Pháp luật

Cụm công nghiệp dệt - may Kim Lương Hải Dương: Dân khốn khổ vì dự án... “trong mơ”

Đã 8 năm trôi qua, khu đất cho dự án này mới chỉ được san lấp mặt bằng, xây tường rào và… để cỏ mọc.

Tám năm qua, hơn 2.000 người dân xóm 2 thôn Lương Xá xã Kim Lương (huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương)… đã giao nộp hơn 42 ha đất ruộng cho Công ty Dệt Phong Phú xây dựng cụm công nghiệp dệt - may. Dù chủ đầu tư hứa sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho 5.000 lao động, nhưng thời điểm này, cụm công nghiệp vẫn chỉ là bãi hoang.

 

Đền bù nhanh, triển khai chậm !

 

Ngày 29/10/2004, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương có Thông báo số 151/TB - UBND chấp thuận dự án đầu tư của Công ty Dệt Phong Phú - thuộc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam, cho xây dựng cụm công nghiệp dệt tại xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương để tạo thêm việc làm nâng cao thu nhập cho người dân khu vực.

 

Đến 7/7/2005, tỉnh Hải Dương có Quyết định số 2746/QĐ - UBND thu hồi 425.870,3 m2 đất nông nghiệp của gần 500 hộ dân bàn giao cho Công ty dệt Phong Phú là chủ đầu tư thuê đất này với thời hạn 50 năm. Từ Quyết định 844/QĐ-UBND ngày 14/09/2005 Ủy ban nhân dân huyện Kim Thành: thành lập Hội đồng bồi thường và giải phóng mặt bằng khu đất.

 

Vì vậy, ngày 8/10/2005, Ủy ban nhân dân xã Kim Lương đã thông báo cho nông dân xóm 2, thôn Lương Xá nhanh chóng chấp hành giao ruộng cho chủ đầu tư và nhận tiền đền bù.

 

Theo Quyết định 1935QĐ-UB ngày 29/5/2006 của tỉnh Hải Dương thì mức đền bù là: hơn 12 triệu đồng/ 360 m2 đất nông nghiệp thâm canh một năm 2 vụ lúa; tiền học nghề cho người mất ruộng tương đương với 7.000 đ/m2 đất. Cụ thể: bồi thường đất ao thổ cư: 39.014.000 đồng; bồi thường đất nông nghiệp: 9.211.617.000 đồng; hỗ trợ người lao động nông nghiệp bị thu hồi đất: 2.290.530.000 đồng; bồi thường hoa màu: 393.752.000 đồng…

 

Nhưng 5 năm sau, dự án không triển khai khiến người dân mất đất mà không có việc làm. Chính vì vậy, đã bầu ông Lê Văn Bình là hộ dân xóm 2 đại diện cho người dân trong xóm có đơn kiến nghị đến lãnh đạo huyện Kim Thành vào ngày 28/8/2009 về dự án của Công ty Dệt Phong Phú.

 

Ngày 8/9/2009, cán bộ xã Kim Lương làm việc với ông Lê Văn Bình cùng 75 người đại diện cho nhân dân xóm 2. Tuy vậy, ngày 1/10/2009, ông Bình và 50 người dân xóm 2 đến trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Kim Thành đề nghị dự án Công ty dệt Phong Phú không thực hiện, thì nhân dân trả lại tiền cho chủ đầu tư và lấy lại đất để canh tác và kiến nghị lên Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

Cũng phải nói thêm rằng, từ khi có dự án Công ty dệt Phong Phú đến nay, Ủy ban nhân dân xã Kim Lương đã qua 3... đời chủ tịch nhưng khu đất vẫn bỏ hoang...

 

“Đá bóng” trách nhiệm ?

 

Tìm hiểu sự việc, PV được biết, đất của dự án này đang được chuyển nhượng cho một chủ đầu tư khác…

 

Chúng tôi làm việc với ông Vũ Ngọc Uông - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kim Lương. Ông cho biết: “Tôi nghe nói dự án này được chuyển nhượng cho nhà máy thép Thái Hưng, nhưng tôi chưa nhận được văn bản nào? Cuối năm 2010, nhà máy thép Thái Hưng mời Ủy ban nhân dân xã Kim Lương dự buổi họp triển khai trên huyện. Nếu được sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân thì đầu năm 2011 sẽ mời lãnh đạo xã, huyện và đại diện nhân dân sang nước Ý thăm quan mô hình, để về triển khai dự án. Nhưng đến nay…vẫn không thấy gì?”.

 

Còn ông Nguyễn Hữu Tiến - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kim Thành cho biết: “Dự án của Công ty Dệt Phong Phú mới san lấp mặt bằng, xây tường rào, còn lại chưa triển khai gì vì vậy huyện đã đề nghị lên Ủy ban nhân dân tỉnh để thu hồi!”.

 

Nhưng khi PV trao đổi với ông Vương Đức Sáng - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hải Dương, ông cho hay: “ Dự án của Công ty dệt Phong Phú đã chuyển sang Ban quản lý dự án của tỉnh Hải Dương quản lý” và giới thiệu tôi gặp ông Mai Đức Chọn -  Trưởng ban quản lý dự án tỉnh.

 

Ông Toản - Phó ban quản lý dự án tỉnh khi trao đổi với PV đã khẳng định: “Dự án này thuộc cụm công nghiệp, do Sở Kế hoạch & Đầu tư quản lý. Hiện đang có kế hoạch chuyển thành khu công nghiệp nhưng chưa xong. Tôi cũng chưa nhận được văn bản nào?” .

 

Còn ông Chọn lại cho rằng: “Hiện nay nhà đầu tư đang gặp khó khăn, dự án sẽ triển khai trong tương lai…”.

 

Vậy, “tương lai” của dự án này là bao lâu nữa? Đến bao giờ người nông dân mới có thể tìm được việc từ trên mảnh đất địa phương? Câu trả lời xin nhường lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương.

 

 

 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo