Cuộc chiến trong ngành giải trí châu Á
Các hãng giải trí phương Tây đã có vị trí khá vững vàng tại đây, nhưng nhiều công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cũng đang sốt sắng đuổi kịp.
Ngành công nghiệp sản xuất nội dung cho các chương trình giải trí châu Á đang trở thành sân chơi quốc tế. Các công ty Mỹ và châu Âu đã hiện diện tại đây từ lâu, trong khi nhiều đối thủ địa phương đang nóng lòng giành lại thị phần. Hàn Quốc làm nên tên tuổi trong công nghiệp điện ảnh, truyền hình và âm nhạc, trong khi hoạt hình Nhật Bản vẫn tiếp tục được ưa chuộng.
Để chống lại thách thức từ các đối thủ nước ngoài, những doanh nghiệp địa phương đã phải sử dụng rất nhiều thủ thuật. Hai trong số đó là nội địa hóa phim ngoại và thêm yếu tố nước ngoài vào sản phẩm, Asian Nikkei Review cho biết.
Theo một khảo sát của hãng quảng cáo Nhật Bản - Hakuhodo cuối năm ngoái, so với các thành phố Đông Nam Á khác, việc nội địa hóa nội dung phổ biến hơn cả tại Manila (Philippines). Tỷ lệ người Philippines cho biết họ muốn xem phim truyền hình trong nước đã tăng 0,19% so với năm 2010. Trong khi đó, số liệu này với phim điện ảnh và âm nhạc tăng 0,41% và 0,21%.
Sự tăng trưởng nội dung Philippines tại Manila đã lấn át các sản phẩm từ Hàn Quốc. Người dân nước này có truyền thống thích phim làm trong nước và phim tình cảm. Các series phim hài của biên kịch trong nước như "Dream Dad" hay "Forevermore" cũng đang rất được ưa chuộng với tỷ suất xem đài hơn 20%, theo một khảo sát giữa tháng trước.
Tuy nhiên, dù khảo sát này cho thấy không chương trình truyền hình nào có diễn viên Hàn Quốc lọt top 10, làn sóng Hàn tại nước này vẫn còn tồn tại. Vì nếu phân tích kỹ hơn, các đài truyền hình Philippines đang thu hút người xem bằng cách tích hợp yếu tố Hàn Quốc vào phim truyền hình.
Ví dụ, bộ phim "Two Wives" có tỷ suất xem đài trên 20%, lại dựa trên bộ phim cùng tên năm 2009 của đài SBS Hàn Quốc. Có vẻ những câu chuyện của điện ảnh Hàn Quốc vẫn thu hút sự chú ý của người Philippines.
Làm lại một bộ phim Hàn Quốc, nhưng dùng ngôn ngữ và diễn viên bản địa không phải là ý tưởng mới. Tuy nhiên, điều chỉnh chúng cho phù hợp với khẩu vị của người dân địa phương trong khi vẫn phải duy trì tinh thần của bản gốc không phải điều dễ dàng. Câu chuyện cần phản ánh thực tế xã hội và hướng đến đúng đối tượng khách hàng.
Một số bộ phim của các nhà đài lớn nhất Philippines cũng được phát tại nước ngoài, như Malaysia hay Việt Nam. Việc này cũng khiến các diễn viên có cơ hội nổi tiếng và kiếm thêm thu nhập từ những hoạt động như đóng quảng cáo.
Ngành công nghiệp truyền hình Myanmar cũng đã bắt đầu tách khỏi sự phụ thuộc vào những bộ phim Hàn Quốc. Nước này đang lên kế hoạch thay thế các sản phẩm từ nước bạn bằng những bộ phim nội, với mục tiêu dài hạn là xuất khẩu được ra quốc tế.
Trong khi đó, các bộ phim Thái cũng đang dần gây chú ý tại rạp trong nước. Theo website nghiên cứu doanh thu phòng vé Box Office Mojo, bộ phim mới nhất của Thái Lan "King Naresuan" cũng đã đánh bại "The Amazing Spider-Man 2" trở thành phim có doanh thu cao nhì năm ngoái. Năm 2013, bộ phim hài kinh dị "Pee Mak Phra Khanong" còn vượt "Iron Man 3" để giành vị trí đầu bảng.
Theo Vnexpress
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo