Xã hội

Cục trưởng Lê Hồng Sơn: “Đăng ký xe máy điện, lúng túng như gà mắc tóc”

Đây là nhận định của ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp. Theo ông Sơn, để xảy ra bức xúc trong dư luận như vậy, cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan tham mưu.

Ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp

Ngày 04/4/2014 của Bộ Công an có Thông tư 15/2014/TT-BCA, quy định về đăng ký xe (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2014) yêu cầu xe máy điện phải có giấy chứng nhận chất lượng đối với xe nhập khẩu, tuy nhiên loại giấy tờ này lại chưa từng được đặt ra đối với doanh nghiệp nhập khẩu xe máy điện trước đó - điều này thể hiện làm luật thiếu đồng bộ, thống nhất trong cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến thực trạng người dân đang sở hữu xe máy điện không thể đăng ký vì thiếu giấy tờ của xe, đồng thời cửa hàng bán xe máy điện cũng không thể lấy đâu ra loại giấy tờ này để cung cấp cho người mua.

Theo ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), người dân cũng như cơ quan công quyền đang “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Người dân muốn được đăng ký xe máy điện theo quy định cũng đành phải “bó tay” vì không có đủ giấy tờ của xe theo quy định. Cơ quan đăng ký và cấp biển số cũng gặp khó khăn tương tự. Người dân khi lưu hành xe ra đường lại sợ CSGT phạt vì lỗi lưu hành xe không có biển số, không được đăng ký.
 
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an hoặc một vài bộ, ngành khác có liên quan đến việc sản xuất hay nhập khẩu loại xe máy này chưa có các quy chuẩn cụ thể rõ ràng. Cái thiếu ở đây là chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật đầy đủ, đồng bộ cũng như thiếu quy định về một bộ hồ sơ đi liền với hàng hóa là xe máy điện.
 
“Ở đây tôi muốn nói đến hồ sơ, giấy tờ, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng chiếc xe máy điện một như chúng ta đã thực hiện đối với xe mô tô 2 bánh. Nếu áp các yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ tương tự như đối với xe mô tô thì rất bất cập so với thực tiễn lập hồ sơ giấy tờ hiện nay khi xuất xưởng và khi nhập khẩu đối với xe máy điện. Hiện nay, đa số các chủ sở hữu xe máy điện khi đi làm thủ tục đăng ký biển số xe, họ chỉ có vài ba thứ giấy tờ rất đơn giản”, ông Sơn nói.
 
Với các quy định hiện hành, khi sản xuất, nhập khẩu xe máy điện, các đơn vị đầu mối sản xuất, lắp ráp nhập khẩu không thể đưa ra được bộ hồ sơ như đang áp dụng đối với việc sản xuất, nhập khẩu xe mô tô 2 bánh. Các cửa hàng bán xe máy điện cũng như người dân khi mua xe máy này hoàn toàn không có một bộ hồ sơ như mua xe máy. Cửa hàng bán xe cũng như người mua xe máy điện cẩn thận lắm thì cũng chỉ có một hóa đơn đỏ.
 
Ông Sơn khẳng định: “Quy định hiện hành đang đánh đố người sản xuất, người nhập khẩu cũng như người dân mua sắm hàng hóa tài sản là xe máy điện. Người dân đang bị làm khó trong khi mà cửa hàng bán xe không cung cấp được đầy đủ giấy tờ cho người mua, còn cơ quan Công an lại yêu cầu những giấy tờ trên, cho nên người dân đứng ở giữa không biết phải làm sao.
 
Thực trạng nêu trên có thể nói là một sự chậm trễ, thiếu cách xử lý đồng bộ trước một yêu cầu của xã hội, yêu cầu quản lý, có biểu hiện đang lúng túng như gà mắc tóc. Người dân và xã hội bức xúc là rất chính đáng”.
 
Theo Cục trưởng Lê Hồng Sơn, phải có giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài, căn cơ. Cơ quan có thẩm quyền cần có ngay hướng dẫn kịp thời để giải quyết tình trạng bức xúc hiện nay của người dân muốn đăng ký, có biển số cho xe máy điện và hiện trạng hồ sơ xe máy điện tại các doanh nghiệp kinh doanh loại xe này hiện nay.
 
“Theo tôi, có thể sử dụng cách thức như đã áp dụng với việc cho phép chuyển quyền sở hữu, cấp giấy đăng ký mới cho những xe mô tô không chính chủ mà ta đã thực hiện vừa qua. Nghĩa là cho những chủ sở hữu xe máy điện mang các hồ sơ, giấy tờ mà họ có cùng với bản cam đoan có xác nhận đến cơ quan công an để làm thủ tục đăng ký cấp biển số xe cho các xe này. Với cách làm này, trong một thời gian hợp lý chúng ta có thể giải tỏa được những trường hợp đã mua xe máy điện từ trước đến nay, cấp ngay biển số xe cho các xe này. Cách làm này cũng rất cần có hướng dẫn kịp thời, cụ thể của Bộ Công an”, ông Sơn nói.
 
Về giải pháp căn cơ, lâu dài, theo ông Sơn, cần phải triển khai ngay việc nghiên cứu thực tiễn sản xuất, nhập khẩu cũng như giấy tờ, hồ sơ gắn với các xe máy điện để làm cơ sở xây dựng một thông tư hướng dẫn cụ thể về bộ hồ sơ, giấy tờ mà cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe máy điện phải cấp cho người mua.
 
Cơ quan Công an căn cứ vào bộ hồ sơ, giấy tờ này thực hiện việc đăng ký cấp biển số. Cách làm này giúp tạo nên sự liên thông, thống nhất các hồ sơ, giấy tờ của một chiếc xe máy điện để cấp cho người sở hữu và làm căn cứ cho cơ quan Công an cấp biển số xe. Loại hồ sơ, giấy tờ như thế nào cũng phải tính cho phù hợp với loại xe máy điện.
 
Cục trưởng Sơn cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc triển khai thiếu đồng bộ gây ra bức xúc lớn trong dư luận cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan tham mưu. Tình hình hiện nay đòi hỏi phải có ngay giải pháp, tuy nhiên tôi chưa thấy giải pháp cấp bách nào được đề xuất kịp thời. Ở đây có trách nhiệm của ngành Công an, Giao thông cũng như một vài ngành khác có liên quan. Đã đến lúc phải xem xét một cách nghiêm túc, cầu thị vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng, ban hành thể chế từ vấn đề đào tạo, tuyển dụng cho đến vấn đề sử dụng, quản lý, đặc biệt xác định rõ trách nhiệm của công chức thi hành công vụ. Có thành tích, có công thì phải được khen thưởng xứng đáng. Nếu có sai sót, vi phạm cần phải được xử lý nghiêm. Vấn đề cấp bách là phải nâng cao trách nhiệm của công chức trong quá trình thi hành nhiệm vụ, công vụ được giao, đặc biệt là vấn đề nghiên cứu, đề xuất chính sách, thể chế.
 
Nguyễn Hoàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo