Cùng một đồng doanh thu, mía đường HAGL lãi gấp 3-4 lần doanh nghiệp trong nước
Chi phí đầu vào của mía đường HAGL thấp hơn nhiều lần so với doanh nghiệp trong nước.
Hoàng Anh Gia Lai đã kết thúc vụ mía đường đầu tiên với doanh thu đạt 644 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với kế hoạch đề ra là 638 tỷ đồng. Phần lớn số đường sản xuất ra đã được tiêu thụ ngay trong quý 2 năm nay.
So với các doanh nghiệp mía đường trong nước, doanh thu của HAGL mới chỉ ở mức trung bình. Trong vụ đầu tiên này, diện tích trồng mía của HAGL mới chỉ có hơn 5.000ha trong khi diện tích dự kiến trồng ở các mùa tới dự kiến là 12.000ha.
Đấy là về doanh thu. Còn về lợi nhuận thì có lẽ tất cả các doanh nghiệp mía đường lớn nhỏ trong nước đều phải “ghen tỵ”.
Chỉ với 644 tỷ doanh thu nhưng lãi gộp (chưa bao gồm chi phí tài chính, bán hàng, quản lý và thuế) đã lên đến 411 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu là 64%.
Về phía các doanh nghiệp trong nước, con số tương ứng trong 2 năm vừa qua chỉ ở mức bình quân là 11-13%. Các doanh nghiệp tốt nhất cũng chỉ có tỷ suất lợi nhuận gộp lên đến 20% như SEC Gia Lai và Mía đường Sơn La.
Năm 2011 là năm hưng thịnh nhất của ngành đường thì các doanh nghiệp lớn như Bourbon Tây Ninh hay Đường Lam Sơn cũng chỉ thu về mức lợi nhuận 30%.
Vậy bí quyết của bầu Đức là gì?
Trong lĩnh vực nông nghiệp, bầu Đức rất chịu chi cho việc trồng và chăm sóc cây sao cho mang lại năng suất cao nhất. Chẳng hạn như với cây cao su, bầu Đức đã đầu tư hệ thống tưới nước và phân bón tới từng gốc cây sử dụng công nghệ của Israel.
Với cây mía, HAGL tuyên bố năng suất trồng ở Lào năm đầu đạt 120 tấn/ha, trong khi đó, ở Việt Nam chỉ khoảng 60 tấn/ha. Mặt khác, vùng nguyên liệu mía của HAGL được trồng tập trung, cây mía thu hoạch xong có thể nhanh chóng chuyển về nhà máy đảm bảo việc giữ được chất lượng.
Mặt khác, đường do HAGL sản xuất ở Lào nhận được rất nhiều ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ nước này. Trả lời trên báo Diễn đàn doanh nghiệp, ông Subbaiah, tổng giám đốc công ty KCP Việt Nam, một công ty mía đường ở Phú Yên cho rằng : “Nhờ được ưu đãi mà giá mía nguyên liệu của HAGL rất thấp chỉ khoảng 296.000 đồng/tấn, nếu quy ra giá đường chỉ khoảng 4,32 triệu đồng/tấn đường.
Trong khi đó, các nhà máy chế biến đường của VN, để đảm bảo cuộc sống ổn định cho hàng triệu hộ trồng mía nên những năm qua các nhà máy chế biến đường đã bao tiêu và bảo hiểm cây mía qua việc mua mía nguyên liệu với giá từ 950.000 - 1.150.000 đồng/tấn, tương ứng chi phí 9-11 triệu đồng chi phí nguyên liệu cho một tấn đường”.
Với sự cách biệt chi phí đầu vào như trên cùng việc năng suất, chất lượng mía cao hơn hẳn thì việc lợi nhuận của mía đường HAGL hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp mía đường trong nước hiện đang bước vào thời kỳ khó khăn với việc cạnh tranh diễn ra khốc liệt khi mà đường tồn kho quá lớn, nhập lậu đường diễn ra tràn lan.
Dòng sự kiện: Gian nan đường về nước của mía đường Hoàng Anh Gia Lai
Tuổi trẻ Online
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Cột tin quảng cáo