Pháp luật

Cục thi hành án dân sự TP. Hải Phòng có dấu hiệu phạm tội?

Hai cấp tòa đã tuyên án nhưng bà Nguyễn Thị Tuyết Len - người đã bị HĐQT Công ty CP. Công nghệ phẩm Hải Phòng (CTCNP) bãi nhiệm chức vụ Giám đốc - cùng một nhóm cổ đông (NCĐ) nhỏ lẻ vẫn chiếm con dấu, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chiếm giữ trụ sở doanh nghiệp, đẩy Chủ tịch HĐQT, Giám đốc đương nhiệm cùng NCĐ nắm giữ gần 90% cổ phần (cổ đông chi phối) ra khỏi doanh nghiệp.

 

Vụ “cướp” doanh nghiệp trắng trợn, kéo dài tới 4 năm nay, đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc 2 lần có ý kiến chỉ đạo; được Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, báo Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn) và hàng loạt các tờ báo khác như: Người Cao tuổi, Pháp luật & Đời sống; Nhà báo & Công luận; Thanh tra; Hải Phòng v.v. lên tiếng bảo vệ công lí, bảo vệ những người bị hại (đăng bài và gửi công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND Tp. Hải Phòng v.v. chỉ đạo thưc hiện), nhưng đến nay vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm. Sự cố tình trì hoãn công tác thi hành bản án trong vụ “cướp” doanh nghiệp ở đây có dấu hiệu phạm tội.

Không còn lí do để trì hoãn thi hành bản án!
 
Trước đây, với lí do, nội dung quyết định bản án của Toà án chưa rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên Cục Thi hành án Dân sự thành phố Hải Phòng  không thể thi hành án được. Đây là lí do chính khiến vụ việc trở nên phức tạp và kéo dài. Trước tình hình đó, ngày 31/12/2014, Tổng cục Thi hành án Dân sự đã tổ chức cuộc họp liên ngành và kết luận: Toà án Nhân dân Tối cao  phải có văn bản giải thích  mới có thể tổ chức thi hành được! đồng thời giao cho Cục Thi hành án Dân sự thành phố Hải Phòng chủ động, tích cực liên hệ Toà phúc thẩm Toà án nhân dân Tối cao sớm có văn bản giải thích để có cơ sở tổ chức thi hành vụ việc.
 
 
 
Thì đây, ngày 11/02/2015, Toà Phúc thẩm Toà án Nhân dân tối Cao đã có Công văn số 209/2015/CV-TPT về việc giải thích rõ Bản án với nội dung cơ bản như sau: 
 
"... Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 28/5/2013 của Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Hải Phòng có hiệu lực pháp luật và phải được các cổ đông và những người liên quan (trong đó có bà Nguyễn Thị Tuyết Len nghiêm chỉnh thi hành). Theo đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Len không còn là Giám đốc công ty, không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Hải Phòng kể từ ngày 21/11/2011, bà Nguyễn Thị Tuyết Len phải bàn giao lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, con dấu và các tài sản mà bà đang chiếm giữ của Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Hải Phòng cho Công ty".
 
Như vậy, Bản án của Tòa Phúc thẩm Tòa án án Nhân dân Tối cao đã quá rõ ràng; yêu cầu của Cục Thi hành án Dân sự thành phố Hải Phòng và các cơ quan, các cá nhân liên quan trong vụ án đã được đáp ứng đầy đủ - không còn lí do gì để trì hoãn công tác thi hành bản án. Tuy vậy, không hiểu vì lý do gì mà từ khi có  Công văn giải thích Bản án của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao đến nay đã hơn 02 tháng nhưng Cục Thi hành án Dân sự thành phố Hải Phòng vẫn không tổ chức thi hành Bản án đã có hiệu lực pháp luật? 
 
 
Văn phòng Chính phủ gửi Công văn tới UBND Tp. Hải Phòng.
 
Ai chịu trách nhiệm về những thiệt hại đối với Công ty?
 
Việc thị hành bản án kéo dài đã và đang gây thiệt hại nặng nề với Công ty CP Công nghệ phẩm Hải Phòng. Theo báo cáo của Công ty, từ khi doanh nghiệp bị “cướp”, tiền thuế đất các đơn vị trực thuộc đã nộp về Công ty nhưng bà Len chỉ đạo chưa thực hiện, tạm tính đến hết quý IV/2014 còn nợ tại Chi Cục thuế quận Hồng Bàng hơn một tỷ đồng;  
 
Tiền bảo hiểm xã hội của người lao động các đơn vị đã nộp về Công ty nhưng hiện nay bà Len sử dụng nguồn tiền đó vào mục đích cá nhân mà không nộp cho Bảo hiểm Xã hội quận Hồng Bàng. Số tiền hiện còn nợ Bảo hiểm Xã hội tính đến hết quý IV/2014  gần 400.000 triệu đồng. Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động
 
Thu nhập của người lao động bị cắt giảm sai nguyên tắc, nhiều người lao động đã buộc phải nghỉ việc, một số người đã buộc phải làm đơn khởi kiện ra Tòa án;
 
4 năm nay, Cổ đông Công ty không được chi trả cổ tức;
 
Tài khoản Ngân hàng và phần Vốn lưu động lớn của Công ty bị chi dùng vào bất kỳ mục đích nào của cá nhân bà Len mà Công ty không thể kiểm soát được. Phần lớn hệ thống khách hàng, bạn hàng trong và ngoài nước của Công ty đã mất hẳn niềm tin và không còn hợp tác với Công ty nữa;
 
Lợi dụng việc chiếm giữ con dấu, Giấy phép đăng ký kinh doanh, chiếm đóng trụ sở Công ty, bà Len đã lừa đảo khách hàng, bán cổ phần không có thật (giá trị lên đến hàng tỷ đồng) cho khách hàng. Bà Len thực hiện việc ký kết các hợp đồng liên doanh liên kết trái luật và điều lệ Công ty khi quyền hạn và trách nhiệm của bà Len không còn nữa.
 
Nếu việc thi hành bản án tiếp tục kéo dài, những thiệt hại do bà Len gây ra sẽ khôn lường và ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra cho Công ty? Ngày 15 tháng 4 năm 2015, trong  ĐƠN YÊU CẦU THI HÀNH ÁN KHẨN CẤP gửi Cục Thi hành án Dân sự  Tp. Hải Phòng,  Công ty CP CNP Hải Phòng nêu rõ. “ Kể từ ngày chúng tôi có đơn này, mọi thiệt hại về tài sản, tính mạng con người,... xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Hải Phòng do việc chậm trễ trong thi hành án thì ông Cục trưởng cùng  Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và bồi thường!”
.  
Có dấu hiệu phạm tội
 
Việc cố tình trì hoãn thi hành bản án là không tuân thủ theo quy định của pháp luật; không những gây thiệt hại nặng nề cho Công ty mà còn có dấu hiệu phạm tội. Cụ thể là các tội danh: Tội thứ nhất là không chấp hành án theo Điều 304 Bộ luật hình sự. Điều 304 của Luật này nêu rõ: “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
 
Tội thứ hai là không thi hành án theo Điều 305 Bộ luật hình sự. Điều 305 của Luật này nêu rõ “Người nào có thẩm quyền mà cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”
 
Tội thứ ba là Cản trở việc thi hành án theo Điều 306 Bộ luật hình sự: Điều 306 của Luật này nêu rõ: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”
 
Doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục cập nhật thông tin về vụ án này ./.
 
 
 

 

Minh Cao
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo