Thị trường

Cuộc chiến của những chuỗi bán lẻ

Dù còn rất nhỏ so với quy mô cần thiết của thị trường thương mại hiện đại, nhưng sự gia nhập của những tên tuổi bán lẻ mới, có quy mô lớn đã khiến thị trường chuyển động mạnh.


Kênh thương mại hiện đại Việt Nam giai đoạn năm năm (2007 – 2012) đã diễn ra cuộc cạnh tranh và đổi mới mạnh mẽ với các chuỗi bán lẻ không ngừng được mở rộng của BigC, Metro, Co.opmart, Maximark, Citimart, Parkson, Lotte… bên cạnh các chuỗi mới của Aeon, Family Mart, Circle K, Giant, Daiso... Chưa kể các thương hiệu đang bắt đầu tham dự như Takashimaya, E-Mart, Mapletree, Berli Jucker, Index Living Mall…

Dù tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ chậm lại do kinh tế khó khăn, một số nhà đầu tư chậm gia nhập thị trường, nhưng cuộc đua mở chuỗi vẫn tăng nhanh. Ước tính từ 2010 – 2012, số lượng siêu thị mở mới xấp xỉ con số của cả giai đoạn mười năm trước cộng lại. Nếu tính về số, các chuỗi lớn thuộc về trong nước như Vinatextmart với 80 siêu thị, Co.opmart với 60, Citimart 18, Fivimart 13, Hapro 11, Maximark là tám… Nhưng các chuỗi này khó có thể so sánh về tính chuyên nghiệp và nhận diện thương hiệu của BigC, Metro, Lotte...

Bộ mặt chuỗi đến 2020


Khoảng 20 tập đoàn bán lẻ toàn cầu đang tham dự vào thị trường Việt Nam. Chiến lược hiện nay rõ nhất là kết hợp uyển chuyển giữa các mô hình trung tâm thương mại/đại siêu thị/chuỗi cửa hàng mini và các dịch vụ vệ tinh. Ở mặt này, cả Aeon, Lotte và BigC đều là các tay chơi đáng gờm. Aeon lên kế hoạch mở 20 trung tâm thương mại phức hợp/đại siêu thị đến năm 2020, cùng với mục tiêu phát triển các chuỗi cửa hàng thương hiệu Jusco và Ministop. Chuỗi G7-Ministop đang được mở rộng trong khi thương hiệu Jusco sẽ khai thác từ năm 2013.

Lotte Mart hiện mới có bốn trung tâm nhưng kế hoạch đạt 60 siêu thị đến năm 2020, thế mạnh của công ty Hàn Quốc này là sự kết hợp trên nhiều lĩnh vực như phân phối, thực phẩm, tín dụng, xây dựng, du lịch, giải trí, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh… Metro hiện với 19 siêu thị trong kế hoạch mở đến 35 trung tâm trong năm năm tới, tận dụng thế mạnh tổ chức phối hợp với các nhà sản xuất/phân phối để tạo ra các nhãn hiệu riêng có lợi thế cạnh tranh về giá cho cả khách hàng và nhà cung ứng. Chuỗi bán sỉ này hiện có thể cạnh tranh ngay với các nhà bán lẻ.

BigC hiện cũng có 19 siêu thị nhưng mục tiêu ngay trong năm 2013 sẽ phát triển lên 30. Tổng giám đốc Laurent Zecri cho biết với dân số trên 90 triệu người, mỗi năm Việt Nam có thêm 1 triệu người tiêu dùng mới, tạo ra một thị trường đang trên đà phát triển và là cơ hội hấp dẫn cho nhà bán lẻ. “Nhiều mô hình bán lẻ đang phát triển tại Việt Nam, BigC vẫn đang lựa chọn mô hình đại siêu thị và dựa vào kênh chủ yếu là hàng tiêu dùng cho gia đình”.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, việc phát triển chuỗi tuỳ thuộc vào khu vực, mặt bằng và dịch vụ hậu cần bởi giữa các địa phương có sự khác biệt rất lớn, nhưng quan trọng nhất vẫn là sức mua. Kế hoạch của Saigon Co.op đến năm 2015, mỗi năm vẫn mở thêm vài chục điểm kinh doanh và khoảng mười siêu thị mới, đồng thời đầu tư vào một số đại siêu thị. “Dịch vụ hậu cần ngành bán lẻ Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển vì thế cần có kế hoạch phát triển phù hợp, tham gia vào thị trường ở giai đoạn này là nắm lấy cơ hội và thích nghi đồng thời kiến tạo nó phù hợp với chiến lược của mình”.

Đi trước về sau


Các nhà bán lẻ nội địa nhiều năm loay hoay ngay trên sân nhà, hệ thống phân phối truyền thống chật vật dịch chuyển sang kênh hiện đại. Theo các nhà phân tích, tuỳ điều kiện thị trường, thời gian chuyển đổi có thể mất 10 – 30 năm, nhưng kênh thương mại hiện đại Việt Nam cũng đã hơn 20 năm thay đổi kể từ khi các tập đoàn đa quốc gia đầu tiên về hàng tiêu dùng nhanh nhập cuộc, các siêu thị hiện đại đầu tiên ra đời từ năm 1994.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, phó chủ tịch hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cơ hội khai thác thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất lớn bởi kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 20%. Các nhà bán lẻ trong nước đến nay vẫn đang gặp bốn điểm yếu cố hữu: thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu chiến lược phát triển dài hạn, yếu về năng lực tài chính lẫn khâu dịch vụ hậu cần. Trong khi áp lực lớn nhất trong kinh doanh bán lẻ hiện đại là cần một công cụ quản lý hiệu quả, mạng lưới phân phối đa dạng và linh hoạt nhằm giảm chi phí để cạnh tranh.

Quan sát thị trường cho thấy các hệ thống bán lẻ trong nước đã dịch chuyển quá chậm trong khi các tập đoàn với nhiều chục năm kinh nghiệm thị trường đã tiến khá nhanh với chiến lược đầu tư tiếp thị bài bản, chuyên nghiệp trong các khâu tổ chức trung gian phân phối, đại lý, nhượng quyền; vừa phát triển trực tiếp, vừa liên kết với các nhãn hiệu địa phương, đầu tư vào các hệ thống phân phối sẵn có để thúc đẩy quy mô. Các yếu tố đồng loạt tạo ra lợi thế phát triển thương hiệu ở tầm quốc tế thay thế cho các nhãn hiệu và mô hình địa phương.

Còn nhiều thương hiệu bán lẻ khổng lồ chưa vào Việt Nam như Walmart, Tesco, Carrefour, Auchan, Cosco, Watsons… Như vậy, kênh thương mại hiện đại Việt Nam sẽ tiếp tục là cuộc chơi hấp dẫn, dự báo cuộc chuyển dịch ngoạn mục sẽ diễn ra trong giai đoạn mười năm tới.

Hiện cả nước hiện có gần 700 siêu thị, khoảng 130 trung tâm thương mại và hơn 1.000 cửa hàng tiện ích. Theo kế hoạch phát triển thị trường bán lẻ hiện đại đến năm 2020: tốc độ phát triển 25 – 30%, tỷ lệ kênh bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 45%; số siêu thị sẽ đạt đến 1.300 và khoảng 350 trung tâm thương mại. Theo phân tích của Kantar, trong khi thương mại truyền thống chật vật với giá trị tăng trưởng 16%/năm, thương mại hiện đại vẫn tăng trưởng tốt với gần 19%. Bộ ba đại siêu thị/siêu thị/siêu thị mini còn có tốc độ tăng trưởng đến 24%/năm.

Báo cáo của Research and Markets khẳng định Việt Nam là một trong năm thị trường bán lẻ sinh lời nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 đạt 23 – 25%/năm. Tuy nhiên, theo số liệu của Retail Asia, doanh thu trên mỗi mét vuông bán lẻ ở Việt Nam còn khá thấp so với khu vực, lại chậm cải thiện. Năm 2010 doanh thu của hệ thống siêu thị hàng đầu Việt Nam chỉ đạt khoảng 5.518 USD/m2/năm so với Thái Lan là 6.283 USD, Đài Loan là 6.797 USD và Singapore là 9.025 USD.

Dù thị trường khó khăn, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm nay vẫn tăng 16,4%, đạt 2.117,9 ngàn tỉ đồng (gần 100 tỉ USD), so với năm 2011 là hơn 2.000 tỉ đồng (khoảng 95 tỉ USD), nếu loại lạm phát thì mức tăng 6,4%. Công ty tư vấn A.T.Kearney dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam năm nay sẽ đạt quy mô 113 tỉ USD.

 

 

Đoàn Huế (Theo SGTT)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo