Cục trưởng cục viễn thông: Giá cước 3G vẫn còn thấp
“Giá cước các dịch vụ 3G hiện nay còn thấp hơn giá thành, cần phải điều chỉnh tăng lên để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập quốc tế”.
Đó là giải thích của Cục trưởng Cục Viễn thông, ông Phạm Hồng Hải tại buổi họp báo của Bộ Thông tin Truyền thông chiều 8/11 trước việc 3 nhà mạng lớn là Viettel, Mobiphone, Vinaphone đồng loạt tăng giá cước 3G.
Ông Hải cho biết: “Ngày 4/10, Cục đã có các công văn chấp thuận đăng ký giá cước Dịch vụ truy cập Internet thông tin di động của các doanh nghiệp. Phần lớn các gói cước có chu kỳ tính cước theo tháng, theo đó mỗi doanh nghiệp chỉ có 01 gói tính theo sử dụng thực tế để thuận tiện trong tính cước doanh nghiệp thường áp dụng trọn tháng hoặc 1/2 tháng. Vì vậy, khi không áp dụng được từ 01/10/2013 trước khi có văn bản chấp thuận, các doanh nghiệp áp dụng từ ngày 16/10/2013”.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Nam Thắng cũng cho biết: “căn cứ vào các quy định của pháp luật về viễn thông, về giá, về cạnh tranh và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, theo đó giá cước phải xác định trên cơ sở giá thành, cung cầu của thị trường, mặt bằng giá cước khu vực, thế giới; bảo đảm môi trường cạnh tranh, hội nhập quốc tế và các doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành”.
“Việc tăng hay giảm cước phụ thuộc vào giá thành và thị trường cũng như mặt bằng chung khu vực, quốc tế. Nếu năm 2014, giá thành dịch vụ 3G tiếp tục tăng cao hơn 167,66 đ/MB thì cước dịch vụ sẽ bắt buộc phải tăng theo để đảm bảo nguồn thu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu giá thành giảm bằng hoặc thấp hơn mức cước hiện nay là 100 đ/MB thì sẽ không có chuyện tăng giá”, Thứ trưởng Thắng nói thêm.
Cũng theo Bộ Thông tin Truyền thông so với giá cước dịch vụ viễn thông của thế giới và khu vực giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của thị trường Việt Nam sau khi điều chỉnh trung bình là 111 đ/MB chỉ bằng 34,9% mức giá cước trung bình của khu vực ASEAN là 318 đ/MB. Nếu so sánh tương đối theo thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI) thì mức giá cước của Việt Nam (4,8 USD) chỉ bằng 18% (trả trước) đến 27% (trả sau) so với mặt bằng chung thế giới, bằng 34% (trả trước) đến 57% (trả sau) so với mặt bằng chung khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Và theo đại diện Cục Viễn thông, đợt tăng giá cước dịch vụ 3G vừa qua chỉ có tác động đến 8,6% thuê bao trong tổng số 91 triệu thuê bao di động phát sinh cước trong tháng 9. Căn cứ vào những giải thích trên Bộ Thông tin truyền thông kết luận việc tăng giá cước 3G trong thời gian qua là hoàn toàn hợp lý.
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Cột tin quảng cáo