Cục cảnh sát nói sai, doanh nghiệp Nhà nước nói đúng
Qua kiểm tra, cảnh sát môi trường kết luận hai doanh nghiệp này hoạt động từ những năm 80 thế kỷ trước đến nay. Quá trình khai thác gỗ rừng, trồng rừng và chế biến lâm sản ảnh hưởng nhiều đến môi trường; làm mất cân bằng sinh thái; tác động xấu đến hệ động thực vật; cạn kiệt tài nguyên; tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, xói mòn...
Các công ty trên không thực hiện các hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường. Lãnh đạo hai doanh nghiệp trên cũng không tìm hiểu các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực doanh nghiệp mình hoạt động.
Văn bản ghi rõ hai công ty này đã không lập và thực hiện báo cáo tác động môi trường (mức phạt 200 – 300 triệu đồng), không cam kết bảo vệ môi trường (mức phạt 15 – 25 triệu đồng); không đăng ký sổ chủ nguồn chất thải nguy hại (mức phạt 40-70 triệu đồng); chuyển giao chất thải nguy hại cho cá nhân không đủ điều kiện về quản lý, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy (mức phạt 100-150 triệu đồng).
Tuy nhiên, sau đó Cục Cảnh sát môi trường không xử phạt hai doanh nghiệp này. Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ yêu cầu hai doanh nghiệp này có kế hoạch khắc phục các hành vi vi phạm, không ra quyết định xử phạt hành chính…(?!)
Ngay sau đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương đã có văn bản phản bác lại kết luận của Cục cảnh sát môi trường rằng “Chưa có văn bản hướng dẫn nào của các bộ, ngành liên quan về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trong khai thác gỗ và trồng rừng” nên “không thể cho rằng công ty đã vi phạm việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường”.
Ngày 10.7, ông Nguyễn Hai, giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa cũng khẳng định “Công ty chúng tôi không sai.”
Ông Nguyễn Sỹ Ngọc, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Khánh Hòa cho biết cả tỉnh Khánh Hòa chỉ có hai doanh nghiệp này được giao chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên. Mỗi năm giao khoảng 14 ngàn mét khối, lượng gỗ này chỉ tập trung tại huyện Khánh Vĩnh chia đều cho cả hai doanh nghiệp. Và hai doanh nghiệp này đang quản lý khoảng gần 80 ngàn héc ta rừng tại huyện miền núi này.
Tuy nhiên, trên thực tế, nước ta đã có Luật Bảo vệ phát triển rừng, có Nghị định 29/2011 quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường.
Còn theo Điều 10, Thông tư số 26/2011 của Bộ Tài nguyên- Môi trường quy định về đối tượng báo cáo đánh giá tác động môi trường, hai công ty này thuộc đối tượng phải lập báo cáo tác động môi trường bởi hàng năm khai thác tới 7.000m3 gỗ là đang thực hiện “dự án có tên gọi khác nhưng có quy mô tương đương”.
Trong một diễn biến khác, ngày 13.1.2011, Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa có quyết định giao chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên cho hai doanh nghiệp này mỗi doanh nghiệp 7.000 m3.
Thế nhưng đến 7.3.2011, Tổng cục Lâm nghiệp mới có công văn về việc thẩm định hồ sơ khai thác gỗ năm 2011 của tỉnh Khánh Hòa, theo đó chỉ có Cty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa được khai thác 7.000 m3.
Trong những năm vừa qua, Khánh Hòa luôn thuộc nhóm các địa phương giao chỉ tiêu khai thác rừng tự nhiên nhiều nhất nước. Mặc dù, báo cáo kinh tế xã hội của tỉnh Khánh Hòa năm 2008 nhận định “một thực tế đang diễn ra là khai thác gỗ nhà nước nhiều năm qua luôn vượt mức kế hoạch từ 50-70%.
Ví như năm 2006: 21.715 m3/ kế hoạch 12.000 m3, năm 2007: 23.853 m3/ kế hoạch 14.000 m3 và năm 2008: 21.773 m3/kế hoạch 14.000 m3. Trong khi đó diện tích rừng trồng tập trung có xu hướng giảm mạnh (năm 2005: 2.550 ha, năm 2006: 2.154 ha, năm 2007: 964 ha, năm 2008: 300 ha).
Với kết quả khai thác rừng nhiều hơn trồng rừng, tỷ lệ che phủ của rừng năm 2008 chỉ được 40,5%, cần có biện pháp tích cực hơn để giữ rừng và tăng diện tích trồng rừng tập trung.”
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo