Cục Hàng không muốn tăng giá bay giờ cao điểm
Cục Hàng không Việt Nam mới vừa trình Bộ Giao thông thông vận tải xây dựng quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ hàng không, trong đó, giá dịch vụ cất hạ cánh đối với lĩnh vực hàng không cũng sẽ được tính theo khung giờ, cao điểm và thấp điểm.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, mức giá dịch vụ hạ - cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa đã được duy trì trong vòng 5 năm (từ 1/12/2011 đến nay) và so với bình quân khu vực ASEAN, giá dịch vụ hạ - cất cánh tàu bay với các chuyến bay nội địa của Việt Nam là khá thấp, chỉ bằng từ 47% đến 68% tùy loại tàu bay.
Còn báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, để đảm bảo doanh thu về dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa đủ bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ tương ứng (hòa vốn) thì mức giá dịch vụ hạ - cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa cần được điều chỉnh tăng 225%, so với mức giá hiện tại. Còn để ACV đạt tỷ suất lợi nhuận 10% thì mức giá dịch vụ hạ - cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa cần được điều chỉnh tăng 258% so với mức giá hiện tại.
Hơn nữa, khu bay chuyển giao lại cho Nhà nước. Việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, đầu tư mới đường băng, đường lăn... của 21 cảng hàng không sẽ do Nhà nước bố trí kinh phí từ nguồn thu liên quan đến cung cấp dịch vụ tại khu bay (thu dịch vụ hạ cất cánh) hoặc từ ngân sách Nhà nước. Do vậy, mức giá dịch vụ hạ cất cánh cần được xem xét, điều chỉnh phù hợp, đảm bảo nguồn thu của Nhà nước, đủ bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, đồng thời có nguồn tích lũy để nâng cấp, đầu tư mới đường băng, đường lăn theo định hướng của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế như hiện nay.
Cụ thể, Cục Hàng không đề xuất, các cảng hàng không nhóm A, B, bao gồm Tân Sơn Nhất và Nội Bài sẽ tăng giá dịch vụ 15% so với mức hiện hành. Mức giá mới vào giờ cao điểm sẽ tăng thêm 15% và giảm 15% vào giờ thấp điểm. Các cảng hàng không nhóm C sẽ áp mức giá bằng 60% so với cảng nhóm B trong giờ cao điểm.
Tuy nhiên, để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất lộ trình điều chỉnh một số giá dịch vụ. Trong đó, giá dịch vụ hạ, cất cánh đối với chuyến bay quốc nội: Giai đoạn 1 (áp dụng từ ngày 1/7/2017), tăng 5% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với chuyến bay quốc nội; Giai đoạn 2 (áp dụng từ ngày 1/1/2018), tiếp tục tăng thêm 10% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đến đối với chuyến bay quốc nội.
Cụ thể, mức giá cất hạ cánh áp dụng đối với các chuyến bay nội địa tại các sân bay nhóm A và B được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất: Trong khung giờ bình thường (giai đoạn 1) là 698.000 đồng/lần cho máy bay trọng tải cất cánh tối đa dưới 20 tấn, và cao nhất là hơn 10,5 triệu đồng/lần cho máy bay cất hạ cánh có trọng tải từ 250 tấn trở lên.
Từ giai đoạn 2, giá sẽ tăng lên, với máy bay cất/hạ cánh có tải trọng tối đa dưới 20 tấn là 765.000 đồng/lượt, cao nhất đối với máy bay cất/hạ cánh có tải trọng đối đa 250 tấn trở lên là hơn 11,6 triệu đồng. Vào khung giờ cao điểm, giá dịch vụ cất hạ cánh sẽ thu bằng 115% giá dịch vụ cất hạ cánh khung giờ bình thường.
Đối với giá dịch vụ sân đậu tàu bay đối với chuyến bay tại sân bay căn cứ của nhà khai thác tàu bay tại Việt Nam: Giai đoạn 1 (từ ngày 1/7/2017), áp dụng giá dịch vụ sân đậu tại cảng hàng không căn cứ thu bằng 30% mức thu theo giờ đối với chuyến bay quốc nội tương ứng; Giai đoạn 2 (từ ngày 1/1/2018), áp dụng giá dịch vụ sân đậu tại cảng hàng không căn cứ thu bằng 50% mức thu theo giờ đối với chuyến bay quốc nội tại tương ứng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp Canada với thị trường Việt Nam
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sáng 8/11 sau khi Fed hạ lãi suất
Đưa hàng Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng ở Đông Bắc Thái Lan
Giá nông sản ngày 8/11/2024: Hồ tiêu tăng trở lại, cà phê giảm nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 8/11/2024: USD giảm sau khi Fed điều chỉnh lãi suất
Giá heo hơi ngày 8/11/2024: Ổn định trên diện rộng