Doanh nhân

Cục phó Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Người Việt giàu xổi sẽ khó bền vững"

Trong khi doanh nghiệp Nhật biết tận dụng sáng tạo của người Việt thì giới giàu Việt lại muốn giàu nữa bằng bất động sản, chứng khoán mà không sẵn sàng đầu tư cho tương lai...một thực tế đang diễn ra trong tư duy làm giàu của người Việt.

Chia sẻ với thế hệ doanh nhân trẻ trong buổi thảo luận tổ chức tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều 12/12, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp và thị trường, Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, nghiên cứu khoa học để lấy bằng khen treo lên tường đã là các lỗi thời. Hiện tại, việc sáng tạo đồng nghĩa với kiếm được tiền từ chính sáng tạo đó.

Đau xót vì sáng tạo, chất xám bị chảy máu

Theo lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ, người yêu nước nhất phải là người có tài năng, đóng góp nhiều giá trị kinh tế. Việc sử dụng trí tuệ của người khác, giữ nhiều người tài cùng cống hiến, làm giàu, không làm chảy máu chất xám cũng được cho là yêu nước. “Trung Quốc bắt chước Mỹ, Nhật làm rất lâu rồi. Ta hiện nay chưa làm được điều đó, nhiều người ra đi, nhiều người chưa trở về hoặc trở về rồi lại ra đi”, ông chia sẻ.

“Nhiều sản phẩm ở Mỹ, Singapore bán tốt nhưng tại Việt Nam lại không ai đầu tư. Người giàu thì muốn giàu nữa bằng những biện pháp nhanh nhất là đầu tư vào chứng khoán, bất động sản nhưng lại quên việc đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. Người có sản phẩm tốt nhưng đôi khi khó lập nghiệp vì không được hỗ trợ”, lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ trăn trở. Theo ông, nếu người đi trước không đỡ người đi sau, chỉ chăm chăm làm giàu cho mình, thì kết quả chung sẽ không hiệu quả. 

Ông Quất cũng dẫn ví dụ về câu chuyện nhiều tỷ phú thế giới như Bill Gates, Warren Buffett hay gần đây ông chủ Facebook vận động người giàu cam kết đầu tư cho thế hệ tương lai mà không đòi hỏi gì ngoài sáng tạo. “Mỹ giàu vì có nhiều người muốn làm cho thế hệ tiếp theo giàu chứ không riêng cho con cái của mình”, ông kết luận.

Câu chuyện chảy máu chất xám và chưa tận dụng được sự sáng tạo của thế hệ trẻ, trong đó có giới doanh nhân khởi nghiệp cũng được bà Bùi Thu Thủy, Cục phó Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra.

Bà Bùi Thu Thủy

Bà Bùi Thu Thủy, Cục phó Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết bà thấy đau xót khi sáng tạo của người Việt lại chưa được tận dụng tốt. Ảnh: Đan Anh.

Bà Thủy kể, trong chuyến thăm Nhật Bản gần đây, bà được biết đến loại máy trợ thở cho trẻ sinh non. Bất ngờ hơn, chiếc máy đó là sản phẩm sáng tạo của 5 sinh viên Việt Nam. 5 sinh viên này khi đó đang học năm cuối Cao đẳng Công nghệ TP HCM được một doanh nhân Nhật Bản đầu tư 800.000 USD và tạo ra chiếc máy sau 3 năm nghiên cứu.

 “Đó là điều đau xót. Để cho các bạn phải sang Nhật, làm thành công sản phẩm với số tiền không lớn nhưng lại có giá trị gia tăng quá lớn, sản phẩm hoàn toàn dựa trên tri thức của Việt Nam”, bà Thủy tâm sự và kết luận, không thể muộn thêm nếu như chúng ta không nghĩ đến chương trình tổng thể để hỗ trợ doanh nhân, biến hoạt động kinh doanh dựa trên hàm lượng tri thức, sáng tạo.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia nêu ý kiến, ông cảm thấy buồn vì câu chuyện chỉ gia công của một bộ phận doanh nghiệp Viêt. “40 tuổi chưa giàu thì khó giàu, nhưng hiện nay nhiều người U30 cũng rất giàu rồi, cần có thống kê lại để giao lưu học hỏi. Hội nhập, nhiều quốc gia có rào cản tinh vi, đòi hỏi cao về bảo hộ, sở hữu trí tuệ nên chúng ta cần phải cạnh tranh bằng đầu óc, sáng tạo, khiến cho họ tâm phục, khẩu phục”, ông nói.

Theo lãnh đạo VCCI, Nhà nước cần có chính sách nuôi dưỡng, nâng cấp, phát triển nhân rộng điển hình. Trong thực tế, nhiều người đam mê và thậm chí khởi nghiệp bằng bán hoa, ăn uống, cũng nên được khuyến khích. Song điều cần làm, theo ông Phòng, là làm sao để không bị chảy máu chất xám vì đúng là có không ít người khởi nghiệp không quá quan tâm thu nhập mà chỉ quan tâm đến môi trường.

Doanh nhân trẻ sợ gì?

“Thay đổi chưa chắc đã tốt hơn. Nghĩ vậy nên chúng tôi chỉ dám đầu tư về nông thôn, trong địa bàn tỉnh, không phải sang tỉnh khác vì lo không làm được, sẽ bị phá sản. Đó là lo sợ không chỉ của riêng tôi mà nhiều doanh nghiệp khác”, anh Trịnh Văn Dương, lãnh đạo Công ty Thiên Sơn, kinh doanh đa ngành, trong đó có ngành may mặc, chia sẻ. Theo lời doanh nhân này, anh thấy hổ thẹn vì lâu nay doanh nghiệp hơn 8.500 công nhân của anh vẫn được mệnh danh là đi đầu về ngành may mặc nhưng lại chưa bán được hàng sang nước ngoài một cách đúng nghĩa, hay đưa thương hiệu ra thế giới.

Còn theo ông Cao Thế Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty truyền thông Alo, với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ, quan trọng nhất hiện nay là ứng dụng công nghệ vào kinh doanh. Theo ông Thế Anh, công nghệ và thương hiệu phải đi cùng với nhau. Bình luận về câu chuyện khởi nghiệp của người trẻ, ông Thế Anh cho biết, nếu không làm cẩn thận rất nguy hiểm do bên cạnh những người thực sự đam mê, không ít bạn trẻ ảo tưởng.

“Cũng nên có định nghĩa đầy đủ về doanh nhân và tiêu chí của doanh nhân khởi nghiệp. Sản phẩm đã gắn mác Made in Vietnam thì cũng cần uy tín, khôn có hàng giả, hàng nhái nếu không cứ làm ra sản phẩm nhưng vô hình trung chính chúng ta tự giết nhau. Đó cũng là thương hiệu quốc gia”, doanh nhân trẻ này nêu quan điểm.

Nỗi sợ thứ hai đối với những doanh nhân trẻ mới bắt đầu việc kinh doanh là chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Đặng Xuân Huy, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cũng chia sẻ: “Tuy nhà nước đã có chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng cảm nhận đâu đó còn sự chậm chạp từ bộ ngành, thủ tục hành chính, cách tiếp cận, mô hình thành công hay chưa thành công, doanh nghiệp còn khá lơ mơ. Chưa kể, việc tiếp cận quỹ gặp nhiều khó khăn”.

Về ý kiến này, ông Phí Đình Kiên, top 100 doanh nhân trẻ tiêu biểu chia sẻ: “Chúng tôi nhìn thấy Chính phủ nỗ lực thì chúng tôi sẽ quyết tâm. Nếu quỹ có 2.000 tỷ mà đầu tư cho chúng tôi 500 tỷ, chắc chắn chúng tôi sẽ đẻ ra 1.000 tỷ”.

Với những đề xuất như vậy, bà Bùi Thu Thủy cho hay, doanh nghiệp và người trẻ khởi nghiệp nên tự cứu mình trước rồi mới tính đến trông chờ Chính phủ. Bà cho rằng, định hướng làm start-up không phải chỉ để mở thêm doanh nghiệp mà còn khuyến khích cách làm mới, đó chính là hỗ trợ để lập nghiệp. “Điều quan trọng nhất là sự khác biệt, làm cái mà người khác chưa làm trong khi thị trường cần. Doanh nghiệp chết rất nhiều, nhưng không phải là thất bại”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư chia sẻ.

Tổng hợp theo Doanhnhanthanhdat/Zing

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo