Cửa ngõ vào thị trường châu Phi
Việt Nam và Nam Phi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1993. Từ đó đến nay quan hệ hữu nghị giữa hai nước rất tốt đẹp. Hai bên đã có nhiều cuộc gặp của các lãnh đạo hai nước nhằm củng cố và thúc đẩy các mối quan hệ chính trị, kinh tế…, đặc biệt là quan hệ kinh tế - thương mại ngày càng phát triển.
Những chấm phá đáng ghi nhận
Nam Phi là quốc gia thuộc cực nam châu Phi, cơ sở hạ tầng và nền kinh tế phát triển vào loại nhất của châu Phi. Nam Phi là quốc gia rất nhiều tiềm năng, thế mạnh trên nhiều lĩnh vực: giàu về tài nguyên thiên nhiên và là nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp đứng đầu châu Phi. Các ngành công nghiệp khai thác mỏ, chế tạo máy, chế biến nông sản, thực phẩm, thương mại… của Nam Phi phát triển mang tầm quốc tế.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Nam Phi luôn phát triển theo hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tuy chưa có con số ấn tượng như một số thị trường khác nhưng đã tạo nét chấm phá rõ ràng. Đơn cử, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) năm 1993 mới chỉ là 35 nghìn USD; năm 1994 là 46 nghìn USD; năm 1995 là 4,311 triệu USD; năm 1996 là 4,8 triệu USD; năm 1997 là 21,5 triệu USD; đến năm 2010 là 659 triệu USD; năm 2012 là 770 triệu USD, trong đó XK là 630 triệu USD; năm 2013 kim ngạch XNK là 905 triệu USD, trong đó XK là 765 triệu USD (tăng 21% so với năm 2012); năm 2014 đạt 962 triệu USD, trong đó XK đạt 815 triệu USD (tăng 6,5% so với năm 2013).
Ông Nguyễn Hồng Tiến- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nam Phi - cho biết, một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh XK sang Nam Phi năm 2014 tăng so với cùng kỳ năm 2013 như: hạt tiêu tăng khoảng 9%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 17%; máy tính, sản phẩm điện tử tăng 26%; máy móc, phụ tùng tăng 6%; giày dép các loại tăng 3%... Đặc biệt cà phê tăng mạnh nhất lên đến 71%.
Các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại bằng cách tiếp cận thị trường cả chiều sâu và chiều rộng, mà việc cần làm ngay đó là công tác nghiên cứu để tiếp xúc trực tiếp với ban lãnh đạo tại các tập đoàn, siêu thị để quảng bá, chào hàng; giới thiệu sản phẩm…
Bứt phá để tạo đà
Tại một địa bàn được coi là thị trường chủ lực và là cửa ngõ chiến lược để hàng Việt Nam vào châu Phi với thực tế là nơi có môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư khá ổn định; tiềm năng tài nguyên nhiều và nhu cầu cao nhưng câu hỏi được đặt ra là nhiều năm nay hàng Việt vào Nam Phi vì sao chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của mỗi nước.
Điều này có nhiều nguyên nhân trong đó cần kể đến nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng ở nước sở tại. Điều đáng nói ở đây là tính cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt khiến cho hàng hóa Việt Nam XK sang thị trường Nam Phi bị hạn chế. Ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam nên biết rằng ngành nội thương Nam Phi hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường thông qua hệ thống các siêu thị bán buôn, bán lẻ mà màng lưới đã phủ khắp các vùng, miền của Nam Phi. Hệ thống siêu thị đa quốc gia và hệ thông siêu thị nội địa đã hình thành và đi vào hoạt động từ lâu năm, như hệ thống Makro, Metro, Woolworth,… và hệ thống siêu thị nội địa như Pick n Pay, Spar, Supe spa, Checkers…
Những tập đoàn siêu thị này đã có bề dày, thâm niên trong ngành khá cao nên hoạt động kinh doanh thương mại rất có bài bản và kinh nghiệm thương trường trên toàn cầu. Thực tế tại Nam Phi nó đã ổn định với các kênh riêng để có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng mua sắm hàng ngày của người dân Nam Phi. Điều đó cho thấy hàng hóa của các nước khác (nếu không phải là bạn hàng truyền thống) mà vào được thị trường Nam Phi là cả một bài toán khó đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức mới có thể mang lại hiệu quả có tính bứt phá.
Theo Công Thương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo