêm vẫn chưa được bồi thường?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hòa (Phó Giám đốc công ty luật Hòa Lợi, là người tham gia bảo vệ quyền lợi miễn phí cho cụ Thêm) cho biết: "Tại buổi công khai xin lỗi cụ Thêm hôm 11/8/2016, đại diện liên ngành tư pháp Trung ương đã phát biểu “cụ Thêm đã tuổi cao thì việc giải quyết oan sai cho cụ Thêm sẽ được giải quyết sớm”. Ngay sau buổi công khai xin lỗi, tôi đã làm đơn yêu cầu bồi thường oan sai gửi đến TAND tối cao, TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị giải quyết. Bên cạnh đó, tôi đã nhiều lần đến toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị nhưng chưa được giải quyết".

Cụ Trần Văn Thêm trong buổi Liên nghành Tư pháp trung ương tổ chức buổi công khai xin lỗi ngày 11/8/2016.

Qua nhiều lần đối thoại, làm việc căng thẳng với TAND cấp cao do ông Trần Văn Tuân - Phó Chánh án TAND cấp cao chủ trì, đến ngày 17/4/2017, giữa các bên mới ký được biên bản thương lượng việc bồi thường oan sai với số tiền bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thu nhập thực tế bị mất, hoặc bị giảm sút và các thiệt hại khác, tổng là 6,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên ngày 28/7/2017, Vụ Giám đốc kiểm tra I ra công văn số 302/HT – V1, về việc thẩm định bồi thường cho ông Trần Văn Thêm gửi Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, Công văn nêu rõ: Sau khi nghiên cứu báo cáo kết quả thương lượng bồi thường thiệt hại đối với ông Thêm của TAND cấp cao tại Hà Nội, Vụ Giám đốc kiểm tra I đã thẩm định và báo cáo lãnh đạo TANDTC.

Biên bản thương lượng thành việc bồi thường thiệt hại cho cụ Trần Văn Thêm giữa TAND cấp cao tại Hà Nội và đại diện ủy quyền của cụ Thêm là 6,7 tỷ đồng.

Chánh án TANDTC chỉ đạo yêu cầu TAND cấp cao tại Hà Nội tiến hành thương lượng lại đối với ông Thêm để thống nhất mức bồi thường theo đúng qui định của pháp luật. Việc thương lượng thành các khoản thu nhập thực tế bị giảm sút trong thời gian từ ngày 1/2/1076, đến ngày 10/8/2016, và thiệt hại về tinh thần cho thân nhân là không đúng qui định của pháp luật hiện hành.

 

Ngày 6/9/2017, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục thương lượng với ông Nguyễn Văn Hòa (Phó Giám đốc công ty luật Hòa Lợi, là người tham gia bảo vệ quyền lợi miễn phí cho cụ Thêm). Tại buổi thương lượng này, hai bên lập biên bản thương lượng không thành.

Biên bản nêu rõ: Ngày 28/7/2017, ông Vụ trưởng Vụ I thừa lệnh Chánh án TANDTC ký công văn số 302/HT – V1 chỉ đạo TAND cấp cao tại Hà Nội thương lượng lại với ông Thêm về khoản thu nhập thực tế bị giảm sút trong thời gian từ ngày 1/2/1076 đến ngày 10/8/2016, và thiệt hại về tinh thần cho thân nhân của ông Thêm, bởi lẽ theo quan điểm của Vụ I, các khoản này gần 4 tỷ đồng chưa đúng qui định pháp luật hiện hành. Các khoản còn lại gần 3 tỷ đồng, TANDTC không yêu cầu thương lượng lại.

Đại diện của cụ Thêm là ông Nguyễn Văn Hòa không nhất trí với thương lượng lại, bảo lưu y ý kiến theo biên bản thương lượng thành ngày 17/4/2017, vì sau 1 năm cụ Thêm ở tù, bố cụ tuổi cao sức yếu bị sốc về tinh thần ốm chết, vợ cụ Thêm phải nuôi năm người con nhỏ, lam lũ vất vả, bị sốc về tinh thần cũng ốm chết, các con phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn không được học hành, xóm làng xa lánh, đó chính là tổn thất lớn về tinh thần.

Công văn của TAND cấp cao tại Hà Nội báo cáo TANDTC về việc thương lượng lại không thành.

Trong thời gian sống ở địa phương cụ vẫn là bị can, về pháp lý vẫn trong vòng tố tụng, phải chịu sự mặc cảm, khổ nhục với dân làng, họ hàng, nhân dân địa phương, không có cơ hội để lao động kiếm sống như người khác. Vì vậy cụ vẫn bị tổn thất về tinh thần cũng như vật chất trong thời gian này...

 

Sau khi thương lượng lại không thành, ông Nguyễn Văn Hòa tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng sớm giải quyết bồi thường oan sai cho cụ Trần Văn Thêm, vì hiện nay cụ đã già yếu, sống chết lúc nào không biết.

Ngày 13/10/2018, ông Nguyễn Văn Hòa tiếp tục làm đơn đề nghị giải quyết bồi thường oan sai cho ông Trần Văn Thêm gửi Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Quốc hội, Chánh án TANDTC. Ông Hòa đề nghị TANDTC, TAND cấp cao tại Hà Nội sớm xem xét giải quyết bồi thường cho cụ Thêm vì cụ đã tuổi cao, sức yếu, sống chết lúc nào không hay...

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo