Pháp luật

Cục Thi hành án Dân sự TP Hải Phòng

Doanh nghiepvn.vn đã đăng bài “ Có nên cưỡng chế thi hành án để đẩy các bên và cơ quan hữu quan vào thế ngang trái”. Phán ánh việc Cục Thi hành án Dân sự TP Hải Phòng tiến hành kê biên, xử lý tài sản thế chấp ngân hàng của Công ty TNHH In và Quảng cáo Trường Hồng không đúng quy định, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, gây ra những hệ lụy ngang trái khó khắc phục. Chúng tôi tiếp tục phân tích rõ hơn về những sai phạm này.

Xin nhắc lại, tại hợp đồng tín dụng số 04 và hợp đồng thế chấp tài sản số 35 ký ngày 23/5/2014 với Ngân hàng Eximbank, Công ty Trường Hồng thế chấp 17 hạng mục tài sản, bao gồm cả chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di chuyển trên diện tích 13.000,7m2, chi phí khảo sát địa chất (1), khoan thăm dò (2), san lấp mặt bằng (3), cổng và tường bảo vệ (4), hệ thống thoát nước (5), hệ thống sân và nội bộ (6) hệ thống cây xanh (7), hệ thống phòng cháy chữa cháy (8) và hệ thống điện và nước ngoài nhà (9).

 Văn bản số 1529/CTHADS-NV ngày 10/11/2017 trả lời kiến nghị của Công ty Trường Hồng của Cục Thi hành án Dân sự TP Hải Phòng do Phó Cục trưởng Lương Văn Lịch ký lại bao biện cho việc làm sai để cố tình cưỡng chế thi hành án

Nên đọc


Theo chứng thư thẩm định giá số 86/CTh-HPV ngày 16/5/2014 của Công ty CP Thẩm định giá Hải Phòng thẩm định giá tài sản làm cơ sở đảm bảo vay vốn Ngân hàng Eximbank, giá trị các hạng mục trên được định giá trên 10 tỷ đồng.Thế nhưng, khi kê biên, thẩm định giá và bán đấu giá, Cục Thi hành án Dân sự TP Hải Phòng “bỏ sót” các tài sản này. Tại chứng thư thẩm định giá số V1620138/CT-TĐG ngày 15/11/2016 của Công ty CP Thẩm định và Công nghệ Việt Nam thẩm định giá theo yêu cầu của Cục Thi hành án Dân sự TP Hải Phòng cũng không thẩm định giá các tài sản nêu trên.

Tuy nhiên, văn bản số 1529/CTHADS-NV ngày 10/11/2017 trả lời kiến nghị của Công ty Trường Hồng của Cục Thi hành án Dân sự TP Hải Phòng do Phó Cục trưởng Lương Văn Lịch ký lại bao biện cho việc làm sai để cố tình cưỡng chế thi hành án. Văn bản nêu: “Việc Công ty Trường Hồng liên tục có đơn kiến nghị trong chứng thư thẩm định giá tài sản thế chấp của Công ty thiếu 03 hạng mục đầu tư gồm: Đền bù giải phóng mặt bằng; san lấp mặt bằng; sân, đường và bồn cây. Cục thi hành án Dân sự TP đã có buổi làm việc với công ty và bên nhận tài sản thế chấp là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Chi nhánh Hải Phòng giải thích rõ các hạng mục tài sản trên là dự án vay vốn hình thành lên các tài sản gắn liền với đất làm căn cứ để các bên ký kết hợp đồng thế chấp tài sản số 35/EIBHP-TC/2014 ngày 23/5/2014, trong đó nêu rõ các hạng mục tài sản thế chấp là nhà xưởng, nhà kho, nhà lò hơi, gara ô tô… Những hạng mục tài sản này có được đương nhiên đã bao gồm 03 hạng mục mà công ty cho rằng còn thiếu …”.

Đành rằng, các hạng mục trên nằm trong hợp đồng thế chấp với Ngân hàng Eximbank, tuy nhiên, khi bán đấu giá tài sản thế chấp, Cục Thi hành án Dân sự Hải Phòng không định giá các tài sản này, phạm vi bán đấu giá chỉ gồm các tài sản được định giá là các vật kiến trúc trên đất, không bao gồm các hạng mục hạ tầng cơ sở, làm giảm giá trị tài sản bán đấu giá. Dự án xây dựng Nhà máy in và sản xuất bao bì carton của Công ty Trường Hồng  được đầu tư 40 tỷ đồng. Công ty Trường Hồng vay ngân hàng 17 tỷ 500 triệu đồng, đến nay đã trả được 11 tỷ 200 triệu đồng, gồm cả gốc và lãi. Trước thời điểm thi hành án, Công ty Trường Hồng còn nợ ngân hàng 13tỷ 700 triệu đồng (không được tính số tiền lãi đã trả 7 tỷ 400 triệu đồng).

Thực tế tài sản thế chấp gồm 17 hạng mục, mỗi hạng mục đều có chi phí đầu tư cụ thể. Tài sản là vật kiến trúc trên  đất khác với tài sản là các hạng mục đầu tư. Không hiểu vì động cơ gì, Cục Thi hành án Dân sự TP Hải Phòng đã tạo điều kiện cho người mua trúng đấu giá tài sản, hưởng lợi số tiền trên 10 tỷ đồng của Công ty Trường Hồng.Văn bản 1529 cũng khẳng định: “Người trúng đấu giá nhóm tài sản này được tiếp tục quản lý, sử dụng số năm thuê đất còn lại theo đúng mục đích mà Nhà nước cấp để thực hiện dự án” là không có căn cứ. Nếu người trúng đấu giá nhóm tài sản trên muốn tiếp tục thực hiện dự án, tại sao Cục Thi hành án Dân sự TP Hải Phòng không cho Công ty Trường Hồng thỏa thuận về việc chuyển nhượng dự án mà đi xé lẻ tài sản làm mất giá trị của tài sán bán đấu giá?!

 

Theo Điều 52, Luật Đất đai năm 2013, căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép mục đích sử dụng đất phải bao gồm: “Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.” Vậy người mua tài sản bán đấu giá đã đáp ứng các điều kiện nói trên chưa mà Cục Thi hành án Dân sự TP Hải Phòng kết luận họ sẽ tiếp tục được Nhà nước cho thuê đất?

Việc thi hành án có liên quan đến thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của UBND thành phố Hải Phòng nhưng Cục Thi hành án Dân sự TP Hải Phòng không xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan là tự tung tự tác.Hiện Nhà máy in và sản xuất bao bì carton của Công ty Trường Hồng  đang hoạt động, giải quyết việc làm cho 40 lao động.  Thay vì giải pháp tìm kiếm nhà đầu tư mới để kế thừa dự án, đảm bảo quyền lợi của Công ty Trường Hồng, Cục thi hành án Dân sự TP Hải Phòng lại tách riêng các hạng mục tài sản trong dự án để chuyển nhượng.

Văn bản số 1529/CTHDAS-NV của Cục Thi hành án Dân sự TP Hải Phòng chưa giải đáp được mâu thuẫn trong việc một thửa đất sẽ tồn tại hai dự án đầu tư? Những sai phạm của Cục thi hành án Dân sự TP Hải Phòng vừa xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Công ty Trường Hồng, Ngân hàng Eximbank, người lao động, vừa tạo ra các hệ lụy ngang trái không thể khắc phục được. Đề nghị Tổng cục Thi hành án, UBND TP Hải Phòng kiểm tra sự việc và yêu cầu Cục thi hành án Dân sự TP Hải Phòng ngừng thực thi các quyết định, hành vi thi hành án trái pháp luật như đã phân tích trên. Công ty Trường Hồng cũng đã tính đến khả năng khởi kiện quyết định, hành vi hành chính của Cục Thi hành án Dân sự TP Hải Phòng.                                                                                                                

PV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo