Cuộc chiến nước sạch sẽ khốc liệt hơn dầu mỏ
Nguồn nước trên thế giới đang dần cạn kiệt
Sự gia tăng dân số nhanh chóng của thế giới sẽ khiến nhu cầu sử dụng nước tăng lên nhanh chóng và làm suy giảm nguồn nước ngầm. Thay đổi khí hậu, lũ lụt và hạn hán đang càng làm nghiêm trọng thêm tình hình hiện tại.
Tại nhiều quốc gia, việc khai thác và sử dụng một cách không hợp lý đang dẫn tới việc suy thoái tài nguyên nước, khiến người dân rơi vờ tình cảnh khan hiếm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, đe dọa tới an ninh lương thực, làm gia tăng tình trạng nghèo đói và bất ổn xã hội.
Trong Hội nghị Liên Hiệp Quốc về môi trường và phát triển, các báo cáo ước tính, 1/8 dân số thế giới, tương đương với gần 1 tỉ người hiện không có nước sạch để uống, và 1/5 dân số thế giới không có đủ nước sạch dùng trong sinh hoạt. Thiếu nguồn nước cũng là nguyên nhân chính dẫn tới nạn đói và suy dinh dưỡng ở nhiều nơi trên thế giới.
Tại một số vùng khô cằn của thế giới như khu vực gần sa mạc Sahara, 40% người dân sống trong tình trạng thiếu nguồn nước sạch. Ngoài các nước châu Phí, nhiều quốc gia đang rơi vào khủng hoảng nguồn nước như Australia, Trung Quốc, Ấn Độ. Tại Australia, lượng mưa hàng năm tiếp tục giảm, khiến các mạch nước ngầm tự nhiên ở nước này bị cạn kiệt dần.
Trong khi đó, theo các báo cáo được công bố Diễn đàn Nước toàn cầu lần thứ 6 mới đây cho thấy, hiện vẫn còn có tới 3 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận nguồn nước an toàn cho sức khỏe. Nước bẩn vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 5000 người chết vì bệnh tật phát tán từ nước bẩn.
Liên Hiệp Quốc dự báo đến năm 2025, sẽ có khoảng 1,8 tỉ người sống tại các quốc gia hoặc khu vực "hoàn toàn khan hiếm nước" và 2/3 dân số sông trong điều kiện căng thẳng về nguồn cung nước.
Ông Ban Ki- moon nhấn mạnh nếu nhân loại không cải thiện được hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp, thế giới sẽ thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến chống đói nghèo. Với gần 1 tỷ người trên thế giới đang bị đói và 800 triệu người chưa được tiếp cận nguồn nước an toàn, cộng đồng quốc tế cần hành động tích cực hơn để tăng cường các nền tảng ổn định ở các địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Nguy cơ chiến tranh nước sạch
Cùng với đói nghèo, việc khan hiếm nước tại một số quốc gia đang làm tăng nguy cơ xung đột, và làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa các quốc gia trong khu vực.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Cliton, trong một thập kỷ tới, nước sẽ trở thành thứ vũ khí chính trị, một đòn bẩy, thậm chí trở thành âm mưu khủng bố. Kiểm soát nguồn nước sẽ ảnh hưởng tới cán cân quyền lực giữ các quốc gia.
Khủng hoảng nguồn nước sẽ dẫn tới khủng hoảng về y tế, khủng hoảng nông nghiệp, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng khí hậu, và thậm chí là khủng hoảng về chính trị Hillary Clinton |
Đặc biệt các quốc gia ở thượng nguồn sẽ tạo sức ép với các quốc gia ở hạ lưu bằng cách kiểm soát dòng chảy của các con sông. Một số nơi như hồ chứa nước sạch hay cầu sẽ trở thành mục tiêu khủng bố.
"An ninh nguồn nước là vấn đề an ninh cho nền kinh tế, con người và quốc gia, bởi chúng ta đang nhìn thấy những bất ổn ngày càng tăng và xung đột xung quanh vấn đề nguồn nước", bà Clinton nói.
Tuy nhiên, chưa cần nhìn đến tương lai 10 năm nữa, ngay cả trong quá khứ và hiện tại, nước cũng là nguồn tài nguyên gây ra xung đột và chiến tranh giữa các quốc gia.
Châu Phi, châu lục có trữ lượng nước khan hiếm nhất thế giới, chỉ sau châu Đại Dương, là khu vực mà nước chiếm một vai trò tối quan trọng. Dân số châu Phi chiếm 15% tổng dân số thế giới, song châu lục này chỉ nắm giữ 9% tổng nguồn nước tái tạo. Thiếu nước, hạn hán gây ra nạn đói nghiêm trọng tại nhiều vùng ở châu Phi, đặc biệt là các khu vực xung quanh sa mạc Sahara.
Ai Cập, Sudan và Ethiôpia cũng đang phải đối mặt với các cuộc "xung đột tiềm tàng" do tranh chấp trong việc kiểm soát nguồn nước sông Nile. Tại châu lục Đen này, các chuyên gia không loại trừ khả năng sẽ xảy ra những cuộc "nổi loạn vì khát", giống như cuộc "nổi loạn vì đói" trước đây.
Nhiều chuyên gia Quốc tế cũng nhận định ngay cả việc Isarel xung đột với các quốc gia láng giềng như Ai Cập hay Li Băng về bản chất của vấn đề phần nào cũng có liên quan đến việc tranh giành quyền làm chủ nguồn nước ở vùng này.
chiến trong tương lai không phải là cuộc chiến tranh giành dầu mỏ, vàng hay khí đốt, mà chính là cuộc chiến cạnh tranh nguồn nước. (Ảnh: AFP/Getty) |
Xây đập ngăn dòng tại thượng lưu
Riêng ở châu Á, cuộc chiến tranh nguồn nước diễn giữa Trung Quốc và các nước láng giềng và khu vực tự trị như Tây Tạng, Ấn Độ và các quốc gia nằm trền đường đi của sông Mê Kông là rõ ràng hơn cả.
Giống như Lão Tử đã từng nói, " Trên thế gian không có thứ gì mềm và dễ sai khiến như dòng nước. Nhưng khi tấn công, không có gì mạnh mẽ và cứng rắn hơn nó", người Trung Quốc ngày nay cũng đang phát huy triệt để sức mạnh của nước.
Là quốc gia dân số đông và diện tích vào loại lớn nhất thế giới, Trung Quốc luôn đau đầu trong vấn đề nguồn nước sạch và xử lý ô nhiễm nước. Để giải quyết vấn đề trong nước cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, quốc gia này luôn tìm cách kiểm soát Tây Tạng, vốn được coi là một "tháp nước" thực sự của châu Á và mang lại một nguồn lợi rất lớn cho Trung Quốc.
Chính vì "âm mưu" kiểm soát này mà xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đã xây dựng một con đập trên sông Brahmaputra, bắt nguồn từ Tây Tạng, Tây Nam Trung Quốc.
Chính phủ Ấn Độ tỏ ra vô cùng lo lắng khi thấy một phần nguồn nước của hai con sông lớn là sông Brahmapoutre và sông Ấn bị Bắc Kinh "nắn dòng". Việc xây dựng con đập như thế đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước ở hạ lưu phía Ấn Độ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc phủ nhận sự việc này và cho rằng các dự án của Bắc Kinh không ảnh hưởng gì đến dòng chảy sang Ấn Độ.
Tương tự như vậy, Bắc Kinh cũng thường xuyên đối mặt với những than phiền tương tự của các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam về việc xây đập thủy điện trên thượng lưu sông Mê Kông bắt nguồn từ Trung Quốc.
Sự can thiệp thô bạo vào dòng Mekong của Trung Quốc bằng việc xây những con đập to nhất thế giới mang lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới 250 triệu người Campuchia, Việt Nam, Lào và Thái Lan sống ở châu thổ Mê Kông. Nông dân Việt Nam phải dùng phân hóa học nhiều hơn bởi phù sa bị chặn lại từ Vân Nam - Trung Quốc; trong khi đó, cư dân khu vực bờ Mekong tại Thái Lan phải sẽ đối mặt hạn hán và xâm thực.
Vào mùa khô, thượng lưu Mekong chiếm hơn 60% dung tích con sông. Một khi nguồn nước này bị cắt, hạn hán tại hạ lưu chắc chắn xảy ra. Trong khi đó, vào mùa mưa, sự xả nước đột ngột từ các hồ chứa nước thủy điện có thể tạo ra những trận lụt kinh hoàng.
Trước những âm mưu về kiểm soát nguồn nước của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đang diễn ra với xu hướng ngày càng tăng, nhiều người cho rằng, cuộc chiến trong tương lai không phải là cuộc chiến tranh giành dầu mỏ, vàng hay khí đốt, mà chính là cuộc chiến cạnh tranh nguồn nước, nguồn tài nguyên thiết yếu để duy trì sự sống, nhưng lại đang ngày càng cạn kiệt.
Theo VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này