Cú thoát xác thần sầu của đại gia Trầm Bê
Sáp nhập Sacombank và Phương Nam thành công, ngân hàng mới dự kiến mang Sacombank với diện mạo, quy mô và chất lượng khác hẳn nhưng nhà Trầm Bê vẫn là người giữ vai trò chủ chốt. Đây quả là một cú thoát xác thần sầu của đại gia Trầm Bê mà lịch sử NH còn phải nhắc đến nhiều.
Quyền lực mới của ông chủ cũ
Ngày 25/3, NH Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) sẽ trình đại hội cổ đông thông qua phương án sáp nhập NH Phương Nam (Southern Bank), đáp ứng chủ trương tìm một NH nhỏ sáp nhập từ 2013 của Sacombank và tái cơ cấu của Southern Bank.
Những thông tin ban đầu cho thấy, nhiều khả năng NH mới dự kiến sẽ có tên Sacombank, Phương Nam sẽ mất tên. Quy mô NH mới tăng mạnh từ 416 chi nhánh (của STB hiện tại) lên 560 điểm; vốn điều lệ lên trên 12.400 tỷ đồng; tài sản tăng thêm gần 50% lên hơn 240 nghìn tỷ. Chỉ đứng sau 4 "ông lớn" Nhà nước và "gốc" Nhà nước là Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV; nhân sự của cả 2 bên có thể được giữ nguyên.
Theo tiết lộ, ông Phạm Hữu Phú sẽ không giữ chức chủ tịch Sacombank mà quay trở về Eximbank - một NH có quan hệ mật thiết với Southern Bank trong vụ thâu tóm Sacombank cách đây gần 2 năm.
Theo tính toán ban đầu của một số chuyên gia, thương vụ M&A này sẽ giúp NH mới thoát ra khỏi sự giới hạn mở rộng mạng lưới của NHNN, giúp thực thể mới nhanh chóng mở rộng hệ thống trong một thời gian ngắn để tăng cường khai thác thị trường bán lẻ. Phương Nam hiện có trên 140 điểm giao dịch, cho dù chủ yếu ở TP.HCM nhưng đây là tiền đề cho NH mới có thể sắp xếp lại theo nhu cầu của mình.
"NH mới sẽ ngay lập tức vươn lên vị trí top 5 trong hệ thống các NH của Việt Nam về quy mô, cả về chi nhánh, cho tới tài sản vốn. Thị trường NH bán lẻ đang là cái đích mà rất nhiều NH hướng tới nên mở rộng theo phương thức M&A là một bước đi tất yếu, nhất là trong bối cảnh NHNN chủ trương rút gọn số lượng các NHTM lại", một chuyên gia nhận đinh.
Tuy nhiên, điều cốt tử là Phương Nam không hề mạnh, họ thua Sacombank về mọi mặt và thực tế về hiệu quả kinh doanh và ở một số thời điểm khó khăn, Phương Nam cũng gặp vấn đề về thanh khoản và nợ xấu cũng là một vấn đề lớn. Tổng tài sản của Phương Nam bằng một nửa Sacombank; lợi nhuận thấp, chắc chừng một phần mười của Sacombank; mạng lưới bằng khoảng một phần ba đến một phần tư của Sacombank.
"Khi nhập vào Sacombank là cách tốt nhất Phương Nam dứt điểm được các điểm yếu cốt tử của mình. Sacombank sẽ là nền tảng cho NH mới", chuyên gia tài chính nhận định.
Tuy nhiên, sau sáp nhập, sự phát triển của Sacombank về ngắn hạn sẽ bị chững lại bởi NH này phải gánh khối nợ xấu khá lớn của Southern Bank. Bên cạnh đó, tỷ suất sinh lời của Phương Nam khá thấp, so sánh với Sacombank và cả các NH khác trong hệ thống.
Nhưng qua thương vụ này, ông chủ lớn của cả 2 NH này là Trầm Bê (và gia đình) giảm tỷ lệ sở hữu về dưới mức tối đa cho phép (5% đối với cá nhân và 20% đối với cổ đông và người liên quan) nhưng thế lực lại không hề giảm đi và sẽ còn mạnh hơn khi quyền lực về một mối.
Vòng quay kỳ công của Trầm Bê
Cơ sở thành công của thương vụ M&A giữa Sacombank và Southern Bank là rất lớn. Ngoại thiên thời là quá trình tái cơ cấu NH đang được đẩy mạnh.
Trong khi đó, điều cốt lõi là Sacombank và Southern Bank có điểm tương đồng về chủ sở hữu. Ông Trầm Bê và gia đình đang là cổ đông lớn chi phối tới 21% Southern Bank, giữ nhiều chức vụ quan trọng nhất tại đây. Trong khi tại Sacombank, nhóm cổ đông này cũng đang nắm giữ khoảng 6,7%, chưa kể tới khả năng tỷ lệ có thể còn lớn hơn rất nhiều thông qua hình thức nhờ người khác đứng tên cổ phiếu.
Một phép cộng đơn giản về quy mô và ảnh hưởng của ngân hàng mới đã cho thấy bước đi khôn ngoan và quyền lực thực sự của một trong những người giàu có và kín tiếng nhất trên thị trường tài chính - ông Trầm Bê.
Chủ trương tìm kiếm NH nhỏ hơn để sáp nhập của Sacombank và tình cảnh không thể tự tái cấu trúc của Phương Nam cũng là những yếu tố có thể giúp thương vụ M&A này dễ dàng xảy ra. Nhưng tình thế của hai NH hiện nay không ngẫu nhiên mà có. Đây hẳn là một thương vụ này có dấu ấn của ông Trầm Bê và gia đình. Ván cờ dường như đã được tính toán từ rất lâu và nó đang diễn ra theo một kịch bản ít nhiều đã được nói đến.
Câu chuyện giữa Sacombank và Southern khiến cho người ta nhớ lại vụ thâu tóm Sacombank đầy bí ẩn và ly kỳ cách đây 2 năm. Ván bài tưởng chừng như được lật ngửa khi Eximbank tuyên bố cùng một số nhóm đầu tư nắm giữ trên 51% cổ phần Sacombank và yêu cầu bầu lại HĐQT. Sau đó, ông Thành và các thành viên gia đình lần lượt rời khỏi Sacombank.
Nhưng, hàng loạt các giao dịch lớn bất thường liên quan tới Eximbank, Sacombank trong một thời gian dài sau đó cùng sự xuất hiện của nhóm cổ đông ông Trầm Bê cho thấy sự việc không chỉ dừng lại tại đó. Dòng tiền quay chóng mặt và giờ đây là khả năng Phương Nam về với Sacombank và 3-5 năm nữa là Sacombank hợp nhất với Eximbank cho thấy những nước đi có lẽ đã được tính toán. Đến nay, việc "về một nhà" là đoạn kết đúng kịch bản và có lợi cho cổ đông các bên.
Một điểm cũng khiến nhiều người đặt nghi vấn là tỷ lệ nắm giữ của gia đình ông Trầm Bê tại Sacombank hiện tại thực sự là bao nhiêu. Nếu đó vẫn là một con số lớn thì khi NH mới ra đời, sự chi phối của đại gia này có thể lại gây ra lo ngại về những câu chuyện cũ đã từng xảy ra ở Phương Nam.
Tỷ lệ sáp nhập cũng là một điều được nhiều người quan tâm. Hiện Phương Nam có giá khoảng 7.000 -8.000 đồng/cp, so với mức giá 20.700 đồng/cp của STB. Nhiều NĐT cũng đang ngóng chờ tin tức về kế hoạch chia cổ tức, rới room ngoại và chia 100 triệu cổ phiếu quỹ, thặng dư vốn cho cổ đông của Sacombank. Tất cả sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông 2 NH như những vụ sáp nhập, hợp nhất đã từng xảy ra.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Cột tin quảng cáo